Mình phát hiện khối u ở ngực cách đây 6 năm.
Lần đó là một buổi chiều muộn ở Bệnh viện Vạn Hạnh, mình vào phòng siêu âm khi các chị đồng nghiệp đang nán lại chờ, tụi mình khám sức khỏe định kỳ theo lịch của cơ quan.
Bác sĩ siêu âm rà bên ngực trái của mình và hỏi: “em phát hiện khối u này bao giờ chưa?”. Mình như lạc đi không hiểu gì cả, nhưng miệng vẫn nói: “chưa”. BS đọc vị trí và kích thước khối u cho chị thư ký y khoa ghi. Mình nghe lùng bùng, bao nhiêu viễn cảnh tối tăm đang chực chờ đâu đó rất sát với tâm trí mình, mình chỉ cảm giác được cái bóng đen và khoảng cách thật gần của nó. Không một hình ảnh nào rõ ràng.
Tại hành lang bệnh viện, mình cầm kết quả siêu âm chờ vào phòng gặp BS để nghe giải thích. Các chị đồng nghiệp vẫn lao xao hỏi thăm nhau. Mình chỉ cười vu vơ và im lặng, lo lắng về cái u vừa phát hiện. Từ ngày ba bệnh nặng, những vấn đề liên quan đến sức khỏe đều làm mình quá sợ hãi.
BS Tổng Quát trông có vẻ bình thản, nói: “Theo hình ảnh siêu âm thì nó có vẻ là u sợi tuyến. U này hay xuất hiện ở độ tuổi 20-30 và là u lành thôi em”. Mình hỏi gấp: “Nó có khả năng thay đổi không BS?”. Vị BS bắt đầu nhìn mình và tập trung hơn: “Vẫn có khả năng trở nên ác tính, vì vậy em phải khám định kỳ 6 tháng 1 lần. Mình càng không kiềm chế được nỗi lo: “Em có cần làm gì để biết chắc hơn về khối u này không?”. BS: “Em có thể chọc để xét nghiệm tế bào, là sinh thiết đó. Nhưng chị nghĩ chưa cần vì hình dạng khối u của em khá rõ là lành, em cứ theo dõi thêm, 6 tháng nữa nếu cần thì làm luôn”.

Trời đã tối sầm. Mình ra ngoài lấy xe, lòng nặng trịch. Đó không hoàn toàn là nỗi sợ bệnh tật. Lúc đó ba mình mới mất 1 năm. Nỗi sợ bệnh tật vẫn còn đang ám lấy từng người trong gia đình mình dù tất cả vẫn đang sống ổn. Nhưng từ mình, mình biết, nội tâm của cả nhà vẫn còn chìm sâu những nỗi bất an và nỗi đau xót đã hằn sâu những ngày chứng kiến ba chống chọi với bệnh tật.
Ngay sau đó mình có một chuyến về quê chơi với người yêu. Lúc đó tụi mình yêu xa. Gặp nhau ở sân bay lúc nào cũng vui và hân hoan, nhưng mọi niềm vui của mình đều bị chặn lại đâu đó bên ngoài, còn sâu trong lòng vẫn là nỗi bất an.
Đợt đó là cuối năm, Duy Xuyên rất lạnh. Mỗi buổi tối chia tay nhau, mình về nằm trong căn nhà trống trơn (mẹ mình khi đó đang giữ cháu ngoại ở nhà chị gái) và lặng lẽ khóc. Đó là những buổi tối mình triền miên ôn lại biến cố gia đình và cả nỗi lo lắng riêng của mình. Vì đã từng trải nghiệm nỗi lo này, lúc đó, mình không dám lên Google đọc, không dám hỏi han ai, chỉ trực chỉ bệnh viện và BS chuyên khoa để tìm lời giải. Những ngày đó đang chơi với người yêu rất vui thì trong lòng mình đã quyết khi quay vào Sài Gòn sẽ đến BV Ung Bướu để sinh thiết.
Chỉ có những đồng nghiệp nữ trong ban là biết về tình trạng của mình. Các chị tỏ ra khá lạc quan nên cũng khiến mình nhẹ nhõm phần nào. Nhưng vốn là người triệt để trong những chuyện như vậy, mình quyết vẫn đi làm sinh thiết.
Hồi đó mình ở Quận 11. BV Ung Bướu ở Bình Thạnh, khá xa, lại rất nhiêu khê về thủ tục. Bệnh nhân đi khám ở đây hầu hết đều đi từ 4-5g sáng để bốc số. Lúc đó, nhà bạn thân mình ở gần bệnh viện. Mình bốc số xong thì về nhà nó nằm chờ đến giờ thì chạy sang khám.
