Chuyện nhà mình · Những người quanh Trâm · Phố của anh, của em...

Dưới chân tòa nhà Thorakao

Buổi chiều chói chang trong mùa dịch Corona, Starbucks CMT8 chỉ đông vừa phải. Ở hàng ghế ngay lối vào chỉ có một người đàn ông ngồi một mình làm việc trên laptop. Bên trong, một vài chiếc bàn có ghế êm ái và kín đáo vẫn còn trống. Mình vào order một ly cà phê sữa đá rồi quay ra, ngồi ngay hàng ghế xếp dọc tấm kính cạnh cửa ra vào. 

Ở nơi này, gọi một món có tên thuần Việt như cà phê sữa hình như là hơi lỗi thời. mà cà phê sữa hình như cũng không phải là thế mạnh của Starbucks. Phần “cà phê size nhỏ”, đổ đầy một ly thủy tinh cỡ 300ml nhìn thật xa lạ với bọn hay uống cà phê tí teo tráng vàng mớ nước đá dưới đáy ly như mình. Nắng từ đường Điện Biên Phủ xiên qua tàng lá, xuyên qua tấm kính cở mở nọ, đỗ ngay vài đốm xuống bàn mình ngồi. Còn hướng cửa ra vào, mấy tia nắng nhẹ nọ thì hình như lại đến từ… đường Điện Biên Phủ. Ý là mình đang ngồi ngay góc ngã tư 😉

Mình có hẹn với thầy lúc 3g.

Nhưng 3 giờ đến trước thầy. Chẳng mấy lâu sau, thầy đã từ tốn bước vào với một chiếc túi vải nhỏ trên tay. Thầy nhất quyết tự vào order nước uống, để lại cái xắc xinh xinh trên bàn, làm mình sa vào một cuộc đoán mò xem trong xắc là một cuốn sách, xong mình lại đoán thầy đang đọc cuốn gì nhỉ…

Hai thầy trò vào đề ngay với mấy câu chuyện thời sự. Là người nghiên cứu kỳ cựu về kinh tế, thời sự của thầy không nằm ngoài chuyện EVFTA hay làm sao để thoát phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

 Buổi chiều Sài Gòn ở dưới chân toà nhà Thorakao xưa cũ chợt xưa thiệt xưa với mấy ký ức của thầy thời trước 75. Người đàn ông gần 70 tuổi vẫn mẫn tiệp, uyên bác và nhớ chỉ giăng những chi tiết nhỏ xíu thời cũ, ở cả Huế lẫn Sài Gòn. Thầy kể hồi đó thầy làm báo cho tờ Việt Tấn Xã (một kiểu Thông tấn xã Việt Nam của chế độ Việt Nam Cộng Hòa), rồi viết cho gần chục tờ báo khác. Thầy “học làm báo với tụi Mỹ”, rồi cộng tác với nhiều hãng tin quốc tế. “Thời đó làm nhiều, sống sướng lắm!”. Anh nhà báo trẻ đa năng hồi đó có tổng thu nhập là 140 ngàn đồng trong khi thu nhập của một nhà báo bình thường ở Việt Tấn xã là 11 ngàn đồng. Thầy kể vui vậy mà làm đứa dốt Toán cứ ngồi quy đổi miết. Quy một hồi mình bèn thống nhứt với thầy: “à, vậy là coi như thu nhập của thầy bằng 13 lần một đứa phóng viên bình thường đó hén thầy?”.

Chuyện nghề báo hồi xưa, thời cách đây 10 năm thôi nghe đã vi diệu, huống hồ thầy có 50 năm làm nghề, qua đủ các thời kỳ, trước và sau 75, trước và sau đổi mới, rồi bao nhiêu cột mốc, bao nhiêu chuyện kể nghe như giai thoại. Tất cả những nhớ nhung vụn vặt thầy vô tình nhắc lại, nghe vẫn như phủ một màu trắng đen nhòe nhoẹt và hơi chớp chớp kiểu mấy thước phim hồi một ngàn chín trăm cũ rích. Mà quan trọng là, thầy nói “hồi đó làm nhiều mà vẫn chơi được, chơi sướng lắm. Mỗi tháng thầy gửi về nhà khoảng sáu – bảy chục ngàn, còn lại sống thoải mái cái đời ở Sài Gòn thôi!”. Con nhỏ ham chơi nghe khoái khoái là!

