Từ lúc sinh Cà Na, vợ chồng mình đã ấp ủ dự định chuyển đến một thành phố loại 2, loại 3 nào đó để sống. Tụi mình bắt đầu tìm kiếm một vùng đất phù hợp với dự định của tụi mình, và thuận lợi cho sự trưởng thành thơ mộng của con.
Tùng quyết tâm hơn mình, anh sắp xếp mọi công việc làm ăn để có thể quản lý từ xa, tính chuyện phát triển và gắn bó ở vùng đất mới. Việc sắp xếp bắt đầu bằng những chuyến đi xa. Tụi mình gần như cứ hai tuần lại đi vài ngày, đến vùng đất mới để chơi, để tìm một mảnh đất khiến bản thân muốn cất nhà tại đó… Tụi mình đi cùng nhau, hoặc đi cùng nhóm bạn thân. Những người lớn mơ mộng và yêu thích bình yên, cứ thế mê mệt với những chuyến đi Lâm Đồng, Hội An…
Trong thời gian thực hiện phép thử đó, công việc của Tùng ở nhà vẫn ổn. Tùng nói, chỉ cần em sẵn sàng thì ngay ngày mai mình có thể chuyển đi.

Việc sắp xếp của mình thì cực đơn giản. Chỉ có điều, mình thấy mình có một món nợ ở thành phố này, phải giải quyết xong mới thanh thản mà đi được. Mình cần phải lấy cái u trong ngực ra.
Chiều đó, mình nhắn tin cho chị, cũng là một đại ca trong giang hồ của mình, nói: “Chị, mai em đi mổ cái u nha”. Chị hết hồn, hỏi u gì. Mình kể sự tình xong chị lập tức mắng: “đồ quỷ, sao hồi giờ không nói, thằng Tùng biết chưa?”. Mình: “Chưa, hắn đang vui lắm, để sáng mai em nói luôn”. Chị: “Trời đất em định dọa chết nó hả?”.
Mình chọn nhắn cho chị, vì chị em rất thường xuyên gặp nhau. Nếu trong vòng hai ngày không thấy mình, thể nào chị cũng phát hiện ra.
Sáng đó mình thức dậy và khá lúng túng vì chưa biết phải nói với chồng thế nào. “Anh, giờ em vô Chợ Rẫy chứ không đi làm”? “Anh, giờ em đi mổ cái u…”? Thật là khiên cưỡng! Mình vốn rất dở trong việc thông báo một chuyện không tốt lành mà mình chưa tiêu hóa được.
Mình vừa đánh răng ra thì thấy lão chồng đã đứng ngoài cửa toilet, nhún qua nhún lại, cười cười. Mình tròn mắt hỏi: “gì á???”. Lão vẫn nhún nhún: “đi nha, chờ miết sáng chừ không nói, anh rủ luôn cho rồi.”. Mình vừa cười vừa gào lên: “Đi đâu??? Sao anh biết???”. Lão: “cái gì anh không biết!!!”
Có lẽ là lão đã thấy tin nhắn của mình với chị bạn. Mình dù hơi xấu hổ nhưng mà cũng… sướng, đỡ phải nói một điều gượng gạo, chỉ việc xách gói đi thôi.
Nhưng, việc mổ u ở Chợ Rẫy không đơn giản như mình đã từng nghe ở BV Ung Bướu.
Mình đến sảnh khu D đợi chị D. D rành bệnh viện và là người vững chải, chị là người đầu tiên mình bộc lộ về chuyện này, và chị quyết sẽ đi cùng mình. Mình đứng đó nhìn về phía cổng, lòng đầy một cảm giác mơ hồ và một ý chí mãnh liệt muốn né tránh khỏi mớ cảm giác đó. Dường như bao nhiêu năm trôi qua mình vẫn không trưởng thành thêm chút nào ở khía cạnh này. Vẫn đầy nỗi sợ, chính xác hơn là sự choáng ngợp bởi những diễn biến ngoài tầm kiểm soát.
