Phụ nữ ơi · Về mình · Về Trâm

Chuyện mình (Part 2)

Chuyện mình (Part 1)

Hai ngày trôi qua dài như hai thập niên.

Mình sống trong viễn cảnh của một bệnh nhân ung thư và lặng lẽ thu xếp mọi thứ. BV hẹn lấy kết quả vào buổi chiều. Trưa hôm đó mình vô cơ quan để đỡ sốt ruột. Đến gần giờ đi, tự dưng các chị đồng nghiệp quây quần lại động viên: “lát lấy kết quả xong cho chị hay liền nha, nếu còn sớm thì chạy về đây với tụi chị nha”. Chị DH quả quyết: “để chị đi với bé!”. Mình kiên quyết từ chối, nhất định chỉ đi một mình và sẽ báo tin sớm cho các chị.

Mình trong giai đoạn đó

Trước quầy trả kết quả, người chờ đợi rất đông. Mình thấy lại những gương mặt quen thuộc, những người đã vạ vật cùng mình 2 ngày trước đó ở nơi này. Chị gái xinh đẹp hôm trước vẫn mặc một chiếc áo màu xanh nửa đêm. Chị đẹp quá. Cái dáng cao, gầy, tóc đen, da trắng, và đôi mắt như đang chứa toàn bộ ưu tư của những người phụ nữ đang có mặt nơi này. Mình và chị đã chạm mặt nhau nhiều lần trước đó. Nhưng dường như khi đang sốt ruột mới chợt thấy tay chân quá thừa thãi, cả hai cùng lúc gật đầu chào nhau và bắt đầu trò chuyện.

Chị hỏi: “cưng sao mà đi khám?”. Mình kể ngắn về diễn biến của mình. Chị nói: “chị bị 3 năm rồi, hồi đó nó lành, chị được mổ lấy ra rất nhanh nhưng bác sĩ dặn phải theo dõi kỹ. Sau đó về chị mang thai liền nên không khám định kỳ, chị sợ phát hiện ung thư khi đang mang thai và nuôi con. Giờ con chị 2 tuổi chị mới đi khám, BS cho sinh thiết lại. Chị run quá”. Mắt chị đỏ hoe. Chị đưa tay gạt giọt nước mắt vừa lăn ra khỏi bờ mi rất đẹp. Mình chợt thấy lòng dịu xuống vì đồng cảm. Tưởng chừng chỉ có mình bị lo lắng thái quá. Hóa ra, xung quanh mọi người cũng đang khổ sở như vậy.

Nhân viên y tế đọc một cái tên bốn chữ và chị đẹp sấp ngửa chạy lại, nói: “Có”. Mình đang vội chạy theo để ở cạnh chị thì lại nghe chị nhân viên đọc đến tên mình. Mình với tay lấy kết quả khi đã đứng ngay bên cạnh chị đẹp. Mình nhìn nhanh xuống cuối trang giấy: “Bướu sợi tuyến”. Nhìn sang tờ giấy trên tay chị, cũng “Bướu sợi tuyến” cộng thêm mấy chữ gì đó. Là u lành. Hai chị em cùng nhìn nhau, cả hai cùng cười mà mắt đỏ hoe. Mình nói: em chúc mừng chị nha. Chị cười, để tay lên vai mình như để vỗ về, nhưng rồi chị bất giác bóp lấy vai mình như để giữ thăng bằng.

Mình đã nghĩ là khi về nhà mình sẽ viết về khoảnh khắc đó. Cái khoảnh khắc đồng cảm tuyệt vời giữa hai người phụ nữ, ở dưới đáy sâu của bất an, sợ hãi, và rưng rưng chuyển thành một cái thở phào, một niềm vui rất khẽ, rất sâu kín. Khi đã bước qua một lằn ranh kiểu vậy, bài học đầu tiên người ta có được sẽ là một thái độ kính cẩn, khiêm cung trước mọi vui mừng. Không vội vui, không có tự hào, đặc biệt không đắc thắng, không tuyên ngôn. Vì người ta đã hiểu con người quá bé nhỏ và được nhiều ân huệ mới còn thức dậy và được mỉm cười mỗi ngày. Ta chẳng là gì cả trước những buồn vui này để tuyên ngôn điều gì đó về cả niềm vui lẫn nỗi buồn…