Mấy chuyện của Sài Gòn xưa, dù ở góc nhìn nào cũng làm mình mê mệt. Ngay trong khoảnh khắc ngồi nói chuyện với thầy đó, mình đã vừa dự phần, vừa thoát ly ra khỏi cuộc chuyện trò để mà yêu quý và lưu giữ nó. Mình vừa ngồi đó, vừa tự nhắc mình rằng mình đang ngồi với một nhà báo huyền thoại, bên trong tòa nhà Thorakao cũng huyền thoại đó (Starbuck thuê một phần mặt tiền của Thorakao). Cái tòa nhà màu đá tự nhiên với kiến trúc có hình bó đuốc, lại thêm dòng chữ Thorakao màu đỏ với font chữ mập mập quê quê trên đỉnh đầu – nhìn không thể rêu phong hơn được nữa. Vậy mà nó vẫn đứng đó, giữa khu đất vàng với lưu lượng giao thông cao bậc nhất Sài Gòn. Một Thorakao chẳng tô vẽ. Một Thorakao từ lâu đã tạo cho mình cảm giác mạnh mẽ về sự kiên định, thậm chí là cố chấp giữa bao biến động thời cuộc, bao thử thách lẫn cơ hội làm-mới-mình để hòa nhập, để cạnh tranh.

Tòa nhà Thorakao (Ảnh này mình copy của Zing)

Mình không phải người Sài Gòn. Thời hoàng kim của Thorakao, mình vẫn là con bé tỉnh lẻ chẳng biết chi về mỹ phẩm. Đến khi mình vào Sài Gòn và biết làm đẹp, thì Thorakao là một tòa nhà cũ cũ nằm khiêm tốn ngay góc ngã tư này. Thỉnh thoảng, từ một văn phòng cách Thorakao vài bước chân, mình nghe một chị đồng nghiệp nói “để qua Thorakao mua lọ tinh dầu bưởi với dầu gội đầu bưởi về gội trị rụng tóc cái coi!”. Lúc đó mình thấy như đó là cách người ta ôn lại kỷ niệm với Sài Gòn (chứ thời này, mắc mớ gì phải trị rụng tóc bằng Thorakao?). Mà riết rồi, khi đã sinh lòng yêu thành phố, khi Thorakao cũng như những di chỉ xa xưa của Sài Gòn đã lặng lẽ trở thành ký ức của mình – mình mới hiểu đó thực sự là một hành vi mua hàng, và việc trị rụng tóc bằng tinh dầu bưởi của Thorakao thực sự là một lựa chọn mua sắm – chứ chẳng phải người ta đang mua ký ức, đang ôn kỷ niệm phù hoa xa xỉ gì đâu.

Vậy đó, có những sự lựa chọn sẽ mãi mãi mình không hiểu được nếu mình còn là một kẻ ngoài cuộc. Để đến khi đã vô tình thành người trong cuộc rồi, mình mới hiểu rằng bằng chính sự tỉnh táo và những phép cân nhắc thường tình – người ta vẫn có thể sẽ chọn mua một tuýp mỹ phẩm “ma dê in Việt Nam” với vỏ nhựa kèm họa tiết xanh xanh vàng vàng (có khi lại còn thêm đỏ đỏ) và dòng chữ thương hiệu thì… quê kệch mà thân thương quá chừng. Vì họ có nó trong vòng tròn quan tâm của họ, vậy thôi.

Ôi chỉ là uống một ly cà phê sữa ở Starbuck thôi mà ngồi liên tưởng xa quá về cả Thorakao. Nhưng mà giai thoại về thương hiệu xưa của Sài Gòn cũng thú vị lắm. Hồi nào có cơ hội, mình sẽ tìm hiểu rồi viết thêm cho cái hashtag này, tạm đặt hashtag Thorakao để hứa hẹn nha :*

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s