Ngày qua nhà mình · Phố của anh, của em...

Một buổi ăn đêm

23h30, đường Trần Quang Khải

Nửa đêm chợt thèm súp cua. Mình lăn lộn rên rỉ để lôi cho được bạn cùng nhà ra đường. Vừa ra khỏi hẻm 68, rẽ trái, đi thêm một đoạn chừng 99 mét, mình đã ngồi gọn lỏn trong quán súp cua vỉa hè của cô Thanh.

Quán súp cua cô Thanh đây

Đêm Đa Kao chậm rãi, yên bình như một buổi sớm mai ở Đà Lạt. Đoạn này vẫn thuộc Tân Định, nhưng nó đã có cái không khí của khu Đa Kao. Từ quán cô Thanh đi tới chừng 40m nữa, như trôi xuống một con dốc dài băng qua ngã tư Đinh Tiên Hoàng, là đến chợ Đa Kao.

Bạn chung nhà mè nheo cô Thanh “Cho con một tô có xương gà!”. Vừa bị mè nheo xong, cô Thanh lập tức được bù đắp bằng 3 nhóm khách đến một lúc, ngồi kín ghế. Cô bưng ra cho má Tùng một tô, trách: “Lâu quá không ghé cô!”. Má Tùng bị cơn mè nheo, làm tới: “Con ghé hoài mà không có cô đó!”. Cô nói, cái giọng phân trần buồn buồn: “Mười rưỡi cô mới bán đây, mọi khi còn đứng sớm được chứ giờ mà đi sớm nó bắt liền”.

Cô Thanh người Quảng Ngãi. Súp cua của cô ngon bá cháy. Nhưng quán súp cua không có tên, cũng không có “quán”. Quán của cô là cái xe đẩy có ghi biển “Súp cua. Hộp vịt bắc thảo” như hàng trăm xe súp cua ở Sài Gòn. Buổi chiều, cô đẩy xe súp cua đi dọc đường Trường Sa khu vực Q.1, Bình Thạnh, cô vòng vô hẻm 47 Điện Biên Phủ, qua chợ Bà Chiểu, rồi bán lòng vòng chờ đến 22h30 thì đến đậu xe ở vỉa hè Trần Quang Khải, ngay cạnh Đình Nam Chơn.

Từ 22g30 đến 2g sáng, quán của cô lúc nào cũng lai rai những lượt khách tan ca đêm, những người chở hàng lỡ đường đêm hôm, mà nhiều nhất là những người dân địa phương đói bụng nửa đêm, lội bộ ra quán ngồi ăn chén súp, ly chè, rồi tán dóc với cô chủ quán hiền lành, dễ thương. Cô hỏi, con vô đây có nhà chưa? Rồi vừa hỏi xong, cô như chợt nhớ nỗi lòng riêng, chậc lưỡi: “Cô vô đây gần 30 năm, hồi đó nhà rẻ mà không lo mua, giờ càng lúc nó càng mắc, mua hông nổi! Cũng tại mình, cứ nói về quê về quê rồi hông lo nhà cửa chi hết!”

Giọng cô buồn hiu. Cái “nói về quê” mình nghe sao mà quen quá. Bao nhiêu người miền Trung vào Sài Gòn lao động mưu sinh, là bấy nhiêu giấc mơ được sống bình yên, thong thả giữa vườn ruộng quê nhà. Rồi lại hứa sẽ trở về, nhưng cuộc mưu sinh có bao giờ ngơi nghỉ? Đến lúc nhìn lại, kẻ hẹn về quê năm cũ đã xanh bạc mái đầu. Những người “bỏ cuộc giữa chừng”, thoả hiệp với cuộc sống quần quật mưu sinh mà xem nó như cuộc sống thực sự – thì lại có cơ may ổn định do sớm mua nhà cửa, làm chốn dung thân. Kẻ cứng đầu ôm mộng về quê, thì dở dang, trôi nổi giữa cuộc sống mình tự cho là “tạm”. Có biết đâu, trong chính những ngày quần quật tạm bợ ấy, Sài Gòn đã trở thành quê nhà, thành cuộc sống của họ mất rồi.

Chiều nay, trong lúc nói chuyện “thiên di”, Trang buông một câu như tiếng thở dài: “Chẳng nơi đâu là nhà!”. Mình nói, là tại mình được giáo dục là phải có một “cái nhà” thôi. Nếu không thì đã không nặng nề đến thế. Nếu không, thì hễ nơi nào ấm áp và có tình yêu, nơi ấy sẽ là nhà. Chẳng cần phải cân nhắc “sở hữu”, “huyết thống”, “hợp pháp”, với cả thẻ xanh thẻ vàng…

Đời người nào có cần cửa nhà, hộ khẩu, quốc tịch, giấy đkkh, đám cưới,… gì đâu? Đời người chỉ cần một chốn bình yên, một vùng đất hiền hoà, một người yêu thương thôi mà. Cô Thanh đang yên vui trong căn nhà trọ cô gắn bó bao nhiêu năm ở chợ Bà Chiểu đó, thì đó là nhà của cô rồi…

Mình miên man quá đỗi. Đêm thênh thang và vắng lặng quá đỗi. Dù vẫn chuyện trò. Vẫn có đó đây những nhóm người đang rì rầm bữa ăn muộn. Cô Thanh bán súp cua, lại còn bán 7 loại chè đậu, đá me, sâm bổ lượng – nên rộn ràng. Chỉ có trong mình là vắng lặng.

Hai chị gái trả tiền cho cô Thanh xong đứng nép vào bờ tường trước Đình Nam Chơn. Hai chị rất trẻ và xinh xắn, đeo hai cái túi xách dây mảnh, nhìn quen thuộc đến thương. Cô Thanh mang súp cua cho khách xong rón rén đi ra nói nhỏ với hai chị gái đang đứng phía bên đình: “Vô đây ngồi ghế chờ khách đi con. Đứng đây làm gì cho mỏi chân?”

Lúc đó, mình vừa bước ngang qua nên không kịp nghe câu trả lời, cũng không biết hai chị gái có vào ghế ngồi đặng chờ khách. Có điều, lúc đó, hai cái ghế hiếm hoi đang được cô chủ xe súp cua vỉa hè nọ sẵn sàng nhường cho hai chị đang chờ khách nửa đêm, nó cũng là “nhà” của phút giây. Người đàn bà còn ngồi bán súp đến rạng sáng mai ấy, trong cái phút “mời ngồi” nọ, cũng ấm áp như mọi người thân ấm áp nhất mà một con người có thể có trên thế giới này. Dù người đàn bà vẫn buồn bã chậc lưỡi cho cảnh ngộ “không nhà” của mình.

Còn mình thì cứ yêu tha thiết khu Tân Định – Đa Kao này, vì những bữa ăn đêm, vì cuộc nương thân, và cả cái cảm giác phiêu dạt giang hồ, như thế.

1 bình luận về “Một buổi ăn đêm

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s