Chị đẹp hỏi: “Nhà cưng ở đâu lận?”. Lúc đó mình cũng cùng lúc hỏi: “Nhà chị ở đâu?”. Chị cười, nói rặt tiếng miền Tây: “Nhà chị ở Bà Điểm, giờ chị ra bắt xe buýt về”. Mình nói em cũng đi về hướng đó, tới Cộng Hòa, em chở chị về tới Cộng Hòa cho dễ bắt xe nha. Chị vui vẻ gật đầu. Mình thấy mình cần được ở gần bên chị thêm chút nữa. Người thân của mình, chưa ai biết về chuyện này. Mình sẽ nhắn tin cho đứa bạn nhà ở gần bệnh viện, cho các chị đồng nghiệp – những người đã biết mình đang chờ kết quả trước. Gia đình và người yêu mình sẽ kể khi thuận lợi.

Hai chị em quyết đi về chung, nên dắt nhau ra gặp bác sĩ chuyên khoa để nghe bác dặn dò về kết quả. Đó là một bác sĩ nữ, khá trẻ. Chị nhìn mình, nói rất dịu dàng nhưng nghiêm túc: “U này lành thôi, mai mốt có thể nó sẽ to lên và mọc thêm u mới, nhưng đều sẽ lành. Em nên mổ lấy ra cho yên tâm”. Mình nói em bị cường giáp, liệu có mổ được không. BS ngập ngừng một chút rồi nói: “Cường giáp thì không mổ được, em cần theo dõi cường giáp và đợi khi nào bác sĩ nội tiết nói mổ được thì qua đây chị mổ”. Thấy mình có vẻ chùng xuống, BS nói thêm: “U của em không cần mổ gấp đâu em, khi nào điều kiện sức khỏe mình thuận lợi thì mình mổ thôi”.

Về cường giáp, mình phát hiện một năm trước đó. Lúc đó cô D. – một người lớn rất thân thương và gắn bó với tuổi trẻ mình – kiên quyết bắt mình đi khám “vì cô thấy cổ con hơi to, con nói chuyện có cái cục nó chạy lên chạy xuống”. Mình rất sợ bệnh viện nhưng không thể trì hoãn trước sự thúc giục của cô. Mình nhớ, ở bệnh viện Tân Phú, anh bác sĩ trẻ đã thảng thốt khi nhận kết quả xét nghiệm máu của mình. Anh chậc lưỡi, nói như kêu lên: “Cường giáp rồi em ơi!”. Lúc đó mình chưa biết cường giáp là cái khỉ gió gì, mà cảm giác như BS vừa thông báo bệnh ung thư. Sau đó mình được giải thích rằng đó là một bệnh mãn tính, tuyến giáp làm việc nhiều hơn bình thường nên cơ thể sẽ mệt, đặc biệt sẽ kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe, làm rối loạn kinh nguyệt… Và biến chứng nguy hiểm nhất của cường giáp là bão giáp – nó giống một dạng lên cơn đau tim, khi quá căng thẳng và quá sức thì bão giáp dễ xuất hiện và có thể khiến bệnh nhân đột tử.

Nhưng, điều kinh khủng nhất của cường giáp là nó khiến mình phải vào bệnh viện Đại học Y dược 2 tuần một lần để khám, xét nghiệm. Mỗi lần khám luôn luôn mất một ngày trời, ròng rã, vạ vật và mệt mỏi. Mình vốn hơi “lịch sự một cách ngu ngốc” khi đến những chỗ cần xếp hàng, lại thêm cái tính lơ ngơ – nên mỗi lần vào viện, phải xếp hàng cả chục lần để đăng ký khám bệnh – xin chỉ định – nộp giấy chỉ định – xét nghiệm – siêu âm – lấy kết quả – chờ khám chuyên khoa… mình hay bị mất lượt vì người này người kia chen lên trước. Lần nào đi khám cũng mệt và hồi hộp.

