Ngày qua nhà mình · Phố của anh, của em... · Phụ nữ ơi

Tiệm tạp hóa ở chợ Bàn Cờ

Ý định ăn ốc nảy ra ở bãi xe cơ quan. Mình vừa nói ăn ốc, chị Dương đã hưởng ứng nhiệt tình. Buổi chiều, cái thói quen ăn xế của người Sài Gòn chợt thức dậy sau một chuỗi ngày chỉ quẩn quanh trong nhà trốn dịch corona. Chị dẫn đường sang ốc Như, nhưng khi đi ngang chợ Bàn Cờ, chị nói “thôi vào đây đi, thể nào cũng có ốc”.

Gửi xe xong rồi, chị Dương lanh lẹ hỏi thăm thì được một chị hàng sơn móng nhiệt tình chỉ: “rẽ này nha, rồi đến ngã tư đầu tiên thì thấy Ốc Loan”. Tụi mình vừa quay đi thì chị nói tiếp “cái ngã tư y như chỗ tui vầy nghen!”. Tụi mình vừa dạ thì cũng vừa bước đến ngay đoạn cần rẽ, chị với theo: “đó đó, giờ thì rẽ!”. Cưng hết biết, làm nghề sơn móng tay mà làm như ngồi đó hành nghề chỉ đường vầy nè trời. Mấy gian hàng lấp xấp chật cứng lối đi chẳng làm ai phiền hà nổi, nếu đó là một con đường được chỉ dẫn bởi một người đàn bà ân cần đến thế. 

Ốc Loan gần và dễ y như chị bán nón chỉ vậy. Quán dã chiến làm ngay giữa con hẻm sau chợ Bàn Cờ, nhưng lại là hẻm của đường Nguyễn Thiện Thuật – một trong những thiên đường ốc của Sài Gòn mấy năm trước. Vừa thấy đúng địa chỉ rồi, mình để Dương ngồi trước đặng chạy vô tạp hoá ngay đó mua một túi khăn ướt. Rồi hồn mình suốt buổi cứ treo lại ở cái tạp hoá này. 

Tiệm tạp hóa nhìn từ Ốc Loan, phía trước là mấy giỏ đựng giấy kiếng gói quà kiểu cũ

Tiệm tạp hoá bình thường thôi. Nhưng ngay trong lúc vội vã đó, mình chợt bị khựng lại. Ngay trước quán là mấy cái giỏ nhựa bày bán một loại giấy gương để gói quà. Cái thứ giấy lấp lánh, màu mè và xưa rích đến nỗi tưởng tượng cả cái Sài Gòn hiện đại này đã nghỉ chơi với nó từ mười lăm năm trước. Đằng sau mấy cái tủ kính được xếp dọc 2 mặt tiền quán, là một khoảng không tươm tất. Nền nhà xi măng cũ kỹ. Những bức tường không còn rõ là màu gì, chỉ thấy cái hoen ố của thời gian. Nhưng, hàng hoá được xếp gọn ghẽ hơn bất kỳ một tạp hoá hay siêu thị nào mình từng biết. Cũng là hộp bánh, cái kẹo hay tuýp kem đánh răng, nhưng dường như ở đây, chúng được đối đãi như những nhân vật chính – có chỗ đứng, có lớp lang, có cả giá cả rõ ràng được viết tay, trưng ra trước mặt tủ. 

Những chiếc tem giá được viết tay rồi dán ngay ngắn vậy đó…

Đặc biệt, có cái tạp hoá xô bồ nào mà mở nhạc Thanh Tuyền không? Nghe “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/Thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi” trong cái giọng quen quá, tình quá mà xa xưa quá, mình hỏi: “cô ơi ai đang hát vậy cô?”. Người đàn bà chủ quán bình thản nói: “Thanh Tuyền”. Nghe như Thanh Tuyền là một người cô quen. Xong rồi cô nhẹ nhàng mà nhanh chóng lướt đi đến chỗ này chỗ kia, lấy hàng bán cho khách. 

Chẳng hiểu sao mà mình thấy cái tạp hoá chợt thênh thang quá đỗi. Tưởng như nó đủ rộng cho cả mớ hàng kia lẫn một không gian riêng tư và khoáng đạt, cho một người đàn bà bước đi những bước chân tự do, lả lướt. Đó chỉ là một người phụ nữ bình thường thôi. Cô gầy dong dỏng. Bộ quần tây đen, áo sơ mi màu xanh trời huyền thoại lẽ ra chỉ vẽ nên một nữ tu, một nữ công nhân viên chức. Đằng này lại hiện ra cả một người phụ nữ ngoài 60 lãng mạn, mơ mộng nhưng chỉ lịch sự vừa đủ, và nghiêm khắc vô biên trong việc bày biện không gian riêng của mình. 