Khu khám của BV Ung Bướu khi đó khá chật và đông. Mình cảm giác đó không phải là bệnh viện vì thiết kế của nó không có vẻ gì là đang tạo điều kiện cho người bệnh chờ đợi và thăm khám. Nó y như một cái ủy ban cũ kỹ được trưng dụng để khám lưu động cho bà con trong một huyện nghèo. Chỉ có bác sĩ và nhân viên y tế là cực kỳ chuyên nghiệp. Ngoài sân, thân nhân và cả bệnh nhân trải bạt nằm la liệt quanh gốc cây. Mình khám một nơi, siêu âm lại ở một nơi xa lắc. Dĩ nhiên lòng mình vẫn nặng trịch. Lúc chờ khám, mình nhìn ra khoảnh sân được bày mấy món đồ làm thành khu vui chơi trẻ em. Mấy đứa trẻ đầu nhẵn nhụi đang leo trèo từ cầu tụt này sang cái bập bênh kia. Bên ngoài là mấy phụ huynh đang nhìn con cười mãn nguyện. Đó là những bệnh nhi ung thư.
Mình vạ vật ở BV đến tận chiều chỉ để siêu âm và nộp giấy chỉ định xét nghiệm tế bào. Chị nhân viên cầm giấy chỉ định, nói: “Không kịp làm trong ngày rồi em, qua mai em quay lại, hoặc làm ngoài giờ thì 6g chiều quay lại”. Tất nhiên mình phải làm sớm nhất có thể, mình chọn 6g chiều rồi quay về nhà bạn mình nằm đợi.
Xét nghiệm tế bào (chọc vô khối u để lấy tế bào ra sinh thiết xem là lành hay ác) là đoạn mình sợ nhất, nó sẽ vừa đau, vừa xáo động tinh thần. Lúc đó bạn mình cũng biết mình đi khám u. Một cái u đã được BS đoán là lành thì có gì đâu – mình nói vậy và không tâm sự gì thêm nên bạn mình không thể biết trong lòng mình đang thế nào. Nhưng chiều đó, sau một ngày vạ vật ở BV vẫn chưa xong, mình đã quá căng thẳng nên ngỏ lời: “Lát nữa tao vô sinh thiết nè, vô bệnh viện chơi với tao không?”. Nó nói tỉnh queo: “Hết chỗ chơi hay sao mà vô BV, thôi tao không đi đâu!”.
Kể đến chi tiết này tự dưng mình lại chảy nước mắt vì thấy thương cả hai đứa. Nếu lúc đó nó biết mình đang lo lắng thế nào, chắc nó cũng lo cuống lên. Lúc chạy xe từ nhà nó đến BV, mình đã khóc vì tủi và thương bạn, thương mình. Nếu đứa bạn thân nhất đời mình biết nó vừa vô tình từ chối mình (nó rất hiếm khi từ chối mình) trong một cảnh ngộ như vậy, chắc nó đau lòng lắm.
BV Ung Bướu vào buổi chạng vạng càng buồn. Có rất đông chị em đang chờ để chọc sinh thiết giống mình. Mình để ý thấy một chị rất xinh, cao ráo, trắng trẻo và có đôi mắt rất đẹp. Không ai nói với nhau lời nào, có lẽ mọi người đang hồi hộp. Mình vào phòng và làm các bước giống như siêu âm ngực. Lúc BS sắp tiến hành, mình nhìn lên trần nhà để tránh tầm mắt khỏi mọi thao tác của BS. Vị BS nữ nói giọng rất hiền từ: “Bây giờ bác sĩ chọc vô khối u của em, sẽ đau đó, em chịu khó tí nha”. Mình dạ.
Mình hình dung cây kim khá to. Việc chọc hút phối hợp với dò tìm trên màn hình siêu âm diễn ra lâu hơn mình tưởng tượng. Và rất đau. Lúc ngồi dậy sau thủ thuật, mình như kiệt sức. BS dặn mình ra ngoài ngồi nghỉ một chút rồi hẵng về, 2 ngày sau quay lại lấy kết quả. (Về số ngày này mình nhớ không rõ lắm, hình như là 2 ngày)
Con đường về nhà đẹp đến khó quên. Trời đêm cuối năm. Ánh đèn vàng làm ấm lên cái se se buổi giao mùa Sài Gòn. Cảm giác như mình vừa lao tới va vào không khí lạnh thì đã được ánh đèn vàng chỗ đó phủ xuống, làm ấm lại. Mình chạy xe về quận 11, đầu óc như đóng băng vì chuyện ở bệnh viện nên cảm giác ở da thịt càng trở nên rõ rệt.
Tại căn hộ nhỏ và xinh đó, mình sống cùng anh và em trai. Mình gặp thằng em ở phòng khách, hỏi thăm qua loa rồi vội rửa ráy và về phòng riêng. Nằm trong căn phòng nhỏ xíu, tắt điện, ánh trăng tràn vào cửa sổ, mình một mình ôn lại từng diễn biến trong ngày. Mình nhớ tới từng người thân thương và lại khóc. Mẹ, chị, người yêu, anh trai, em trai và từng đứa bạn thường rất hay lo của mình. Không ai đáng phải biết về nỗi lo này. Mình sẽ cho mọi người biết khi có kết quả, hi vọng mọi chuyện tốt lành.
Ngoài kia, em trai mình vẫn đang xem ti vi. Anh mình ra ngoài đi chơi với người yêu vừa về. Mình không tài nào ngủ được. Vẫn nằm nhắn tin vu vơ với người yêu. Giai đoạn này, tụi mình giống bạn thân hơn vì cả hai đều rất bận và có những nỗi niềm rất riêng, ai cũng biết điều đó nhưng không chạm vào nhau.
