Kể chuyện văn hóa · Những người quanh Trâm · Phụ nữ ơi

NỖI OAN GÁI MIỀN TÂY

Ở quê mình, “gái miền Tây” từng là một cụm từ ám ảnh. Mình lớn lên với những câu chuyện nghe như huyền thoại về những cô dâu miền Tây.

  • Vợ thằng Tư gái miền Tây, cưới bữa trước bữa sau nó ôm vàng đi hết!
  • Vợ thằng Tèo có biết làm chi mô, suốt ngày chỉ có đi chợ, tiêu hoang như quỷ!
  • Bà Tám dzô phước thiệt, rước phải cái con dâu miền Tây, không biết tính toán chi hết, ra ruộng đứng xớ rớ xớ rớ. Ngó chắc không được mấy bữa!

Ở miền Trung nghèo xác xơ, mấy cô gái miền Tây tròn trịa, trắng trơn nhìn không ăn rơ. Mấy cổ hay cười, nói giọng lạ hoắc, lại chẳng hiểu tiếng người quê. Các cô trung niên ở đó hay có kiểu xua tay mỗi lần cần thêm một người phụ nữ phụ tiệc tùng làng xóm: “thôi, con nớ miền Tây không biết chi mô!”

Mà hồi đó ở miền Trung, mấy cô dâu miền Tây cũng không quá… phổ biến. Hiếm hoi lắm, có anh trai làng nào đó đi làm Sài Gòn thiệt lâu mới dắt về một cô dâu miền Tây. Đó là mấy ảnh yêu dữ lắm thì mới xăm mình dẫn về. Chứ chưa cần biết nghề nghiệp, tính tình, chỉ cần nghe cái xuất xứ “miền Tây” là mấy bà mẹ quê đã rùng mình, ớn lạnh. Mẹ già miền Trung sợ đàn bà “không biết tính toán” một, thì sợ mấy đứa con dâu hồn nhiên mà ngọt ngào, mê hoặc chồng đến mười.

Mình lớn lên, vào Sài Gòn, không còn biết đâu là người miền nào nữa. Bạn bè muôn phương. Nhưng quả thực, mình thường cảm tình nhiều hơn với người miền Tây. Đến lúc nghiên cứu về văn hóa, mình mê miệt đồng bằng sông nước đó đứ đừ. Hễ nghe ai nói đến từ xứ đó, mình đã âm thầm ái mộ. Thỉnh thoảng đối chiếu cảm giác bây giờ với những “hiểu biết” xưa kia về người miền Tây, mình chỉ buồn cười.

Cho đến một buổi chiều, mình được phân công đi công tác gấp đến Gia Lai. Ở đó có một người đàn bà bị ung thư, chịu bạo hành gia đình. Tòa soạn làm công lệnh và mua sẵn vé máy bay. Mình nhận điện thoại xong gói ghém đồ đạc và lên đường ngay, dù suốt buổi chiều đó mình không thể liên lạc được với chị để hẹn gặp.

Thời may, máy bay vừa hạ cánh, mình thử gọi lại thì được kết nối với chị. Chị hẹn gặp mình ở quán cà phê lớn nhất Pleiku. Chiều muộn mờ mịt.

Cuộc trò chuyện đi qua từng giai đoạn trong cuộc đời chị. Chị kể nhiều về bi kịch hôn nhân, về biến cố bệnh tật – sau chuyến đó mình đã viết một bài báo về câu chuyện này. Nhưng câu chuyện làm mình ám ảnh, và vẫn ám ảnh cho đến tận bây giờ là những tâm sự buồn của chị – một phụ nữ miền Tây rặt lên vùng cao nguyên này làm dâu.

Chồng chị là trí thức, chị là người buôn bán ở chợ Vĩnh Long, họ gặp nhau khi anh theo học một khóa học ở quê chị, sinh hai con, rồi mới lại về nhà anh ở Gia Lai. Ở đó, chị vẫn tiếp tục buôn bán, chồng chị đi dạy. Hạnh phúc ngày một tụt dốc, anh lạnh nhạt, rồi bạo hành triền miên. Từ ngày mắc ung thư, chị hay đi những chuyến xe đêm xuống SG điều trị rồi lại bắt xe đêm về Gia Lai, lo chuyện cơm nước. Đời chị buồn như một con dốc buổi xế tà. Nhưng tất cả những biến cố đó nghe vẫn không buồn bằng việc “chị không hạp ở đây, ba má ảnh không thương chị, nói chị xài hao, không biết tính toán, không biết làm đàn bà”.

Nhà chồng chị quê gốc Quảng Nam, lên Gia Lai đi kinh tế mới. Vùng đó, theo chị thì “mưa quài mưa quỷ”. Từ ngày đầu tiên anh dắt chị về, nói chị người Vĩnh Long, ba má anh đã ngó lơ, mấy người chị chồng bĩu môi, lắc đầu. Từ bấy đến nay, dù đã sinh hai mặt con, đồng cam cộng khổ – chị vẫn chưa bao giờ được xem là một thành viên trong gia đình.

