Nuôi con · Phụ nữ ơi · Về Trâm

Tu tập

“Em nhìn cuộc sống của em như một chuỗi các bài học”, mình từng nói với một người chị như thế, khi nhắc về chuyện buồn chung của hai chị em. Lúc đó, mình vẫn đang giải mã xem chuyện buồn đó đang gửi đến mình bài học gì.

Tất cả đều là bài học thôi! Mình và chồng vẫn nói với nhau như vậy, bằng tất cả nhận thức và sự thật tâm chứ không phải một lời xuê xoa an ủi. Quả thực, mọi buồn vui đến với mình đều là bài học cả. Nếu mình đón nhận nó một cách lành mạnh, mình sẽ hiểu vũ trụ đang gửi đến mình một lời nhắc nhở. Một lần mình vô tâm, mình sẽ nhận một lời nhắc nhở tương đối nhẹ. Nếu mình không nhận ra thông điệp đó mà tiếp tục phớt lờ, lần nhắc thứ hai sẽ mạnh hơn, tổn thương sẽ nặng nề hơn. Và hầu như, loài người đáng tội chỉ luôn nhận ra khi đã nhận lấy những lời nhắc chí mạng. Có người sống cả đời trách móc cuộc đời và tha nhân, lên bờ xuống ruộng vẫn không học được bài học nào cho bản thân cả.

Là bởi ta không sống với tâm thế học hỏi. Ta quá mải mê vào những cảm xúc, cảm giác ngắn hạn.

Mình ví dụ đơn giản thôi. Chị bạn của mình có đứa con trai tuổi teen, chị lo cho con từ A đến Z như bảo mẫu dù con đã phổng phao. Mặt khác, chị kỳ vọng quá nhiều vào sự “hiếu thảo” của con (mình khá ngại từ “hiếu thảo” nên phải bỏ vô ngoặc kép). Lúc nghe chị nhận xét về những đứa trẻ khác, mình đã nhận ra chị có một quan niệm khá cứng nhắc về sự hiếu thảo của con cũng như nghĩa vụ của cha mẹ, kiểu như “con cái phải chia sẻ với ba mẹ, phải xem ba mẹ là số 1, phải phải phải…”

Khi con dậy thì, chị bắt đầu khổ sở than phiền với mình là thằng bé đột nhiên phản ứng với những chăm sóc của mẹ. Nó không thích mẹ đột nhiên đến trường đón mà không báo trước. Nó góp ý thẳng với mẹ là mẹ không nên giao tiếp riêng với bạn nó khi không có nó (chị hay khéo léo nói chuyện với các bạn của con để… làm bạn của con). Lúc này chị khá bàng hoàng. Chị kể nhiều chi tiết tương tự nhằm bày tỏ lo lắng rằng chị đang tạo ra một đứa trẻ vô tâm, bất hiếu.

Mình nói, thằng bé chưa sao cả. Nhưng trong chuyện này, có lẽ vũ trụ đang phơi bày cho chị thấy con trai chị đã lớn và có chính kiến. Chị cần tiếp nhận cá tính đó của con và điều chỉnh hành vi của mình để tránh xung đột không cần thiết.

Nhưng chị không thay đổi. Lần thứ 2 mà mình nhớ là khi chị quyết đi du lịch Nhật 2 tuần và xin cho con nghỉ học để theo cùng. Thằng bé không chịu đi. Chị quy tội con “ham bạn bè hơn gia đình”, và kiên quyết rằng việc đi Nhật lần này là cơ hội gắn kết gia đình, chị liên tục kể (với mình) rằng chị đã dành dụm abcd để gia đình có được chuyến đi này. Vậy mà thằng bé lại từ chối. Chị một mặt giận con, một mặt tin rằng thằng bé chỉ nhất thời hồ đồ, nên chị tự quyết. Chị xin cho con nghỉ học, lo mọi thủ tục để cả nhà cùng lên đường. Chính vì sự kỳ vọng đó nên khi chuyến đi không vui vẻ như ý, chị như phát điên vì thấy bị… phản bội. Thằng bé đang tuổi dậy thì phải làm việc mình không thích nên suốt ngày lầm lỳ. Chuyến đi bị phá hỏng vì chính chị cũng bị con cuốn vào sự bực bội. Chị tuyệt vọng chịu đựng sự thất bại của chuyến đi cho đến ngày về. Và kinh khủng nhất, chị thấy khoảng cách mẹ con đã sâu hoắm đến mức không thể tự nhiên nói với nhau một câu nào, dù là giao tiếp thông thường.

