Phụ nữ ơi

Chuyện thu thai từng như nắm cát trên tay

Xin gửi tặng câu chuyện thật này, như một lời chúc lành cho những người phụ nữ đang trường kỳ đau đớn trên hành trình tìm con)

Thỉnh thoảng, xen giữa câu chuyện của chị, tiếng trẻ con í ới vọng lại từ gian nhà sau. Câu chuyện ấy trải dài suốt đường tôi về, từ ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, qua phà Cát Lái – cũng là con đường sáu năm ròng chị đi về, lui tới Bệnh viện (BV) Từ Dũ chữa hiếm muộn.

Cưới anh Nguyễn Văn Thân (sinh năm 1968) năm 2003, năm 2004, chị Nguyễn Thị Thụy Điển (sinh năm 1976) mang thai lần đầu. Hai tháng sau, chị sẩy thai. Vốn mắc chứng buồng trứng đa nang, sau khi sẩy thai, chị được phát hiện bị tắc vòi trứng, phải thông vòi. Một năm trời sau đó bặt tin vui.

Khi ấy, anh Thân 36 tuổi, suốt ngày quần quật vừa bán đồ điện nước, vừa phụ vợ làm bánh kem. Chuyện con cái lắm khi khiến chị sốt ruột, nhưng mỗi lần mở lời dò hỏi, anh lại gạt đi. Dự định sinh con đã im ắng từ ngày chị sẩy mất đứa con đầu, mỗi lần nhắc đến anh chỉ bình thản: “cứ từ từ ”.

Năm 2006, được cha mẹ đẻ hỗ trợ, chị quyết định điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sáng, chị rời nhà lúc 6g30, theo anh đi hơn một giờ đồng hồ, qua một chuyến phà để lên BV Từ Dũ, rồi vòng về nhà khi đã tối mịt. Nhưng, ngoài cung đường Nhơn Trạch – Sài Gòn mỗi ngày hai chuyến ấy, “đường con cái” lại thêm trăm nỗi lận đận khi cơ thể chị quá nhạy cảm với thuốc. Một ngày sau khi thực hiện kích thích buồng trứng, chị lên cơn khó thở, bụng dưới căng tức dữ dội. Anh Thân lật đật chở ngược vợ trở lại BV Từ Dũ, và chị phải nằm viện năm ngày để điều trị.

Lần ấy, chị thụ tinh được bốn phôi. Từ lúc chuyển phôi vào buồng tử cung, chị phải chờ thêm 14 ngày để được thử thai. “Nửa tháng dài mút chỉ” đó, mười năm rồi anh Thân vẫn nhớ như in. Một ngày trước khi đến hạn thử thai tại BV, chị Điển lẳng lặng ra tiệm thuốc mua về một que thử. Thấy chị giấm giúi bước vào phòng tắm, anh sực đoán ra ý định của vợ, lật đật can ngăn. Giằng co một chặp, chị ngồi sụp xuống trước cửa phòng tắm, bật khóc. Cơn căng thẳng, sốt ruột như bùng nổ giữa những khuyên can “bình tĩnh, giữ vững tinh thần chờ ngày đến BV” của chồng. Anh Thân kiên quyết giành lấy cái que thử thai, rồi giấu biệt. Sự nóng lòng của chị vỡ òa lần nữa vào ngày hôm sau, tại BV Từ Dũ, khi bác sĩ (BS) thông báo ca thụ tinh thất bại.

Hy vọng lần ấy vụt tắt, 50 triệu đồng vừa mất trắng sau lần điều trị không thành công đè nặng nỗi buồn lo của cặp vợ chồng vốn đã “vái tứ phương” suốt hai năm đầu trắc trở đường con cái. Nhưng, ngay trên đường từ BV trở về sau lần thất bại ấy, chị Điển đã bàn với chồng “ráng dành dụm cho lần sau”.

“Lần sau” ấy diễn ra vào năm 2007. Cũng với chừng đó công đoạn, chừng đó biến cố về thể lực và bấy nhiêu thử thách về tinh thần. Đến ngày thử thai, ngồi trước phòng khám hiếm muộn chờ kết quả, chứng kiến những gương mặt rã rời xen giữa những chị em hoan hỉ cầm bịch thuốc mới bước ra khỏi phòng khám, lòng chị như lửa đốt.