Ngoài cổng lao xao, mình với Tùng nhìn ra thì thấy một người đàn ông trẻ mặc áo thun đỏ, dáng cao lớn mập mạp đang vừa đi vừa chửi. Bảo vệ tập trung khá đông, vây quanh cổng. Anh này đứng ngoài vòng vây bảo vệ, đi nghênh ngang phía trong sân bệnh viện, vừa đi vừa hất mặt như đang chửi ai đó ở hướng cổng. Mình nhìn một hồi thì hiểu ra, bảo vệ đang ngăn một chú xe ôm khỏi cuộc ẩu đả với anh áo đỏ. Họ đang đẩy chú xe ôm ra cổng, và liên tục nói anh áo đỏ “đi vô đi!”. Bên ngoài cổng, có một người dân khác cầm khúc cây dài chạy xông vào, một nhóm hùa theo ào tới nhưng bị bảo vệ ngăn lại, thối ngược ra. Cuộc chiến không cân sức. Nhưng anh áo đỏ không hề né tránh. Anh cứ chạy ngược lại như muốn phá vòng vây bảo vệ để trực diện kẻ địch. Nhóm bảo vệ vừa giữ cổng, vừa gào lên giục anh áo đỏ “đi vô đi”, rồi “dắt ổng đi vô đi!”
Nghe đến câu đó thì mình biết anh áo đỏ cũng có đồng bọn. Chỉ vài giây sau, từ trong đám đông bùi nhùi ở vòng vây đó bước ra một ông cụ, tay quải túi xách, chân thấp chân cao chạy tới ôm anh áo đỏ, kéo đi. Thân hình ông quá nhỏ so với Áo Đỏ. Áo Đỏ lại không hợp tác, cứ chạy ngược, chạy ngược về phía cổng. Ông cụ tóc búi đã bung ra loà xoà, trắng xoá, cứ chạy theo lôi ngược Áo Đỏ vào sâu trong sân bệnh viện. Ngoài kia, nhóm người dân vẫn nhào tới như muốn phá tung vòng vây bảo vệ. Tiếng gào giục giã “đi đi, dắt ổng đi nhanh lên” làm quang cảnh thêm xáo xác.
Phe Áo Đỏ yếu ớt, nhưng nhìn cảnh anh cứ hất mặt lên chửi mấy chữ lặp đi lặp lại, mình nhận ra anh chỉ là một đứa trẻ trong thân xác người lớn. Ngay lúc đó Tùng quay sang nói: “ổng bị thiểu năng hay bị thần kinh gì đó em ơi!”.
Ông cụ kéo phía trước, Áo Đỏ xềnh xệch lết theo sau, đầu vẫn không ngừng ngoái lại chửi về phía cổng. Ông cụ kéo một cánh tay, rồi kéo cả hai cánh tay đứa con trai, chân quýnh quíu làm rớt một chiếc dép. Bước đi càng rõ rệt bước thấp bước cao, cố rời xa phía cổng.
Ở phía đó, một cụ bà cũng gầy gò vừa thoát ra khỏi vòng vây, chạy lại nhặt cái túi đi đường ông cụ vừa quăng lại, khoác lên vai. Trên vai bà bấy giờ là một chiếc ba lô lớn, hai cái túi đi đường nhìn nặng trịch. Quảy được lên vai rồi, bà tới nhặt chiếc dép ông làm rớt, rồi còn quay lại cúi đầu mấy cái như đang giập đầu cáo lỗi với nhóm người hung hăng ngoài kia. Cái lưng còng xuống vì nặng, và vì bà cắm đầu băng về phía trước. Bà lết theo chồng và con, đi sâu vào bên trong bệnh viện.
Tụi mình đứng như đông cứng. Sau này cả hai vợ chồng mình đều day dứt vì lúc đó quá bàng hoàng mà không chạy lại đỡ giúp người đàn bà khổ sở đó một chiếc túi đi đường. Hàng chục người chứng kiến cảnh đó đều như chết trân, chỉ nhìn theo cho đến khi họ đi khuất, thoát nạn.
Chuyện miêu tả dài vậy nhưng chỉ diễn ra tầm một vài phút. Hai vợ chồng già nua gầy gò và một đứa con to lớn nhưng không tỉnh táo – họ quẩn quanh trong tâm trí, làm lòng mình càng chùng xuống. Họ có lẽ từ một tỉnh nào đó miền Tây, dắt đứa con bị bệnh về thần kinh lên khám, mà vừa xuống xe đã gặp xích mích gì đó với xe ôm…
Chị D đến và dắt mình vào khám bằng một lộ trình suôn sẻ nhất do chị rành rẽ bệnh viện. Tùng lo các loại thủ tục, còn chị cứ đi với mình đến mọi nơi cần xếp hàng, không để mình bị chen ngang hoặc bị mất lượt vì lơ ngơ. BV Chợ Rẫy đang áp dụng hình thức thanh toán qua thẻ. Ngay khi đăng ký, mình phải đóng tiền vào thẻ để mỗi lần sử dụng dịch vụ (siêu âm, xét nghiệm,…) là lại lấy thẻ ra quẹt để thanh toán.
