Phụ nữ ơi

Bóc phốt ngoại tình

Bất kể là trí thức hay người lao động, dân thường hay người nổi tiếng – hễ đã “xăm mình” quay clip bắt ghen, bóc phốt ngoại tình – thì đều hút khách.

Gần đây, mạng xã hội có hai lần chấn động với hai vụ ghen tuông. Trước, một anh chồng bắt quả tang rồi điềm tĩnh giảng đạo lý cho vợ và tình địch ngay trong khách sạn. Sau, một chị khá nổi tiếng trên mạng tung clip “bóc phốt” cả chồng và tình địch.

Nhiều người tỏ ra thán phục với cách giải quyết của hai nhân vật chính này. Nhiều mẹ bỉm sữa, thậm chí “hot girl“ đăng đàn khen ngợi người vợ “bóc phốt”. “Phương pháp ghen” của hai nhân vật điềm tĩnh này được tung hô khắp cõi mạng.

Có lẽ, đây là một câu chuyện quan điểm kinh điển. Chín người mười ý. Mọi hành xử đều được quy định bởi tính cách, phông văn hóa của từng người. Nó chỉ đáng để mang ra bàn bạc, khi người ta còn có thiện ý kiếm tìm một cách hành xử chuẩn mực, hiệu quả.

Không bàn đến nội tình hôn nhân, có thể những con người bị “bóc phốt” kia đã sai mười mươi, đã xé toạc hôn ước, còn người tung clip là nạn nhân hôn nhân thứ thiệt. Nhưng, cuối cùng, việc khám phá một cuộc ngoại tình thì có ý nghĩa gì với hôn nhân? Nó có phải là để xác lập một tên phản bội, để bêu tên kẻ phá hoại, hay tung hê những mặt nạ tình trường?

Câu trả lời có thể là “có”. Nhiều người có thể tin rằng, một kẻ phản bội, một người thứ ba thì cần được bêu tên. Nhưng, việc bêu riếu này có đem lại điều gì cho người “bị-phản-bội”?

Cái được lớn nhất, có lẽ là sự hả hê, đắc thắng, và cả tư thế rũ bỏ sạch sẽ, không cần đường lùi. Một phút tung clip ghen tuông xem như chính là cái phút rũ bỏ, đoạn tuyệt, không màng chuyện tái hợp. Chính điều này làm mát lòng dư luận, ở cái “lẽ sống” không đội trời chung với kẻ ngoại tình.

Thế nhưng, hả hê, đắc thắng chưa bao giờ là một cảm xúc tích cực. Và, sự rũ bỏ thì không bao giờ cần tuyên ngôn. Việc công khai sự “dứt khoát” kèm tư thế chiến thắng của mình không làm một người hạnh phúc hơn.

Tất cả những tán dương của người ngoài chỉ là những “vật ngoại thân”. Thậm chí, việc bêu chuyện hôn nhân ra dư luận như lặp lại một phần sai lầm của kẻ ngoại tình: đem một yếu tố bên ngoài vào chuyện hai người. Kẻ ngoại tình đem “người thứ ba”. Người bóc phốt thì đem cả cộng đồng mạng.

Dù tính chất khác nhau, nhưng cuối cùng, nó vẫn mang lại những tác động sai bản chất lên mối quan hệ riêng tư, giữa hai người. Thêm nữa, khi xã hội vẫn xem vợ/chồng của kẻ ngoại tình là những nạn nhân hôn nhân, thì trong những vụ tung clip đó, họ đã trở thành thủ phạm. Và kẻ ngoại tình trở thành nạn nhân bị xâm phạm nhân thân (dù có lẽ xã hội không đủ tỉnh táo để tôn trọng quyền nhân thân của họ).

Quay lại câu hỏi: việc khám phá một cuộc ngoại tình thì có ý nghĩa gì với hôn nhân? Chắc chắn, nó không phải để mua vui cho thiên hạ, cũng không phải tạo dữ kiện để các tòa án online phán xử một con người – dù đó là một người trăng hoa bạt mạng.

Việc khám phá ra một cuộc ngoại tình, đúng ra, chỉ có ý nghĩa với chính cuộc hôn nhân đó. Nó giúp “người khám phá” hiểu được tình trạng hôn nhân, hiểu thêm về bạn đời; và giúp kẻ ngoại tình có động lực… thức tỉnh.

Sau cùng, đó là một nền tảng thực tế để người ta tạo tác những hạnh phúc thực chất hơn: để chấm dứt sự lừa dối, sự yên ổn giả tạo, và nếu cần thiết, thì chấm dứt cả cuộc hôn nhân không còn đường cứu vãn.

Việc “bóc phốt” không nằm trong lộ trình nhận thức đó. Nó không giúp người ta nhận thức sâu hơn về bản thân, về bạn đời, về hôn ước. Và chắc chắn, sự ê chề của một người không thể là một niềm hạnh phúc lành mạnh cho người khác. Nó chỉ khiến người ta mất thêm thời gian để chịu vây hãm trong mớ cảm xúc vô ích.

Ngoại tình đã gây ra nhiều nỗi đau hôn nhân. Nhưng mọi quẫy đạp để bêu xấu, để mang chuyện riêng ra giữa chợ xác lập tư thế… lại có thể phát sinh những đau đớn dài hơn, những tan vỡ sâu sắc hơn, những vết thương nặng nề hơn.

Nhưng, nói một cách… công bằng, thì việc bắt ghen không bạo lực rồi quay clip đưa lên mạng là một “đóng góp” đáng kể vào một cộng đồng luôn sẵn nhu cầu giải trí, bình luận. Có điều, kẻ tung clip chắc chắn không nhằm giải trí. Trần đời cũng chẳng có ai muốn đem chuyện hôn nhân (dù đã cũ) của mình ra chỉ để thiên hạ mổ xẻ, mua vui.

Còn về tư thế buông bỏ của “đấng” không đội trời chung với kẻ ngoại tình – như đã phân tích – thì bước đi đó chỉ phát sinh một nỗi ê chề công khai, kéo dài.

(Trong hình là coan nhỏ tác giả. Bài viết đã được đăng ở cả phiên bản báo giấy và báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM: https://www.phunuonline.com.vn/dien-dan-danh-ghen-thoi-cong-nghe-boc-phot-ngoai-tinh-mua-vui-cho-thien-ha–a1415697.html)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s