Những người quanh Trâm

DUNG và ĐẠI HỌC (2)

Sau vài ngày, việc Dung khóc không còn là một sự kiện nữa. Nó là một chuyện bình thường, được Dung thực hiện đều đặn, chuyên cần.

Gọi điện về cho má, nó vừa cầm điện thoại vừa khóc hu hu. Tối gom đồ đi giặt, nó giặt xong ngồi thõng người, chảy nước mắt rồi từ từ chuyển thành thút thít, hu hu. Mấy buổi lên trường làm thủ tục về, mình lục đục thay đồ ra đã thấy nó đang ngồi khóc. Mà đặc biệt là những buổi chiều. Hễ trời mưa là nó cũng khóc tầm khóc tã. Đó là một trong những hình ảnh đạo hạnh nhất mà mình từng thấy ở nó, nó khóc cực kỳ có tâm và ra vẻ một người đang thực sự sống với cái sự khóc đó.

Còn mình, suốt những buổi chiều đầu tiên đó mình luôn thử hình dung nếu bây giờ mình chuyển về Đà Nẵng học thì sẽ thế nào. Mọi thứ cũng sẽ ổn thôi. Mình có thể sẽ học chậm một năm, nhưng sẽ giải quyết được cái nỗi xa quê nhớ nhà và niềm ấm ức về một Sài Gòn đáng-chán. Chỉ có điều, đó là một tưởng tượng, còn thực tế vẫn chưa bị đẩy đến mức khiến mình đưa ra một quyết định kiểu vậy. Những ngày đầu xa nhà, khó khăn lớn nhất nằm trong lòng tụi nhỏ. Đã xa ba mẹ, xa cái nơi gần gũi thân thuộc nhất để đi ra thế giới, mà thế giới lại xấu quắc thì cái háo hức bị biến thành ấm ức cũng dễ hiểu.

Chỉ đến ngày thứ 2, tụi mình đã bao quát hết cái khu trường-chợ-nhà trọ này. Mọi thứ thật sự giống một cái vựa ve chai, nhất là về màu sắc và sự lộn xộn vô vọng. Chủ vựa dù đã phân loại và xếp đặt thật gọn thì nhìn trông nó vẫn không thể là một nơi ngăn nắp. Chính xác hơn, làng đại học thời đó giống một công trường của một dự án quá lâu ngày không hoàn thiện. Và người ta tranh thủ vào đó ở, lập chợ, xây phòng trọ tạm bợ cho thuê. Nó không có cái gốc của đời sống cư dân, không có không khí của sự tổ chức cuộc sống lâu đời – là mình cảm giác vậy. Cái chợ mọc giữa đường, chủ yếu là mấy hàng bán rong người ta tụ lại, hàng thịt hiếm khi có được cái màu tươi tắn. Buổi sáng bước ra đường theo thói quen, thể nào tụi mình cũng ôm về một cảm giác bị lừa. Món ăn sáng nào cũng dở, hoặc ngọt lừ, hoặc lõng bõng lạt lẽo. Mọi thứ cứ tuềnh toàng và hổ lốn. Và xóm trọ của tụi mình là một hình ảnh cô đặc lại của tất cả những đặc điểm của đó.

Chủ trọ là một ông cụ hơn 80 tuổi, người gốc Bắc, vừa bình phục sau tai biến. Ông hay mặc cái áo sơ mi màu da trời pastel và một cái quần tà lỏn lò xo, chống gậy đi rất chậm vào mấy con đường dọc ngang khu trọ. Ông rất hay nói nhưng mình không tài nào nghe ra. Giọng ông trầm đục, cộng thêm di chứng của tai biến khiến tiếng nói không tròn vành rõ chữ. Mình chỉ dịch được ý ông mỗi lần nghe ông chửi chó mắng mèo. Mấy chữ “mẹ mày”, “cút ra” được quăng vào mặt bọn chó theo một cách rất có nghề. Đó có lẽ là một sở trường ngôn ngữ của ông cụ. Còn lại, hễ ông nói gì thì cái tụi người cũng phải kê sát tai vào mặt ông, hỏi “ông nói gì? ông nói lại giúp cháu? hả? hả”.

Người hay phải gào lên đề nghị ông chủ trọ “again” nhất, chính là chị Hà con gái ông. Chị Hà độ tầm 40 tuổi, cao dong dỏng, mặt ốm nhom, tóc dài nhưng mỏng và hay buộc đuôi ngựa. Miệng chị nhỏ xíu, và mắt mũi cũng vậy. Dường như bao nhiêu cái lảnh lót của nhà ông chủ dồn hết vào chị. Anh trai lớn sống riêng trong căn nhà có tạp hóa đầu xóm trọ, còn chị độc thân, ở với bố mẹ. Nhà họ ở sát phòng mình, tức là men theo con đường phân chó đi hết chiều dài nhà tạp hóa thì sẽ thấy phòng mình bên phải, rẽ phải đi vài bước qua khỏi phòng mình là tới nhà chủ.

