Tiệm Cô Thuật ở gần ngã ba Nam Phước, bán kính thưa các loại văn phòng phẩm. Hồi nhỏ, mỗi năm mình sẽ được vô tiệm Cô Thuật lần để mua sách giáo khoa. Nhà có điều kiện (so với vùng quê nghèo) và ba mẹ chịu khó một tí thì trẻ con mới được mua sách chỗ cô Thuật, vì tiệm cô cách nhà 3 cây số đường quốc lộ. Mấy bé khác thì sẽ mua ở tiệm cô Thu ngay ngoài đầu đường cái – một cái tiệm nhỏ nhắn, tươm tất và hơi tẻ nhạt.

Cả cái thị trấn Nam Phước, mà thực ra là cả cái huyện Duy Xuyên chỉ có tiệm của cô Thuật là sung túc các loại văn phòng phẩm, giấy bao vở (tập) để tụi nhỏ lựa chọn. Hồi học tiểu học gần nhà, mình chẳng đi đâu đủ xa để có thể ghé tiệm cô Thuật. Thành ra mỗi lần ghé tiệm mình đều đi với má và anh Bốn, vào cuối mỗi mùa hè, và chỉ được mua sách giáo khoa cùng mớ nhãn vở, giấy bao vở.
Cái tiệm hơi sang hơn mấy đứa con nít nhà quê. Nó chất đầy mấy thứ đồ xa xỉ – mà bọn trẻ vốn chỉ cần mấy món cơ bản: sách thì là sách giáo khoa, giấy bao tập thì là loại giấy kính bán theo cuộn, bút chỉ rặt một loại bút mực kim tinh, bút bi Thiên Long 1 ngàn rưỡi. Trong khi, tiệm cô Thuật có cơ man nào là các loại giấy bao tập hoạ tiết in trên giấy, hàng chục loại bút, sách đủ loại chẳng phải sách giáo khoa… Cô Thuật thì giống nữ tướng của một vương quốc kỳ diệu. Có điều cô rất nice – theo đúng nghĩa của từ này: không quá gần gũi, nhưng lúc nào cũng vui vẻ và như sẵn sàng hỗ trợ. Cô cũng… hơi sang trọng hơn so với mấy đứa con nít nhà quê – tại tụi nó quen nhìn những bà má làm nông, làm công nhân, hoặc cũng buôn bán gì đó lam lũ hơn là cứ ngồi chỗ mát mẻ, bên tủ sách như vậy. Đã vậy, cô còn biết và sở hữu hàng trăm thứ xa xỉ mà thần kỳ ở đó. Cô biết “chắc con tìm cây bút kim tinh” và cả “học Lý thầy L. thì phải mua thêm sách bài tập”. Đứa nào được vô tới tiệm cô Thuật để mua đồ, thì vào năm học sẽ có mấy loại nhãn vở điệu điệu, giấy plastic bao tập thì có loại chỉ cần tròng vô, không cần bấm bằng ghim như loại giấy bán theo cuộn ở mấy tiệm tạp hoá ngoài rìa thị trấn.
Nhưng, những câu chuyện sinh động nhất về tiệm Cô Thuật chỉ được mình trải nghiệm khi mình vào cấp Ba, khi đã bắt đầu chơi với bọn sống ở trung tâm thị trấn.
Vì sống ở trung tâm, tụi nó ghé cô Thuật như cơm bữa. Tụi nó không dùng giấy bao tập kiểu thường thức. Tụi nó biết hàng chục loại bút. Sách trong tiệm cô Thuật với tụi nó bao gồm hàng chục loại truyện tranh, truyện đọc, tiểu thuyết… chứ không chỉ có sách giáo khoa như mình từng biết. Mình nhớ, lần đầu tiên mình vô cô Thuật với Trang, nó tự nhiên bay vô đãi thiệt dài cái câu “Thưa cô Thuậttttt” nghe vừa đáng iu vừa… sấn sổ, rồi hỏi: “Con đi kiếm bút chì 2B”. Mình hơi ngỡ ngàng. Cái con nhỏ này, sao mà không sợ cô Thuật chi hết. Còn bút chì thì là bút chì, chứ bút chì 2B là sao?! Nhưng cũng chính từ cái lần đó, mình bắt đầu… bày đặt chỉ dùng bút chì 1B, vì 0.5B thì nhạt quá, mà 2B thì đậm quá. Hoá ra, bên dưới mỗi cây bút chì đều có in mã số quy ước độ đậm/nhạt của cây bút, số càng lớn, chì càng đậm.