Đang nằm thì mình chợt cảm thấy bụng quặn lên, xuất phát từ vết thương ở ngực. Cảm giác buồn nôn đến choáng váng. Mình chạy vội vào phòng vệ sinh. Từ đó cho đến sáng, cảm giác vết thương ở ngực càng lúc càng căng lên, nhói và nhức. Mình liên tục phải chạy vào phòng vệ sinh, nôn thốc nôn tháo cả khi không còn gì để nôn nữa. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể mình khi bị xâm nhập, chọc hút.
(Còn nữa)
đợi bạn viết tiếp.
Trong lúc chờ mình chia sẻ suy nghĩ cá nhân chút. Khám định kỳ theo chế độ của cq như mình thì mình nghĩ sẽ khó phát hiện ung thư, trừ khi thể hiện rõ bằng khối u hoặc đã đến giai đoạn muộn. Tầm soát qua xét nghiệm máu nói chung cũng 50-50 thôi. Nhưng lúc nào mình cũng chờ đợi ai đó bảo rằng mày bị ung thư rồi. K ở tuổi U40 không phải là hiếm. Mà ngay cả không phải ung thư thì ai biết được, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay tai nạn giao thông cũng có thể đưa mình qua sông Styx bất cứ lúc nào. Bị ung thư coi như câu giờ được thêm tí chút, nhưng bù lại, đau và tốn tiền, còn mấy cái kia (hi vọng là) oạc phát game over luôn cho đỡ. Cuộc sống này bất định lắm, nếu có thứ duy nhất gì cố định thì đó chính là cái chết.
Nên mình luôn chuẩn bị cho cái chết của chính mình, chuẩn bị từ lâu và chuẩn bị kỹ. Nhiều khi nghĩ cũng hài, mình sống lành mạnh không hút hít bay lắc rượu bia thuốc lá chỉ có ăn hơi bậy tí thôi, đăng ký hiến tạng sau khi chết não rồi, mà đến lúc chẳng may ung thư xong di căn rồi ẹo, đồ đạc hỏng hết không ghép được cho ai thì phí vãi chưởng.
ThíchĐã thích bởi 2 người
Cảm ơn bạn. Mình cũng nghĩ như bạn vậy đó. Phải luôn chuẩn bị cho điều đó. Thời điểm phát hiên khối u mình còn trẻ nhiều nên sợ cái chết còn hơn cả bây giờ (giờ đỡ hơn một chút xíu). Từ đó đến nay vẫn biết mình còn nợ một bài chưa học xong là học về cái chết, nghĩ tới là chết khiếp và muốn trốn chạy là thi rớt cmnr.
Tính ra với người trưởng thành ngon nghẻ thì ung thư là một cái chết lịch sự nhất vì nó báo trước và cho phép người ta chuẩn bị nhỉ. Nhưng hầu hết mọi người vẫn sợ chết lắm nên muốn nó một phát đến luôn, tối ngủ mai khỏi thức dậy, để khỏi biết khỏi lo sợ.
Chúc bạn vỡ kế hoạch vì sống mãi đến 100 mới chết, đồ đạc cho không ai thèm lấy vì quá hạn sử dụng, nhé!
ThíchĐã thích bởi 1 người
đấy là ngon nghẻ lắm thì mới ok chứ ung thư dù có điều trị hay không, giai đoạn cuối vẫn thường trở thành gánh nặng của gia đình và người thân, bao gồm cả gánh nặng tài chính lẫn tình cảm và công sức. Trộm vía, đôi khi mình cũng tự hỏi giờ mà bác sĩ báo mình dính cái ung thư gì khó khó, hiểm hiểm thì mình có nên tự xử luôn cho nó chủ động thay vì xếp hàng đợi đến lượt hay không.
Dù sao, mình nghĩ những người bị ám ảnh bởi cái chết đều là những người rất yêu cuộc sống, vì có yêu thì mới sợ mất. Hi vọng nếu có lâm vào mấy hoàn cảnh tréo ngoe như trong phim thì đấy cũng là nguồn năng lực để mình tựa tựa vào tí cho nó đừng đổ gục.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Dĩ nhiên ai ở trong trường hợp như cháu thì cũng sợ. Tuy vậy, trường hợp người trẻ có khối u lành cũng khá phổ biến. Cô có người bạn làm chung chưa đầy 30 tuổi mà có nhiều khối u lành. Dĩ nhiên là cô ấy sợ, và bác sĩ bảo khám định kỳ thường xuyên, thay vì hằng năm thì cô ấy khám hằng 6 tháng. Cháu đừng lo lắng lắm nhé. Cô nghĩ là cháu không sao đâu. Nên báo cho bố mẹ biết để có chỗ dựa tinh thần.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Dạ con cảm ơn cô nhiều. Giá mà lúc đó con có viết blog và có những người bạn người lớn chia sẻ thế này chắc là con đỡ hoang mang nhiều lắm.
ThíchĐã thích bởi 1 người