Bao nhiêu chuyện trò, cơm nước, toan tính nhà chủ, tụi mình đều nghe hết. Sáng, tụi mình thường sẽ thức giấc bằng việc nghe chị Hà chửi. Chị thường mắng ba chị nói nhiều, mắng đứa khách trọ nào đó chậm đóng tiền, mắng chó mắng mèo, mắng bà hàng xóm, mắng cả thế giới. Mắng đã đời, chị lấy một tay luồn trong bụng, đẩy cái áo trì xuống, tay kia cầm một cây tăm đưa vào miệng những lúc không mắng chửi, rồi khởi sự đi vào con đường sau phòng trọ mình để đánh bài. Dường như một ngày của chị chỉ có 3 việc, là đòi tiền trọ, đánh bài và chửi. Mình chỉ có duy nhất một điểm cộng cho chị Hà, là khi chửi, chị luôn chừa tụi mình ra.

Quay lại cuộc sống của hai đứa. Dung lúc này đã bộc lộ là một đứa rất khoái nói chuyện, bàn bạc chuyện này chuyện kia, nó khoái biết sinh hoạt của mình thế nào, mình nghĩ về chuyện a chuyện b ra sao. Mấy buổi ăn uống xong, nó trong bộ đồ bộ kate gấu hồng lại ngồi xếp bằng giữa phòng, khều mình hỏi: “Ê, mi biết con B không?” . Mình hay gật. Nó lại nhướn mày cười nham nhở: “Mi thấy hắn răng?”. Một câu có tính chuyên sâu hơn là: “Ê hồi nớ mi có biết vụ X của con Y không?”. Thỉnh thoảng khi bí đề tài nhỏ thì nó sẽ hỏi một câu có tính chuyên đề: “Nếu hồi nớ không học Văn thì mi học chi bé?”. Mình thường không hảo bàn bạc, nhưng hễ nó khui ra là mình tham gia cực tâm huyết. Mỗi lần thấy mình có vẻ đang trên mây quá, nó sẽ lôi mình vào câu chuyện bằng một chi tiết giật gân nào đó. Có lần, nó hỏi:

  • Hồi đó trước thi đại học mi có khấn hay thề chi không bé?

Mình không. Thế là bế tắc quá nó sẽ nhả ra một chi tiết giật gân:

  • Hồi nớ ta khấn nếu đậu Đại học ta sẽ lết từ Duy Châu xuống Nam Phước, gõ cửa từng nhà để cảm ơn.

Mình cười như điên. Hỏi:

  • Rồi đậu xong có làm không?
  • Không – nó cười – Rồi ta còn tính nếu ta đậu thì ba ta sẽ mặc cái quần đùi màu đỏ chạy ra Đà Nẵng bắn pháo bông.

Mình cười sặc sụa. Sau này mình mới biết mấy ý tưởng kiểu vậy vẫn rất còn xoàng so với kho tàng “nếu – thì” của Dung.

Nhưng, giai đoạn đầu đại học, mình không dành nhiều thời gian cho Dung. Hễ trống lịch mình lại bay lên thành phố chơi với mấy đứa bạn thân. Chiều chiều mình lại đón Tùng lại từ ĐH Cảnh Sát ghé qua chơi. Và trong ngày, mình hay nói chuyện điện thoại với Tùng.

Thành ra, thời gian trống của Dung khá nhiều. Nó hay gọi cho mấy đứa bạn đang lưu lạc tứ xứ để giải khuây. Có điều, từ lúc đó nó đã là đứa cực kỳ keo kiệt với cái điện thoại. Nó thường chỉ để trong điện thoại rất ít tiền, nhìn nó nạp từng chút card mà mình sốt ruột. Rồi mỗi lần gọi điện, nó lại hay nói quíu và nói to, làm như nói vậy sẽ tiết kiệm được tiền điện thoại. Rất dễ biết khi nào nó gọi cho bạn. Bởi cuộc gọi nào nó cũng bắt đầu điềm đạm: “Ta Dung đây!”, rồi nhanh chóng trở nên hấp tấp, dịch chuyển cái cái điện thoại Nokia bật nắp màu hồng từ tai về phía gần miệng, nói to: “Ta Dung Mập đây!”.

(Còn nữa)

1 bình luận về “DUNG và ĐẠI HỌC (2)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s