Phòng khám ở tầng 1, đông nghẹt. Vì một may mắn mà mình được bác sĩ trưởng đơn vị tuyến vú trực tiếp siêu âm. Rất lâu rồi mình mới nằm lên giường siêu âm của một bác sĩ chuyên khoa tuyến vú. Bác sĩ khá từ tốn, xem xét hình ảnh, thả bỏ thiết bị, tháo bao tay rồi nói: “U của em khá lớn, kích thước không đặc trưng của u sợi tuyến. Vì em từng sinh thiết thấy u sợi tuyến thì chắc nó đúng là vậy thôi. Nhưng u sợi tuyến thường là khối tròn, còn của em thì dài. Nên thôi, lấy ra đi em”.
Mình đồng ý lấy ra. Theo BS, sau khi lấy ra, khối u sẽ được xét nghiệm tế bào một lần nữa để xác định tính chất.
Mình quay lại phòng khám đông đúc để chờ lấy chỉ định làm các thủ tục cận lâm sàng, chuẩn bị cho phẫu thuật. Mấy câu nói rất điềm tĩnh của bác sĩ trưởng đơn vị làm mình băn khoăn. “Không đặc trưng của u sợi tuyến”, “thôi, lấy ra đi em”… Xem chừng hình ảnh có tín hiệu không tích cực, nó nghiêng khỏi khả năng là u lành… Tùng vẫn lăng xăng chạy tới chạy lui để nghiên cứu trước thủ tục xét nghiệm, siêu âm vì việc phải quẹt thẻ trước khi thực hiện các xét nghiệm khiến mọi thứ trở nên quy củ. Mình đang miên man thì bên cạnh mình, một chị tầm 45 tuổi cầm tờ kết quả xét nghiệm tế bào, dưới cuối trang là kết luận “Biến đổi tế bào…., bậc III” (mình không nhớ chính xác từng chữ). Không hiểu sao mình đọc mấy chữ đó ra thành nghĩa tiêu cực. Chị một tay cầm kết quả, một tay bấm điện thoại liên tục. Chị nói vào điện thoại: “Kết quả là Biến đổi tế bào…., bậc III… Ừ chị chưa gặp BS, mấy em nhân viên trả kết quả thì nói kết quả không tốt lắm, giờ chị đang chờ gặp BS mới biết không tốt như thế nào”.
Mình đã quen với khái niệm “kết quả không tốt”, rất quen, từ ngày nhà có người thân bệnh, và cả những ngày đọc bài của các anh chị phóng viên y tế. Bây giờ, chị ấy còn ngồi đây, bên cạnh mình. Mình không biết đó là một người phụ nữ hiểu biết và mạnh mẽ, hay cũng giống mình – một người non nớt trong việc tiếp nhận thông tin sức khoẻ tiêu cực. Nhưng dù gì thì một chút nữa thôi, chị sẽ gặp BS và biết chính xác về sự không tốt đó. Chị nói vào điện thoại: “ừa một chút xíu nữa chị gặp BS rồi chị gọi lại”.
Nếu chị mắc ung thư thì đã mắc rồi, nhưng phút bất hạnh (nếu có) chỉ bắt đầu từ khi chị biết về nó. Vậy vấn đề đâu phải ở khối u. Mình cũng vậy thôi, bây giờ mình ngồi đây, trong sự vô tri yên ả, nhưng một sự-biết nào đó có thể đang gần và bản thân mình có thể còn quá nhỏ bé để đón lấy, và đau khổ sẽ nảy sinh từ đó… Mà, ai cũng vậy thôi. Vậy nên, sống trong hiện tại và sống khiêm cung là điều mà ai cũng phải học. Chừng nào còn bình an thì hãy sống bình an, sống gọn ghẽ trong vùng bình an mình đang có, và sống cho đáng… Vì mọi thứ hữu hạn, ân huệ nào vô cùng, hết thăng đến trầm, mùi vị cuộc đời ai cũng trải. “May mắn” là điều mình cần nhận thấy, để khiêm cung, chứ chắc chắn không phải để tự hào…
(Còn 1 phần nữa thôi 😊)
4 bình luận về “Chuyện mình (P4)”