Lịch khám dãn ra dần khi việc điều trị cấp tập ban đầu đã có hiệu quả. Bác sĩ giảm liều thuốc cho mình, và hẹn khám sau 1 tháng, 2 tháng. Tuy vậy, việc điều trị cường giáp cũng chi phối nhiều đến cuộc sống của mình giai đoạn đó. Lúc đó mình mới ra trường đi làm. Người yêu mình đang giai đoạn thực tập (ngành của anh học 5 năm). Anh thực tập ở cơ quan công an, làm việc như cán bộ bình thường nên không thể đưa mình đi khám bệnh. Mình thường vào viện khám với em gái. Nó vào SG học liên thông và đi dạy thỉnh giảng nhưng suốt ngày hỏi thăm lịch khám để sắp xếp đi cùng mình. Có nó, mình đỡ lóng ngóng và đỡ buồn suốt một ngày trời ngồi giữa đặc nghẹt người chờ đợi.

Mình nhớ đợt đó có những chiều người yêu vừa tan làm, chạy qua đến nhà mình là vơ ngay lấy kết quả xét nghiệm để xem các chỉ số lên lên xuống xuống. Có lần mình bắt gặp anh gọi cho chị gái mình, kể về việc mình bị cường giáp. Và mình giận anh suốt mấy ngày sau đó. Dù mình hiểu, ngoài ba mẹ thì đó là hai người chăm sóc mình nhiều nhất, có lẽ vì vậy nên khi mình có bệnh, họ cần nói chuyện với nhau để được chia sẻ, đồng cảm.

Một ngày, U. – một cô em thân thiết gọi điện cho mình và khóc rấm rứt. Giọng nó rất buồn: “Em vừa nói với anh T. là chị bị cường giáp. Ảnh giật mình hỏi: “Thằng Tùng biết không?”. Em nói chắc anh Tùng biết rồi thì ảnh nói: “Trời biết mà vẫn ưng nó hả, bị cường giáp sao mà sinh nở?””. Nó khóc ấm ức một hồi rồi nói: “Em buồn quá vì em thấy thương chị. Với một phần là em buồn anh T., sao ảnh nỡ nói như vậy, lỡ em bị vậy thì ảnh cũng bỏ em sao…”

Lúc nghe em kể vậy mình thương vô cùng. T. là bạn trai của U., là bác sĩ. Vì vậy nên phát ngôn đó của anh vừa làm con bé ưu tư về bệnh của chị, vừa buồn vì quan điểm của anh về chuyện yêu đương. Thực tế, bệnh cường giáp làm giảm khả năng thụ thai do kinh nguyệt bị rối loạn. Thêm nữa, sinh nở là một thử thách lớn về cả thể xác lẫn tinh thần, phụ nữ cường giáp rất dễ gặp bão giáp và tử vong trong quá trình sinh nở. Đó là chưa kể, nếu việc sinh thường không suôn sẻ (thường là họ ko thể sinh thường vì không có khả năng chịu đau chuyển dạ), sản phụ bị cường giáp nếu phải chuyển mổ bắt con thì đường sinh cũng khá ngặt nghèo. Vì giống như lời chị bác sĩ tuyến vú ở BV Ung Bướu nói: “cường giáp thì không mổ được” (thực ra câu đó có nghĩa là “nếu không quá cấp thiết thì không nên mổ khi bị cường giáp để tránh biến chứng nguy hiểm”).

Mình kể cho Tùng, ảnh cười và nói thương U. quá he. Tụi mình không mảy may nghĩ về khả năng sinh con. Bản thân mình thì chưa bao giờ mặc cảm hay lo nghĩ về việc đó. Lúc đó mình chỉ tính là đến lúc kết hôn tụi mình sẽ nhìn kỹ lại quan điểm của mỗi người về vấn đề con cái. Nếu cả hai đều nhất định phải có con thì sẽ đi khám kỹ về sức khỏe sinh sản. Còn bây giờ, mình không quan tâm mà cũng không quan trọng việc mình có khả năng sinh con hay không.

Lúc đó, Tùng nói với mình: “Anh thích có con nhưng điều đó không quan trọng bằng việc anh yêu em và muốn ở gần em. Nếu sau này em thích mà không sinh được thì xin con nuôi, không thì thôi, không có gì quan trọng”.

(Còn nữa)

Chuyện mình (P3)

Chuyện mình (P4)

6 bình luận về “Chuyện mình (Part 2)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s