Ông Tùng thì từ lớp Bảy đã “dạy” mình biết trong tiệm cô Thuật có bán cả cọ vẽ, giấy lụa viết thư pháp, rồi bán cả giấy bìa màu cứng khổ lớn. Hồi đó chưa chơi với nhau, một lần mình thấy Tùng tặng thư pháp cho bạn mình – một bức thư pháp chỉn chu viết trên giấy lụa, rồi dán giấy bìa màu ở hai đầu, có cả khúc nẹp tre trên đầu buộc dây treo. Thế là mình mạnh dạn đòi “viết giùm tao một tấm”. Rồi ngay hôm sau hắn tặng mình câu thư pháp “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” với một hình thức y vậy (hồi đó chưa quen nhau mà đã có dự cảm yêu thương gì đây…). Mà hồi đó, mấy cái giấy bút lạ lẫm đến đâu thì cũng chỉ có thể mua chỗ cô Thuật. Vậy đó, bọn bạn thị trấn của mình đã khai thác sự giàu có và đa dạng của tiệm cô Thuật từ đời nào, trong khi với lũ trẻ con vùng ven, việc được vô tới cô Thuật để mua SGK thôi đã là một sự kiện.
Thế nhưng, càng quen thuộc với tiệm Cô Thuật, mình càng nhận ra số khách hàng như Trang hay Tùng không nhiều. Những món ngon vật lạ chỗ cô Thuật chỉ dành cho những khách hàng ưa mày mò với một thiểu số đủ điều kiện để mua mấy thứ ngoài nhu yếu phẩm. Nhưng một khi đã biết đến, thì một đứa ưa màu mè như mình lại bị hấp dẫn vô biên với thế giới toàn những thứ nhỏ nhắn, tỉ mỉ, xinh đẹp đó. Thứ đầu tiên mê hoặc mình, là sổ. Cô Thuật có hàng tá loại sổ chứ không chỉ mấy cuốn sổ kẻ ô vuông tím thần thánh. Chẳng nhớ mình đã lấy tiền ở đâu mà mua cuốn nhật ký đầu tiên – một cuốn sổ màu tím, có khoá. Cuốn sổ bán kèm với một xâu chìa khóa gồm 3 chiếc chìa giống y nhau, nhỏ xíu. Cái hôm bỏ cuốn sổ màu tím vô giỏ xe, đạp xe về nhà, trong đầu mình đã hiện ra cả một thế giới riêng tư đầu tiên, với những điều sâu kín và bí mật sẽ được viết ra và lưu giữ. Chiếc chìa khoá nhỏ xíu của cuốn sổ nhật ký màu tím đó – là chiếc chìa khoá đầu tiên mình có.
Không biết người huyện mình có để ý không, nhưng quả thực, thế giới tinh thần của mọi người dân Duy Xuyên – những gì vẫn bày ra trên bàn học, bàn làm việc mỗi đêm, tặng nhau mỗi ngày đặc biệt, dường như đều được mua ở tiệm Cô Thuật. Cái gì cô cũng có bán. Quà sinh nhật, cô có kính thưa các loại tượng, gấu bông, đồng hồ kiểu cách. Thiệp mừng cô để rổ này rổ nọ, đủ loại xịn xò. (Có đợt mình còn thấy Trang và bạn nó <lúc này tụi mình chưa chơi với nhau> còn tự làm thiệp thủ công rồi gửi bán dưới cô Thuật). Cô bán dây cột tóc xịn, kẹp xịn. Bút chì, bút mực, bút bi, cục tẩy, thước kẻ, thước đo – mỗi thứ hàng chục loại. Hồi mới ra loại bút chì kim thần thánh, cô Thuật về hàng chục loại, đủ thứ màu mè kiểu cách. Tụi mình là thế hệ học trò trắc nghiệm, thi cử kiểm tra gì cũng cần tô bằng bút chì – thế là có thêm cớ xuống cô Thuật lựa chọn đã đời. Mua bút chì kim lại phải mua thêm hộp mũi bút, tốn kém mà rách việc mà thoả mãn cái lũ màu mè vô cùng.
Mình nhớ, có đợt, nguyên đám mình gồm Ly Trang Trinh Ánh Trâm Tùng nổi lên cuồng một loại bút bi Thiên Long thân trắng, nắp đen. Cái sự yêu thích này khá kỳ dị, khi mà toàn thể bà con cô bác chỉ dùng hai loại bút bi 1 ngàn rưỡi (loại có nút bấm trên chui và nút tắt ngòi ở bên hông), và bút bi 1 ngàn đồng (loại bấm lên bấm xuống gì cũng bằng cái nút bấm trên chui). Nhưng hình như Trang hay Tùng gì đó (hai đứa này thuộc loại nhiễu sự và ưa mày mò) phát hiện ra loại bút này viết nét đậm vừa phải, ngòi êm – thì nguyên đám bắt đầu thử rồi đam mê. Bút này siêu nhanh hết mực, nên tụi mình cứ chạy lên chạy xuống, mua cho mình, rồi mua giùm đứa kia. Có khi chỉ vì cây bút mà cả đám kéo hết xuống quầy cô Thuật, quậy banh quầy, rồi tha về đủ thứ.
