Ngày qua nhà mình · Những người quanh Trâm

250520

Em bé đã ngủ ở giường bên. Chiếc bàn mình đang ngồi đặt ngay cạnh giường. Ngày mới vào nghề viết, ngày mà sáng nào cũng áo váy phấn son đến một quán cà phê thơ mộng để tìm chỗ ngồi viết – nào có nghĩ đến cái lúc sẽ ngồi gõ chữ trên chiếc bàn đơn lặng lẽ bên chiếc giường yên tịnh nhất đời này. Ở đó, có một em bé mà mẹ cần được gần gụi và… lén lút ở bên, thế này.

Đã nhiều ngày mà nhà cửa chỉ có hai mẹ con. Ngày nào chồng cũng đi làm tít mít, mẹ còn ngoài quê. Em Cà Na đã có thói quen sáng nào cũng phải đi siêu thị, rồi được “đi bộ” mấy vòng đường nội khu tòa nhà. Mình cũng tranh thủ vận động, đi bộ trong lúc đưa con ra ngoài. Quay lên nhà lúc 8g sáng, em Cà Na được lau mình rồi vào giường ngủ. Mình quay ra, làm đồ ăn dặm cho con để 9h là bắt đầu làm việc. Có khi đến giờ làm việc của mẹ thì con đã thức. Nữ ký giả vừa làm nhà tổ chức chương trình giải trí một người, vừa làm việc. Cứ thế, đến tầm 6g chiều là mình đã đủ mệt để… đi ngủ. Ngày bận và mệt, nhưng vui. Có hôm chồng vừa về chạy đến nựng con rồi quay sang nói với vợ: “Nãy coi camera thấy vợ cho con ăn mà xúc động luôn á. Xúc động vì… không hiểu sao vợ mà cũng biết cho con ăn”. Vậy đó, niềm nở xong rồi mới biết đời rất dở.

Trời sáng nay rất trầm. Sáng ra mình đã gõ một tin nhắn cho người anh tinh thần. Gõ rồi lại xóa. Một người nhiều mến thương nhưng ít gần gũi sẽ dễ hiểu sai mỗi lần mình bất chợt “tỏ ra sâu sắc”. Chồng chụp hình cái quán ấm ru, gửi về động viên vợ. Thị Xã, 4TBREAD là một trong những điều mơ mộng nhất mà tụi mình từng dám làm. Bây giờ, giữa trung tâm thành phố này, tụi mình có một nơi để thuộc về, để mong đến, để thèm thuồng được ngồi ôm cái ly giấy màu nâu chữ vàng trên cái vỉa hè thơ mộng bậc nhất đó, mà nhìn ra con đường đông đúc cũng bậc nhất. Tấm hình chồng gửi, thật sự xoa dịu.

Đến khi đẩy Cà Na xuống đến sảnh thang máy thì đất trời này mới “hùa” theo chú bảo vệ, nói: “Mưa rồi, không đi được đâu con ơi!”. Có lẽ mưa đã cứ mưa vậy từ sớm. Mưa rất thưa thớt, nhưng ướt sũng. Mình đưa em lên lại rồi cho em đi dạo mấy chục vòng ở ngay hành lang tầng nhà mình. Em bé ngồi im ru, nhưng hễ ánh mắt đưa đến mẹ là lại cười tít. Cái đuôi mắt dài đó sao mà tình tứ, sao mà cười sâu quá. Người gì đâu mà “vuông vức” mà lại còn mềm mướt, ấm ru. Người gì đâu mà chỉ nhìn thôi là thấy mềm lòng rồi.

Trời buổi chiều đã có lúc tạnh ráo. Mình đẩy Cà Na đi một vòng nội khu tòa nhà. Lúc hai đứa về ngay sảnh nhà mình thì trời đổ mưa. May quá, mình vội cho em vào bấm đợi thang máy. Lúc này, mình mới rảnh tay để lấy điện thoại ra mà nhìn thấy tin nhắn của D.

Hôm nay D. đi khám bệnh. Mọi người thân thương đi khám bệnh đều làm mình lo lắng. Cả ngày hôm nay mình đợi tin D. Lúc này, đang ngơ ngác vì mấy dòng tin D. nhắn thì thang máy đã mở ra. Có một người đàn ông đứng sẵn đó vì đã vào thang từ tầng hầm, mình luống cuống đẩy con vào. Vào đến thang máy mình vẫn cắm cúi vào điện thoại. Mình không nghĩ được gì cả. Chiếc màn hình điện thoại vẫn chỉ hiện lên những dòng tin của D. Tin không lành. Bỗng dưng, cảm giác đứng hình đâu đó trong lòng mình chợt chuyển sang một chút khó chịu khi chiếc xe đẩy của Cà Na bị anh hàng xóm đi chung thang máy nhấc lên, sửa sửa lại. Ảnh sửa xong thì nói với mình, giọng lịch sự và chỉ vừa đủ nghe: “sửa lại chút cho rộng”. Lúc này, mình mới nhận ra thang máy đang có 6 người lớn. 4 người đang chen chúc đứng sau lưng mình. Có lẽ, vị trí của chiếc xe đẩy ban nãy đã choáng rất nhiều không gian.