Đến lượt mình, chị không được phát thuốc, BS chỉ nhẹ nhàng chia buồn. Tiền để dành cạn sạch, không còn chỗ để vay mượn, chị lại gần như kiệt sức sau chuỗi ngày bươn bả sớm hôm, làm đủ thứ xét nghiệm và can thiệp y khoa. Ngay sáng hôm sau, tiệm điện nước và bánh kem lại được mở cửa, vợ chồng chị tất bật lao vào kiếm tiền.

“MỘT ÍT THỬ LÒNG”

Chuyện con cái anh không một lần nhắc đến. Nỗi ám ảnh về những ngày rong ruổi, đợi chờ, những đớn đau thảng thốt mỗi lần quá kích buồng trứng lại ùa về cùng nỗi sợ hãi, nên hễ toan mở lời, chị lại im lặng xua đi. Những ngày ấy, một lời “khen”: “Không có con mà làm lắm thế!” của người quen cũng dập tắt một cuộc cười nói. Làm ổ bánh kem mừng sinh nhật chồng trong một buổi chiều vào năm 2008, lúc nắn nót nặn con số 40, chị bàng hoàng bật khóc. Quyết tâm sinh con tưởng tắt ngấm đâu đó trên con đường từ Sài Gòn về Nhơn Trạch năm ngoái, giờ lại trỗi dậy. Chị tích cực làm lụng, tích cóp. Đến năm 2010, khi đã hòm hòm đủ số tiền cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm, chị lại “rủ” chồng “lên Từ Dũ kiếm con”.

Lần này, chị thụ tinh thành công. Nghe xong những dặn dò của bác sĩ, vừa gặp anh ngoài hàng ghế chờ, chị vồn vã nói: “được rồi, được rồi”, rồi cứ thế vừa khóc vừa cười suốt cả đường về. Tiệm bánh kem dập dìu người đến thăm hỏi, chúc mừng suốt những ngày sau đó. Giữa niềm vui vừa được khơi lên, chị phải đối mặt với những kiêng khem nghiêm ngặt bởi cơ thể quá yếu ớt trong thai kỳ. Nắm rõ sức khỏe của vợ, anh Thân kiên quyết đóng cửa tiệm bánh kem, “ấn” chị vào phòng nghỉ ngơi, tránh đi lại, hoạt động mạnh. Anh giành làm hết mọi việc nhà. Cứ đến lịch, anh lại thuê ô tô, đưa vợ vào bệnh viện khám thai. Đứa trẻ đang hình thành trong bụng chị là đề tài triên miên của hai vợ chồng, nhưng, dưới sự “quản thúc” của anh, chị không được vui mừng, cười đùa quá khích.

Một buổi sáng giữa những ngày tuyệt đối khẽ khàng ấy, chị bị động thai. Buổi sáng, phát hiện mình ra máu, chị vội vã cùng chồng thuê ô tô lên bệnh viện Từ Dũ, rồi được yêu cầu nhập viện để dưỡng thai. Ngày đón người vợ khỏe mạnh xuất viện khi thai nhi đã ổn định, anh Thân không ngờ rằng, thử thách này
chưa phải lần cuối.

Một tháng sau, trong lần siêu âm màu, chị Điển ngã gục xuống bàn khi bác sĩ thông báo chị bị thai lưu. Cả phòng hiếm muộn im bặt, cô y tá đang tra cứu thông tin trên một máy tính gần đó cũng khựng lại, buồn bã nhìn sang chị. Vị bác sĩ choàng tay qua, vỗ vỗ lên bờ vai đang run lên bần bật cùng câu hỏi cứ liên tục được gào lên trong nức nở của chị: “Tại sao vậy bác sĩ? Em phải làm sao đây?”. Từ tốn giải thích mọi lẽ, câu hỏi “tại sao?” của bệnh nhân vẫn xoáy vào vị bác sĩ. Cầm tập hồ sơ bệnh án đã dày lên từng ngày rồi quay sang nắm lấy bàn tay đang lạnh ngắt của chị Điển, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (khi ấy là trưởng khoa Hiếm muộn, bệnh viện Từ Dũ) nhẹ nhàng mà rành rọt nói: “Chị sẽ đồng hành cùng em lần nữa, trời cũng thử lòng mình một ít, em à!”.

Một “cuộc chiến” hoàn toàn mới lại được khơi lên, một “canh bạc” lạnh lùng những xác xuất, những “tỷ lệ thành công” – không có một “ưu tiên” nào cho người-cũ. Vợ chồng chị Điển lại vào vai như những “tân chiến binh” lần đầu lâm trận. Được chẩn đoán bị huyết áp cao, chị được bác sĩ Diễm Tuyết chỉ định hoãn việc thụ tinh để điều trị huyết áp. Trong sáu tháng ròng, vợ chồng chị “chuyển địa chỉ” sang bệnh viện Chợ Rẫy, điều trị cho đến khi huyết áp ổn định mới quay về bệnh viện Từ Dũ, tiếp tục “tìm con”.