Chuyện làm dâu của chị buồn như một thiếu phụ trong gia đình phong kiến sa sút. Nhưng bên ngoài, chị cũng không có ai để bầu bạn. Chị đi chợ mua 2 lạng tôm nấu canh, người hàng xóm đứng bên cạnh nói “mua chi hung, bằng người ta ăn ba ngày”. Chị kho một nồi thịt kho tàu, họ nói nhà có 4 người mà ăn bằng cả xóm. Chị bán hàng cả ngày, phải kéo cái bếp ra phía trước vừa coi hàng vừa nội trợ, người ta nói chị… ham ăn, suốt ngày lo chuyện ăn uống. Chị thấy ngột ngạt, nghĩ đủ cách để làm vui lòng hàng xóm. Chị nấu nồi chè bà ba, làm sâm bổ lượng cho chồng con bốn phần, còn đem mấy phần chia đều cho hàng xóm. Qua hôm sau, một trong số họ sang bỏ nhỏ: “người ta nói bà ăn sang, nấu một món chè mà bỏ đủ thứ hạt củ…”.

Chị kể một dây, giọng hiền khô mà nặng trịch, rồi nói: “chị nhớ Sài Gòn lắm! Đó, ở đây cứ mưa zầy nè, quanh năm”. Chị nói, giơ tay hứng nước mưa làm bằng chứng. Trời đã bắt đầu mưa giăng giăng. Chỗ hai chị em ngồi được nhân viên quán kéo bạt che kín. Lúc đó, mình chợt nhận ra lý do chị nhanh chóng đồng ý gặp mình là vì mình đến từ Sài Gòn. Người đàn bà cả đời gắn với miền Tây – Sài Gòn, cả đời được sông nước ưu đãi và xem bữa ăn thịnh soạn như một sứ mệnh của một người đàn bà. Người đàn bà miền Tây lớn lên trong cái rộng rãi, khoáng đạt, hồn nhiên và tình cảm. Đàn bà miền Tây xa lạ với những phép tính chi li, chỉ biết tính làm sao để chồng con có một bữa ăn đúng nghĩa, để có cái sớt sang nhà họ hàng, lối xóm. Phải vui trước, tình cảm trước, rồi mới toan chuyện để dành.

Vậy mà chị lạc về đây, sống trong cái khúc khuỷu của miền cao và cái chật chội của đôi mắt người đời. Ở đây, người ta lớn lên trong khô cằn, khó nhọc, lại theo kinh tế mới về miền ngược, tha hương lập nghiệp, khốn khó trăm bề. Ở đây, ăn bữa nay phải nghĩ bữa mai. Người ta xa lạ với những mâm cơm ê hề. Người ta khó hiểu với những bộ dạng tinh tươm, trắng trơn, với nét cười hồn nhiên, giọng nói ngọt ngay, nhẹ hều của đàn bà xứ khác. Người ta bực bội với người đàn bà không nhọc nhằn tiền nong. Đàn bà không chi li, không dằn giữ của riêng – là một cái tội. Cái cằn cỗi, khốc liệt, cái bất trắc đến bàng hoàng của dải đất miền Trung không dung chứa nổi một sự rộng rãi ngần ấy.

Ngồi đối diện chị, mình bị hút vào cái xót xa khi nghĩ người đàn bà suốt hơn một thập niên chỉ biết buồn, thất vọng, rồi cô độc và nghĩ “ở đây người ta kỳ lắm em” – chứ không mảy may biết đến bản chất của bi kịch đời mình. Chị không giống những cô dâu miền Tây trong “truyền thuyết” xóm mình. Các cô đó có thể nhận ra ngay sự khác biệt đến khốc liệt, đã phản vệ với sự khác biệt đó bằng cách “bỏ đi biệt ngay sau ngày cưới”. Còn chị thì không. Chị chỉ thấy ngột ngạt, thấy “kỳ”, thấy đời sống u buồn, lưu lạc, và cồn cào nhớ Vĩnh Long, Sài Gòn…

Chị, đã không đủ tinh nhạy để làm mình khác đi, làm mình giống với xung quanh, với chị bạn hàng, cô hàng xóm, để được đồng cảm, yêu thương. Chị “miền Tây” đến tận cùng, để dù hoang mang và bất lực, vẫn chỉ biết là mình: rộng rãi, hồn nhiên, và chỉ toan tính những chuyện-rộng-rãi.

Sáng nay nói chuyện miền Tây, mình chợt nhớ chị. Nhớ chén chè bà ba bẽ bàng, nhớ cả những cuộc đào tẩu của những cô dâu miền Tây khỏi cái cằn cỗi mọi bề của quê mình.

Thương những người đàn bà miền Tây oan khiên một. Thương những người đàn bà khổ sở, khe khắt và có phần cay nghiệt ở quê mình đó, đến mười.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s