Trên bức tường trong cùng của tiệm tạp hoá, mình thấy một mảng xanh mơ của một loại giấy dán tường kiểu cũ. Giấy vẫn còn mới, nhưng đó là hoạ tiết của những năm tám mấy. Cái điểm nhấn không gian đó càng làm cho cái tạp hoá giữa chợ này có gì đó rất riêng tư. Một kiểu tâm hồn và thẩm mỹ của Sài Gòn cuối thế kỷ 20. 

Mình bước ra vài bước là đã tới chỗ Dương đang ngồi chờ ăn ốc. Chợ mà, ồn ào lắm! Mình nói “Chị có nghe Thanh Tuyền đang hát không?”. Dương tập trung chút rồi gật. Mình nói “cái cô áo xanh trong tiệm tạp hoá đó kìa, cổ mở đó. Nghĩ sao trong cái tạp hoá giữa chợ vầy vẫn có nhạc để nghe, vẫn im lặng lướt đi làm việc của mình rồi quay vô vừa xếp hàng vừa nghe nhạc. Chẳng cần đon đả thái quá hay mời hàng ai hết.”  Dương khá nhạy cảm với những gì thuộc về tận hưởng cuộc sống nên Dương lập tức hướng về cô chủ tiệm tạp hoá bằng ánh nhìn ngưỡng mộ. Mình nói thêm “Chắc cổ hạnh phúc lắm. Dù có thể có quá khứ buồn hay hiện tại chật vật, thì vẫn sẽ hạnh phúc”.

Giữa quán ốc dã chiến xô bồ xô bộn, tự dưng Dương cũng mơ màng, nói: “Bé làm chị nhớ cái cô vợ đại úy Long trong phim Mùa Gió Chướng ghê. Lúc đó nhà cửa thanh vắng, cổ nằm trên một chiếc ghế gỗ dài, một mình nghe nhạc Thanh Tuyền. Tự dưng nhìn cảnh đó mình thấy cuộc sống nó nhẹ nhàng quá!”.

Thế rồi suốt buổi ăn ốc, hai chị em ngồi bên này mà như đang ở bên kia – cái bên có giấy dán tường xanh, có bánh kẹo xếp thẳng băng dán giá đàng hoàng và mở nhạc Thanh Tuyền í. Buổi ăn ốc đột xuất mà tự nhiên lại… văn hoá, lại tưới tắm cứu rỗi tâm hồn vô biên. 

Và mình “lưu” cái cô chủ tạp hoá lại rồi đó. Một người phụ nữ chuyên tâm với thế giới của mình có thể sống thơ mộng ở mọi không gian, có thể vẫn hấp dẫn dù ở độ tuổi nào, với nhan sắc nào. Có ai ngờ được giữa chợ, ngay trong không gian lẽ ra phải lộn xộn đảo điên và tất tả triền miên đó – lại có thể là thế giới tinh thần của một người  – lại có thể rất bản sắc, rất riêng tư – lại có thể khiến một con nhỏ hiếu kỳ cảm kích nhiều đến thế?!

Mình chợt mơ hồ thấy rằng, dù có sống qua trăm năm, thì mỗi người vẫn mang theo tinh thần và thẩm mỹ của chính những năm tháng họ thanh xuân. Mình có thể sống đến tận năm 2090, nhưng tinh thần mình mãi mãi thuộc về những năm Hai Lẻ Mấy. Mình sẽ dùng đôi mắt thời Hai Lẻ Mấy mà soi chiếu mọi thứ, mà làm nên mọi thứ. Giống như cô chủ tiệm ngoài Sáu Mươi đó đang đem hơi thở của những năm Tám Mấy làm ra  nơi làm việc của cô. Hồi 198X, hẳn cô mới độ đôi mươi.

4 bình luận về “Tiệm tạp hóa ở chợ Bàn Cờ

  1. Hôm qua nhắc hôm nay dìa coi lại Mùa gió Chướng, nhưng hem thấy cảnh đó, vai người phụ lữ nằm thong dong nhhe nhac Thanh Tuyền trong môt trưa hè nào đos trong một bộ phinh nào đó của tâm mí. Và cô áo xanh tạp hoá hôm qua giống như ai bé biết hem, mặc áo màu xanh giống mấy cô mậu dịch viên đúng thời tám mí á

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s