- Bé ơi, nếu gặp phải bà mẹ chồng quá quá quắt thì làm sao bình tĩnh mà yêu thương nổi hả bé?
Chị bạn đọc bài mình viết về cô con dâu đòi dẹp tạp hoá của mẹ chồng, nhắn tin hỏi mình. Chị nói chị thấy em có lý, cần tiếp cận mọi người bằng tình thương yêu, nhưng có những người xấu tính vượt quá giới hạn, làm sao yêu nổi.
Mình nói:
- Sao mà yêu nổi hả chị? Có những hành động đáng ghét mà lại nhằm vào mình, mình khó yêu lắm, nếu đã cảm thấy ghét thì phải tôn trọng cảm giác đó của mình chứ?
- Thế sao bé nói phải tiếp cận bằng tình thương yêu?
- Ghét là cảm xúc. Và cần nhớ cái ta ghét là hành vi, chưa hẳn là con người. Còn tình thương yêu mà em nói chính là xuất phát điểm, là chiếc chìa khoá xuyên suốt luôn có trong mình để tiếp cận mọi chuyện. Ví dụ: Khi đối diện với hành vi sát thương mình, mình sẽ phản vệ bằng cảm xúc giận dữ và căm ghét. Nhưng đối với con người, mình sẽ tự hỏi vì sao người ta lại làm thế, điều gì trong họ, nỗi đau nào trong họ, mặc cảm nào trong họ đã dẫn đến kiểu tính cách như thế… Khi tự hỏi như thế là chị đã tiếp cận bằng tình yêu rồi đó, dù có thể cảm xúc của chị vẫn thấy giận và thấy ghét cái hành vi kia vô cùng. Mà thường là khi đã tự hỏi vậy thì không thấy ghét nữa đâu.
- Vậy là ngay lúc thấy ghét là phải tự hỏi liền hả?
- Cũng tuỳ vào năng lực và nhu cầu của mình. Người không có năng lực yêu thương sẽ chỉ dừng lại ở chỗ giận và ghét, và cứ thế trượt dài trên sự căm ghét và xa cách nhau thôi.
- Còn tuỳ vào nhu cầu là sao?
- À, nếu đó là người mà chị không muốn hiểu, không có nhu cầu gắn bó thì thôi. Gặp nhau qua đường rồi chia tay. Còn nếu là người chị muốn gắn bó, chị phải hiểu để tự hoá giải những xung đột cảm xúc với họ. Mẹ chồng là người mình phải hiểu để tự mình thấy nhẹ nhàng, chứ ghét mẹ chồng thì đời mình cũng tèo luôn. Ghét một người mình sẽ gắn bó lâu dài thì đời kém vui đi nhiều. Vậy nên phải hiểu chứ. Khi đó hiểu là hiểu cho mình, vì mình, chứ không phải hiểu vì mình cao thượng hay vĩ đại gì đâu. Là cho mình cả.
- Ờ chị hơi hiểu rồi. Như cô con dâu của bà chủ tạp hoá đó, nếu cổ chỉ bực mẹ chồng vì lỳ lợm với cái tạp hoá còm thì cổ sẽ rất khó chịu. Còn nếu cổ hiểu đằng sau sự lỳ lợm đó là một tâm lý yếu đuối, một nỗi lo sợ xuyên suốt của người mẹ đơn thân – thì cổ sẽ dễ chịu hơn em nhỉ?
- Đúng rồi. Vậy nên đừng nghĩ việc mình hiểu cho người khác là mình cao thượng. Mình hiểu, mình thông suốt, là cho mình đó. Nếu cái gì cũng thông suốt, hoặc ít nhất là cho mình một điểm dừng trước một cảm xúc khó chịu để hiểu – thì mình sẽ muôn phần tự do và hạnh phúc ❤