Sau này, mình đã quen thuộc hơn với cô Thuật thì tiệm của cô có thêm một người phụ bán là chị Liễu. Chị Liễu ốm nhom, da ngăm, buộc tóc thấp, ăn mặc bình dị. Chị Liễu nhìn chỉ lớn hơn tụi mình chút xíu. Nhà chị ở đâu đó khu Mỹ Đình (là một thôn cũ của TT Nam Phước) chị nghỉ học sớm để đi phụ bán sách. Nhìn chị lam lũ, nhưng đôi mắt chị sáng trưng, mặt mày duyên lắm vì có lúm đồng tiền. Chị có phong thái điềm tĩnh mà lanh lẹ y chang cô Thuật. Cái tiệm sách như cái Hẻm Xéo thần kỳ mà cái gì để ở đâu, giấy viết thư có gì mới, bút nào “mới về viết sướng lắm” chị cũng biết. Mấy ngày cuối hè, sắp vô năm học mới, tiệm sách đông nghẹt thở. Cô Thuật đứng sau quầy, còn chị đứng phía trước, tả xung hữu đột phục vụ kính thưa các loại yêu cầu của khách. Mấy hôm đó, hễ tụi mình tạt qua lại thấy chị đang bơ phờ đứng nghỉ mệt. Thấy tụi mình, chị lại cười, nói: “nội bấm vở thôi mà lủng tay”. Xong mấy chị em lại cười hihi trước khi chị lanh lẹ đi bày ra khoe với tụi mình mấy thứ độc lạ mới về.
Lần cuối cùng mình ghé cô Thuật trong tâm thế đó, là lúc chuẩn bị đi học đại học. Mình nhớ mình đi với Ly. Hai đứa vô mua mấy món văn phòng phẩm mà bây giờ chỉ còn nhớ một món là cái bì đựng giấy tờ bằng nhựa, hình con gấu màu hồng. Hồi đó, mà cả bây giờ nữa, cái bì đó vẫn thuộc loại xinh xẻo mô-đen. Cái bì đó đã đựng giấy báo nhập học, giấy tạm trú tạm vắng, tờ tuỳ thân của mình ngày vào Sài Gòn nhập học. Nó đựng cả mớ thư tay mình và Trang đã viết cho nhau suốt năm 12. Đựng cả thư tỏ tình của Tùng, rồi rất nhiều những giấy viết quan trọng với mình suốt thời đại học. Giờ, cái bì nhựa đã bị rách rời phần tai đậy có hột nút nhựa, mình vẫn giữ. Tùng giữ phụ mình bằng cách lấy một chiếc bì giấy tờ trong suốt khác bọc bên ngoài.
Cũng trong cái lần ghé trước khi thi đại học, mình được chị Liễu giới thiệu một loại bút mực dáng lùn, đủ màu vàng cam đen đỏ với tông đậm nổi bật. Chị nói bút viết sướng lắm. Giá 20 ngàn/cây. Thời đó hổng ai còn viết bút mực ngoài mấy đứa màu mè như tụi mình. Hầu như cô Thuật về loại bút nào tụi mình cũng mua, cũng thử. Rồi viết thư tay, viết lưu bút, viết tất tật mọi thứ màu mè trên đời đều bằng bút mực. Lần đó mình đi với Ly nên mua thêm vài cây về cho mấy đứa vắng mặt. Hồi đó mình và Tùng vẫn chưa yêu nhau. Đêm cuối cùng còn ở quê, Tùng chở mình xuống Hội An chơi rồi chở về trả ngay trước cổng nhà giữa trời khuya khoắt. Hôm đó mùa thu mà trời lạnh vì mưa. Mình bước xuống xe, lấy trong túi áo ấm ra cây bút màu đỏ, dúi vào túi áo ấm của Tùng, nói: Cho mi nè!
Sau đó thì tụi mình yêu nhau. Chỉ vì cái chi tiết tặng bút vô tư đó mà sau này ông Tùng quy cho mình tội “tán” ổng. Thôi bỏ vụ đó đi, nói tiếp về Cô Thuật nè.
4 năm học đại học, Sài Gòn bày ra những tiệm sách diệu kỳ gấp mấy lần cô Thuật. Sài Gòn có thiếu gì đâu, thậm chí còn hơi thừa mứa, tụi mình cần gì có nấy đến chán chê, đến quên mất nhu cầu tận hưởng những thứ bé mọn quý giá mua được từ cái tiệm chạp pô văn phòng phẩm.