Thang đang lên. Lúc mình nhìn vào màn hình thang máy thì thang đã đến tầng 10. Mình nhận ra mình đã không nhấn gọi tầng. Thôi kệ. Thang sẽ còn ghé ở tầng 16 và tầng 18. Tầng 18 là tầng cao nhất. Mình mong người đàn ông kia sẽ ra khỏi thang ở tầng 16. Vì nếu đến tầng 18 vẫn không thấy mình ra thì… hơi kỳ. Dù sao thì cũng đã lơ ngơ không biết sắp xếp xe đẩy cho ngay ngắn để chia sẻ không gian với mọi người, thì cũng không nên quên bấm gọi tầng thang máy.

Nhưng mình đã không gặp may. Đến tầng 16, người phụ nữ cuối cùng ra khỏi thang, anh hàng xóm tầng 18 lại lịch sự hỏi: “em đến tầng mấy”. Mình nói: “dạ tầng 8 mà em quên bấm”. Tay mình vẫn cầm điện thoại. Màn hình vẫn sáng lên những dòng tin của D. Lúc thang máy dừng ở tầng 18, người đàn ông hàng xóm đưa tay nhấn tầng 8 rồi mới bước ra. Đó là một người có bề ngoài cao ráo, lịch thiệp, mặt khuất sau chiếc khẩu trang (hoặc do mình không nhìn mặt nên nghĩ vậy). Đó là người có thể mình sẽ không bao giờ gặp lại. Hàng xóm ở cái chung cư thành phố này, có bao nhiêu xác xuất để gặp lại nhau khi đoạn đường chung chỉ là chiếc thang máy? Người hàng xóm duy nhất mình hay gặp lại trong tòa nhà cả ngàn căn hộ này, là cô bán nước giải khát giao tận nhà – ở ngay tầng 8 của mình.

Người hàng xóm chiều nay, có thể mãi mãi là người hàng xóm trong thang máy của chiều mưa tháng 5. Chỉ cần là vậy. Để xoa dịu một con nhỏ đang đứng tim trong đoạn thang từ tầng G lên tầng 18. Có lẽ chưa tới 1 phút, nhưng là cả một lát cắt với những khoảnh khắc rất hiếm có trong đời mình: bàng hoàng và quên hết xung quanh. Và người vô danh đó đã vô tình gặp phải.

Chồng về. Mọi thứ thường sẽ nhẹ nhõm và trôi đi hết khi chồng về. 10 năm rồi, người duy nhất mình mong được gặp và sẵn sàng trò chuyện trong mọi tâm trạng, là chồng. Có một người bạn trong anh. Có một người cha trong anh. Và người yêu. Để lắm lúc mình thấy mình đang phải ráng gánh gồng một điều gì đó, thì chỉ cần có chồng xuất hiện, mình đã có thể buông ra, thả lỏng.

Dưới nhà, tiệm ăn phên gỗ có cái gánh hát cho nhau nghe vẫn đang miệt mài “Về đâu mái tóc người thương”. Người thương đang ngồi làm việc ngoài phòng khách. Con vẫn say ngủ. Mỗi lúc nó trở một dáng nằm cưng quá, mình lại nhắn tin rủ: “anh vô coi nó hề lắm”. Rủ vậy chớ không vô cũng mệt, nên mỗi lần nó trở mình, ba nó lại phải chạy vô “coi nó hề”.

D. đã về nhà. Mọi thứ đỡ bộn bề hơn lúc vừa khám xong ở bệnh viện, D. nhắn nói tình hình vẫn chưa đến nỗi bi quan. D. phải quay lại bệnh viện vào ngày mai để biết chính xác về sức khỏe của mình. Hai chị em lại tám đủ thứ chuyện. D. nói, lúc ngồi chờ kết quả chị chỉ nghĩ và nhắn tin với em. Nhưng khi một mình ở đó, nếu có ai đó ở bên cạnh, chị lại ước có H. Chị bảo chị chưa bao giờ thấy em hợp với mấy nơi như bệnh viện. Mình nói không, H. là trợ lý hiện hình, còn em là trợ lý tàng hình. H. nên có mặt, còn em chỉ nên giao tiếp tinh thần với D. thôi. Nói vậy thôi mà cũng cười muốn xỉu, vì nó đúng quá.

Tối qua viết tới đây thì… ngủ gật. Có người đàn ông cất điện thoại giùm đã đọc trước mấy dòng này nên đã sắp xếp lại công việc. Sáng nay 3 đứa xuống đất sớm để đánh cầu lông. Vừa hay, lúc đó mới tờ mờ sáng, mình xuống đến nơi thì điện thoại rớt vào tin nhắn của người anh tinh thần: “Ai rồi cũng đến lúc phải thu xếp lại đời mình”. Chiều qua, trong cơn mưa ầm trời sau khi nhận được tin nhắn của D., mình đã gõ lại dòng tin ban sáng và gửi anh…

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s