Hồi nhỏ mình không thấy mình nghèo, sao giờ nhớ lại thấy nghèo rớt. Nghèo nhất, là khi nhớ lại mấy trò mèo đổi nhôm nhựa (ve chai/phế liệu) lấy kem.
Kem hồi đó là cây kem đá được bán dạo bởi mấy “ông bán cà-rem” thần thánh (cà-rem cũng là kem à). Tầm 9h sáng và 2g chiều, ông bán kem sẽ đạp chiếc xe đạp chở thùng kem phía sau, lắc chuông kêu réo rắc. Xe đạp của ông là loại xe ngang, chắc kiếp trước nó có màu xanh, còn kiếp này nó đã cũ quắc cũ quơ nhìn không ra màu mè gì ngoài cái sắc tối tối dơ dơ và phần nhiều rỉ sắt. Cái thùng kem thì cao, được cột thấp xuống bên hông gạc-ba-ga, cũng cũ mèm không kém. Nhìn cái thùng kem bên ngoài như làm bằng gỗ, nhưng mỗi lần ông bán kem mở nắp ra, bọn trẻ mới thấy bên trong là xốp trắng, xếp kín hàng chục que kem, khói lạnh nghi ngút.

Ông bán kem mỗi lần đi ngang xóm lại cầm cái chuông treo trước cổ xe, lắc lấy lắc để. Lắc xong hình như chưa đủ… ác, ổng còn gân cổ rao: kem đây kem đê ê ê ê! Đổi dép, rổ, nhôm nhựa đê ê ê ê!!! Trong nhà, bọn trẻ cuống cuồng. Hồi đó mỗi que kem đá 200 đồng. Kem chuyên dùng để… mút, mút một hồi còn nguyên que đá, rồi cứ thế mút đến khi chỉ còn cái lõi que tre. Vậy chớ, tụi nhỏ làm gì có tiền ăn miết. Ngành kem đá Việt Nam bèn nghĩ ra chiêu trò kích cầu, các salesman thay đổi hình thức thanh toán: không cần tiền mặt, con nít chỉ cần lấy bất kỳ món nhôm nhựa ve chai nào đó, đổi lấy kem theo thời giá.
Thế là tụi mình sống trong tâm thế luôn sẵn sàng… gom nhôm nhựa. Từ mấy cái rổ bể, cái thau móp – hễ nhà có đồ nhôm nhựa nào hư hỏng là mấy chị em gom hết lại để sẵn. Hết đồ hư, đám nít ranh lăm le cả đồ nhôm nhựa đang còn xài tốt. Tụi mình rình cho nó hư, hoặc thấy nó có cơ hội hư là như muốn vồ lấy. Mang dép thì trông ngày trông đêm cho nó đứt. Con nhà nghèo, mà thấy nồi niêu xô ca rổ rá nhựa nào cũng như một món phế liệu dự bị, đặng quăng vô góc nhà chờ đổi kem.
Giờ nghĩ lại mình mới hiểu, cũng tại là con nhà nghèo nên việc đổi rổ rá hư, hay đôi dép đứt lấy kem là chuyện dễ chấp nhận hơn chuyện mua kem bình thường. Vì nó không tốn tiền. Dù đôi dép có thể mắc hai chục lần que kem, nhưng thà tốn dép, miễn ăn kem không tốn tiền là được.
Đỉnh cao của sự bờm này, là tụi mình bắt đầu… vừa đi vừa cà dép cho mau đứt đặng có đôi dép nhựa đổi kem. Hồi đó, phổ biến nhứt mà cũng sang trọng nhứt là đôi dép nhựa con mèo đeo kính. Dép có đủ màu, mà kinh điển nhứt là màu đỏ và màu xanh nước biển. Mình nhớ hồi đó mỗi lần dắt đi sốp pinh trong chợ Nam Phước má mình hay tư dzấn “mua màu đỏ cho lâu cũ”. Nhưng mà chẳng kịp cũ, đôi dép con mèo đeo kính bị mình học bạn lén má gập cái mũi xuống đất, vừa đi vừa lết cho… gãy mũi. Cả đám trẻ con đứa nào cũng vậy. Khổ thân con mèo đeo kính, dù nó là loại dép mắc hơn mấy đôi dép nhựa khác vì nó làm bằng nhựa dẻo siêu bền, nhưng nó cũng chẳng sống nổi với cách phá hoại lại thêm nhiệt tình và có tổ chức của tụi mình. Vì đi bộ cả đám trong xóm cùng đi bộ đến trường nên việc làm đứt dép càng dễ thực hiện. (Giờ nghĩ lại không hiểu nổi sao hồi đó ngu muội thế). Thế là đôi dép đỏ bị đứt, mình đổi được mấy cây kem. Đến khi đi mua lại, má mình lại tư zấn: “thôi đổi qua màu xanh cho biết… dép mới”. Cứ thế đời mình cứ lẩn quẩn xanh xanh đỏ đỏ.