Còn một lần “cuối cùng” nữa, là lần mình quay về quê sau 10 ngày học chính trị. Lúc đó thì… đã yêu nhau (yêu nhanh dễ sợ), ông Tùng ghé cô Thuật, mua tặng mình một chiếc ví dài bằng simili màu da bò. Đó là chiếc ví dài đầu tiên mình có trong đời.

Sau bốn năm đại học, tụi mình đi mút chỉ. Mỗi lần về quê chỉ thoả thuê ăn hàng rồi chơi bời khắp chốn chứ đâu còn ghé lại cái ổ nén thú vui tinh thần ngày đó nữa. Cần gì hay ho đã có Sài Gòn đáp ứng. Rồi năm 2017, tụi mình cưới nhau. Trong lúc tự tay chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới, ông Tùng lại xuống tiệm cô Thuật tìm mua nguyên liệu. Kỳ lạ là, ở cái thị trấn ngày một sầm uất này, hàng quán mọc lên như nấm, chỉ có tiệm sách là không thấy ai mở thêm. Mấy tiệm sách từng cạnh tranh với cô Thuật từ mấy thập kỷ trước cũng dần đóng cửa hết. Tụi mình ghé cô Thuật, mọi thứ vẫn ngăn nắp và đầy ắp như xưa. Chị Liễu vẫn ở đó, chị bước ra hỏi Tùng tìm gì, hỏi thăm mấy câu về nhóm bạn tụi mình năm xưa trong lúc vẫn lẹ làng soạn hàng cho Tùng. Mình lục đục một hồi rồi ra trước quán đứng. Chỗ đó, ngay mặt tiền, ngày xưa có treo một dãy nhật báo. Thỉnh thoảng mình ghé mua báo Hoa học trò, Áo trắng và ao ước được mua thêm báo Sinh viên, Mực tím…
Trong tiệm, Tùng vẫn đang lúi húi tìm mua đồ với chị Liễu – những món đồ không còn quá hiếm hoi với tụi mình. Nhưng chị Liễu, cô Thuật, và một tiệm sách như thế, hóa ra đã giữ lấy của mình bao nhiêu bước ngoặt thuở mới vào đời. Cuốn nhật ký đầu tiên. Chiếc chìa khóa đầu tiên. Những cánh thiệp đầu tiên và cả những mảnh giấy viết thư tay cuối cùng của thời còn yêu nhau run rẩy không một lần nắm tay. Chiếc ví dài đầu tiên của thời con gái, mà cũng là kỷ vật đầu tiên từ mối tình đầu. Rồi, cả những món đồ trang hoàng ngày cưới – đã mang cả một “ký ức cô Thuật” vào ngày vu quy của mình. Tiệm cô Thuật, đến tối hôm qua vẫn là một câu chuyện đẹp đẽ, kỳ diệu mà vợ chồng mình cùng nằm ôn lại. Ôn hoài, kể mãi, càng kể càng lộ ra những vùng trời thơ mộng thời niên thiếu mà hai đứa chưa từng biết của nhau. Chỉ riêng tiệm cô Thuật, đã bung ra bao nhiêu nhớ nhung rồi. Ước gì có ai đó người Duy Xuyên, cũng đang ngồi nhớ, rồi kể lại cho mình nghe về cái “tiệm cô Thuật” của riêng họ. Và ước, mấy dòng quanh co này có thể gợi lại cho mọi người đọc mình một cái tiệm sách, một cái chạp pô nào đó đã giữ của họ cả một đoạn đời, đẹp đẽ, trong veo…
Chị ơi, đọc văn chị mà từng mảng từng mảng kí ức về tiệm sách này cứ lần lượt ùa về trong em. Những gì chị mô tả không sai một li với kí ức của em về tiệm, dù em nhỏ hơn chị khá nhiều tuổi. Đúng là đứa trẻ Nam Phước nào cũng đã lớn lên với kí ức về tiệm sách này. Những món quà màu sắc đong đầy kỉ niệm, những tấm thiệp sinh nhật trao tay, cả dãy báo HHT, MT treo trước cửa quán… Cảm ơn chị vì bài viết này, thực ra chúng ta có đi bao xa, đi bao lâu vẫn không quên được quê hương chị nhỉ ?
ThíchThích
Thiệt vui khi nghe những chia sẻ của em. Bạn chị có kể rằng các bạn nhỏ sau này không còn như tụi mình nữa nên tiệm cô Thuật không còn giàu có và rộn ràng như xưa. Chị tưởng không còn gặp được bạn nhỏ nào như em nữa. Mấy hôm nay đang nhớ Nam Phước, nghe em kể chị lại muốn viết thêm về những ngày trong dưng đó ở quê mình…
ThíchThích