Lúc này, lời chia sẻ của mình vẫn không thay đổi. Thằng bé có cá tính mạnh nhưng chưa đủ lớn để có thể độc lập quyết định đời mình. Vậy nên nếu phải sống bên một phụ huynh không hiểu chuyện, con sẽ càng thấy khó khăn vì bị lôi xềnh xệch theo ý muốn của người lớn. Với những đứa trẻ bình thường thì không sao. Nhưng với đứa đã sớm nhận thức về nguyện vọng cá nhân cùng các giới hạn riêng tư, thì việc này sẽ càng kéo con xa mẹ. Đứa trẻ chưa đủ lớn để nhìn mâu thuẫn như một bài học cho bản thân. Nó chỉ bế tắc, và phản ứng.

Còn chị, vấn đề của chị là kỳ vọng. Bi kịch là lại kỳ vọng ở người khác – một điều mà cho đến tận cùng sẽ luôn trút lấy đau khổ. Chị cần học lấy bài học về con và về bản thân chị, để điều chỉnh.

Nhưng, tình cảm mẹ con rạn nứt ở thời điểm đó không đủ để cảnh tỉnh chị. Lúc thằng bé 16 tuổi, lên lớp 10, chị lại lần nữa đăng ký trái nguyện vọng của con để cho con vào một trường mà theo chị là “tốt nhất”. Không thể thuyết phục được mẹ, ngày đăng ký nguyện vọng xong, thằng bé bỏ nhà đi. Không điện thoại, không lời nhắn, không một dấu vết. Cả nhà một phen đứng tim trước khi nhận được tin nhắn con nói “con an toàn, cả nhà đừng tìm”. Đứa trẻ sau đó về ngoại ở, và kiên quyết không về nhà ở cùng mẹ.

Khỏi phải nói, chị tuyệt vọng, đau đớn và phẫn nộ. Chị nói sao ông trời lại đối xử với chị như vậy. Chị đã làm gì sai khi chị tận tuỵ không tiếc công sức tiền của đầu tư cho con. Khi cha mẹ khác mải mê kiếm tiền thì chị mất ăn mất ngủ tìm hiểu trường cấp Ba để tư vấn và quyết định giúp con. Sao chị phải chịu bất công như vậy???

Mình không biết nói gì vì những gì cần nói mình đều nói. Chị không một lần thay đổi. Chị đã năm lần bảy lượt phớt lờ các tín hiệu cho thấy “cách đối xử đó không phù hợp với con”, cho thấy “sự kỳ vọng của chị chỉ mang lại mâu thuẫn”, cho thấy “con trai cần được lắng nghe”.

Sau từng lần phớt lờ, tín hiệu sau luôn mạnh và đả thương nhiều hơn tín hiệu trước. Chị từ thất vọng đến đau đớn rồi bế tắc tuyệt vọng. Nhưng chị vẫn không nhận lãnh được bài học gì. Chị chỉ thấy “bất công, bất hạnh” – giống như cách mà hàng triệu người vô minh đang bất hạnh trên đời.

Mình không biết bao giờ chị bạn của mình sẽ nhận ra bài học đó. Lúc này vẫn chưa, dù chị đã đánh đổi quá nhiều. Nhưng lầm tưởng vẫn hoàn lầm tưởng. Và khi chị không thay đổi hành vi, bi kịch vẫn sẽ lặp lại, và càng lúc càng nặng nề hơn.

Bản thân mình cũng từng trải qua những lần phải chịu đau vì không chịu lắng nghe bài học từ đầu. Những cảm giác của chị bạn mình (thất vọng, cảm thấy bất hạnh bất công) đều hợp lý. Nhưng nó chỉ phù hợp nếu bạn chọn số phận đó cho mình, nếu bạn chấp nhận duy trì cuộc sống trong cái cảm thức thất vọng, bất hạnh, bất công đó.

Mình nhìn cuộc sống như những bài học, nên trong những lần khó khăn và trớ trêu nhất, mình luôn thấy những điều mình cần vượt qua, cần thay đổi, cần chuyển hoá. Có thể lần đó mình chưa làm được. Nhưng mình cũng biết con đường mình sẽ phải đi, mình biết mình phải vượt qua điều gì. Mọi thứ sáng sủa hơn, có động lực hơn. Và mình như được khai sáng. Vì vậy, mình chẳng bao giờ giận ai. Có những mối quan hệ tan vỡ, là do con đường chuyển hoá của mình đã rời xa, đã không còn phù hợp với họ nữa mà thôi.

(Đi lên đồi chơi mê mải, thích mê, mà không chụp một tấm hình nào để đăng blog ngoài tấm hình ăn cắp trong điện thoại chồng này đây. Đây cũng là một trong những chuyến đi khai sáng của mình 💚)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s