Kem đá que tre của mấy hông bán dạo làm tội làm tình tụi mình là vậy, nhưng thứ kem vi diệu mà gây thèm khát nhứt hồi đó, là cây kem Hoàng Gia* bán ở mấy đại lý bia, hoặc tạp hoá lớn ngoài đường cái. Dễ gì được ăn cây kem Hoàng Gia, lần cuối cùng mình còn nhớ, là nó có giá 2000 đồng, mắc hơn bữa ăn sáng của đứa học trò cấp 2 hồi đó. Kem Hoàng Gia thơm vị sữa, đầu phủ sô cô la, chất kem mịn và chất lượng hơn nhiều cái món kem đá hít một hơi là lòi ra nguyên một que đá của mấy ông bán dạo. Que kem này làm bằng gỗ, thân dẹp, bo tròn 2 đầu chứ không giống cái que tre nhỏ xíu khẳng khiu của cây kem đá. Mình nhớ cũng ở cái đại lý bia đó bán một loại kem que nhựa, suốt một thời gian dài nó làm hình Son Goku – hình như cũng là kem Hoàng Gia thì phải (ai nhớ chính xác thì nhắc giùm mình với). Loại kem này cũng làm mưa làm gió, ông anh mình được ba má chiều, thỉnh thoảng lại mua cho ăn. Ổng ăn rồi lại sưu tập một mớ que kem nhựa có hình Son Goku đủ màu, nhảm thặc :))))

Mà hình như, kem Hoàng Gia phải mua bằng tiền, không đổi bằng nhôm nhựa được, nên nó là một ước mơ xa xỉ với phần đông tụi trẻ con xứ miền Trung xơ xác đó. Có một đợt, cũng là que kem làm xáo xác cả một làng quê nghèo. Không biết có ai còn nhớ không? Cái ngày mà hãng bột giặt OMO (và Tide) treo thưởng: đổi một vỏ bao bột giặt, lấy một que kem Hoàng Gia (hay kem gì đó xịn hơn nữa thì phải). Cả xóm quáng quàng đi đổi. Hồi đó OMO và Tide là hai loại bột giặt quốc dân, nhà ai chẳng có một cái bỏ bao như thế! Đổi xong cái vỏ bao đang dùng mà chương trình đổi vỏ bao bột giặt lấy kem vẫn còn, mọi người bắt đầu quýnh quáng đi xới tìm vỏ bao trong mấy bãi rác tự phát ngoài rìa con xóm.
Không biết mấy khu vực khác thì sao. Nhưng ở xóm Câu Lâu của mình, mình còn nhớ hình ảnh anh lớn chị nhỏ hớn hở ra cái bãi rác dưới chân cầu Câu Lâu cũ (bây giờ là cái chợ chồm hổm), bới tìm vỏ bao bột giặt. Lần đó là lần đầu tiên mà cũng là lần duy nhất đứa con nít nhỏ xíu như mình được chơi chung với mấy anh lớn như anh An, anh Khánh… Cả xóm không kể nam nữ, lớn bé, hồn nhiên ra ngoài cái nơi vẫn chỉ tạt ngang vứt rác, để đào tìm bao bột giặt, mà đổi lấy que kem.
Trí nhớ mình kém, chuyện xưa không nhớ được nhiều, nhưng không hiểu sao cái buổi đào kiếm bao bột giặt xa tít tắp đó cứ thấp thoáng hoài trong trí nhớ của mình. Tụi mình đã lớn. Anh Khánh có vợ, anh Anlàm giám đốc một doanh nghiệp. Mỗi lần nghĩ tới cái xóm công nhân bên chân cầu Câu Lâu sát dòng sông Thu Bồn đó, mà ngang qua cái đoạn bới tìm ngoài bãi rác này, mình lại cay mắt…
(*) Kem Hoàng Gia là sản phẩm của một hãng kem cùng tên ở Đà Nẵng. Cho đến lúc viết bài này, mình vẫn tưởng cả thế giới này phải biết kem Hoàng Gia cơ. Nhưng sau khi search google mình mới biết, vì là hãng kem địa phương nên chỉ có một nhúm trẻ con ở Quảng Nam Đà Nẵng hồi đó bị rù quến bới cái tên này thôi.
Bổ sung cái vụ kem Hoàng Gia. Hồi đó nó có chương trình trúng thưởng rất hút tụi nhỏ chúng mình. Phía trong que kem phần bị phủ kem lên trên, có thể sẽ có phiếu trúng thưởng, phiếu này được quấn quanh cái que kem bằng gỗ dẹp dẹp đó. Và phần thưởng là một cây kem Hoàng Gia nữa. Hồi đó mà đứa nào trúng kem là mừng hết lớn luôn, bị khối đứa ăn chung phải ganh tỵ kaka.
ThíchThích