Thành công lần nữa mỉm cười. Ngày bác sĩ Diễm Tuyết báo tin chị đậu thai đôi, khóc cười lan khắp khoa Hiếm muộn. “Bác sĩ Giang, chị Phụng, chị Viên, chị Trúc đều chạy đến chúc mừng. Mình ngơ ngác quá, thấy các chị cười
mình cũng cười, rồi thấy chị hộ lý mắt đỏ hoe, mình lại bật khóc” – chị bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời mình. Nhưng, ngay lúc ấy, bao nhiêu lo lắng, bao nỗi ám ảnh về sự bất trắc, vô thường lại đổ ập xuống vợ chồng chị.

Suốt những tháng dài sau đó, chị Điển gần như chỉ nằm một chỗ, mọi chuyện cơm nước, dọn dẹp, một tay chồng chị quán xuyến. Mỗi ngày một lần, anh chuẩn bị nước ấm rồi dìu chị ra, tự tay tắm cho vợ. Một tuần hai lần, anh
sửa sang chỗ nằm cho chị, rồi chạy đi nhờ cô thợ cắt tóc đầu ngõ sang gội đầu. Ngoài những lần khám thai định kỳ, mỗi lần thấy cơ thể có một biến chuyển nhỏ, chị lại cuống quýt gọi điện cho bác sĩ Diễm Tuyết.

Đến tuần thứ 31, chị lại động thai. Bệnh viện Từ Dũ lại “trả” chị về bình yên vô sự sau những ngày lưu viện dưỡng thai, nhưng tiền sử sảy thai khiến nỗi bất an vẫn âm thầm hiện hữu ở cả thai phụ lẫn ê kip y bác sĩ, như lời tâm sự của bác sĩ Diễm Tuyết sau này: “Mỗi lần điện thoại hiện số của Thụy Điển, chị lại
giật mình, lo sợ”.

Mọi nỗi ám ảnh ấy kết thúc ở tuần thứ 33. Chị chuyển dạ sớm, sinh non. Đứng ngoài phòng mổ, thấy y tá bế lần lượt hai đứa bé ra, đọc “một gái một trai, mỗi em hai ký mốt” rồi vui vẻ “chúc mừng bố”, anh Thân quýnh quáng không nói nên lời. Lúc nhìn y tá bế con đi khuất về hướng phòng nuôi trẻ trong lồng kính, lần đầu tiên trong chừng ấy năm trời, anh rơi nước mắt.
***
Trời đổ về chiều. Trong nhà, anh Thân tất bật lo chuyện tắm rửa, rồi “vật lộn” với việc mặc quần áo cho hai đứa trẻ lên ba. Đứng ngoài tiệm làm bánh, chị Điển vừa làm luôn tay, vừa với vào “hòa hoãn” với tiếng í ới đòi mẹ của Nguyễn Ngọc Phương Thảo và Nguyễn Trung Hiếu. Cảnh đầu tắt mặt tối này, hình ảnh ông bố bà mẹ “ba đầu sáu tay” này vẫn hiện hữu ở hầu hết mọi gia đình trẻ. Có điều, ở tổ ấm này, cảnh quần quật lao khổ ấy từng là một ước
mơ, một khát vọng bền bỉ, và đến bây giờ là một sự “ban ơn” nào đó của trời, của người. Bởi vậy mà lúc mình đứng trên phà Cát Lái, chị gọi cho mình rồi cuống quýt dặn dò: “Minh Trâm hãy giúp chị cảm ơn bác Diễm Tuyết, bác Giang, chị Phụng, chị Trúc, chị Viên… À thôi, em gửi lời đến bác Tuyết và các chị trong khoa Hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ nhé, vì nếu kể tên, chị sợ chị kể thiếu mất!”.

Bạn có thể đọc bài viết về việc áp lực giới tính thai nhi tại đây

(Bài đã đăng trên báo Phụ nữ TP. HCM tháng 4/2016. Gia đình chị Điển được Báo Phụ nữ vinh danh trong chương trình khát vọng sống sau đó. Hình ảnh vợ chồng chị tíu tít bên hai đứa con sinh đôi, đến lúc này nhớ lại, Trâm vẫn còn chảy nước mắt.)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s