Trên blog này mình hiếm khi bàn chuyện thời sự, vì ý kiến của mình hay ngược chiều, rất dễ gây tranh cãi. Mình viết báo thì mạnh mẽ nhưng khi quay về chiếc blog này mình chỉ muốn nói những chuyện nhỏ nhoi, tránh xa thời sự. Nhưng lần này mình phá lệ.
Sáng nay có cô bạn inbox đề nghị mình viết bài về vụ Shark Phú nói với một chị CEO rằng: “anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm, mà đang quan tâm đến mỗi em thôi”. Bà con đang rần rần bàn tán về dấu hiệu “quấy rối tình dục” (QRTD), “nam tính độc hại”, “coi thường phụ nữ” trong lời nói này.
Mình cũng thấy vụ này hổm giờ nhưng không đồng cảm lắm với dư luận. Nếu nói anh shark này “không lịch sự”, “khiếm nhã” thì cũng có thể – tuỳ chuẩn mực lịch sự của mỗi người. Nếu câu nói đó là khiếm nhã, thì cái đáng trách nhất trong vụ này là một đài truyền hình với ê kip biên tập kiểm duyệt hùng hậu đã đưa nội dung đó lên sóng. Khoảnh khắc khiếm nhã của một cá nhân (đang trong vai cá mập mẫu mực) thì không nên xuất hiện trên sóng ở một đất nước vẫn xem đài truyền hình là một chuẩn mực.
Nhưng, nếu nói anh Shark Phú (hay bất kỳ một anh nào khác) nguy hại với phụ nữ, làm giảm giá trị của phụ nữ, cản trở bình đẳng giới, nữ quyền thì mình không đồng ý. Không ai có thể quyết định được giá trị của phụ nữ trừ bản thân họ. Còn người nào buông lời khiếm nhã thì tự nhân cách của họ bị tổn hại thôi.
Vậy rốt cục thì anh shark có QRTD không? Theo mình thì cần nhìn rộng hơn, với nhiều dữ kiện hơn trước khi đưa ra kết luận hay thậm chí là trước khi đề nghị bảo vệ ai đó. Bởi một khi đề nghị bảo vệ một bên, thì cũng đồng nghĩa xem bên còn lại là có nguy cơ gây hại. Cần cẩn thận trước những sự lên tiếng như vậy, bởi nhân cách đàn ông cũng quan trọng không kém quyền của phụ nữ.
Vậy có hay không sự QRTD và làm sao định lượng được nguy cơ QRTD trong một lời nói? Mình nghĩ trước hết các nhà bảo vệ phụ nữ cũng cần công nhận một sự thật rằng mọi mối quan hệ khác giới luôn bị chi phối bởi ít nhất là HAI logic: 1 là logic của giới (trên nguyên tắc là bình đẳng), 2 là logic riêng của mối quan hệ mà đặc biệt là của cuộc nói chuyện cụ thể đó. Dĩ nhiên hai logic này cũng không tách rời, nhưng tuỳ mối quan hệ và tuỳ lúc mà chúng mạnh yếu khác nhau ở từng cuộc trò chuyện.
Có những cuộc trò chuyện bị chi phối mạnh mẽ bởi logic 1. Khả năng này thường diễn ra ở những cuộc trò chuyện nghiêm túc, giữa hai người chưa thân thiết, họ sẽ nói năng chừng mực và bất kỳ một sai sót nào trong từ ngữ cũng có thể được hiểu thành thái độ của họ với đối phương, và bị quy kết vào nhận thức giới.
Ngược lại, rất nhiều cuộc trò chuyện bị chi phối mạnh hơn bởi logic 2. Khi bị logic 2 chi phối, cả hai sẽ không để ý lắm đến những vỏ từ mà tiếp nhận lời nói của nhau bằng cách hiểu riêng đã được hình thành trong những câu nói, trải nghiệm trước đó với nhau. Nói một cách hình ảnh thì trải nghiệm cùng nhau sẽ vô tình gieo những từ ngữ, ý tứ, và mỗi cuộc giao tiếp sau này ta đều “gặt” những ý đó. Những lời nói suồng sã nếu đã gieo trước bằng những trải nghiệm nào đó, thì lúc “gặt”, hai bên sẽ thấy vui vẻ bình thường. Ví dụ chồng mình rất hay gọi mình là “ê con tó” và mình hoan hỉ hiểu từ “con tó” đó theo nghĩa thân thiết, bởi tụi mình đã có nhiều trải nghiệm khiến chữ “con tó” đó trở nên ngọt ngào thân thiết chứ không có ý xúc phạm như nó thường được hiểu.
Và QRTD diễn ra khi một người lạm dụng logic 2. Khi đó, họ sẽ sử dụng những từ ngữ, ẩn ý mà vốn trải nghiệm giữa hai người chưa đủ để làm chúng trở nên trong sáng. Nói cách khác, là hai đứa chưa là gì của nhau mà đã buông lời suồng sã. Chuyện này cũng giống như chồng mình ra đường gọi ai đó là “con tó” thì ảnh sẽ hết đường về với vợ vậy.
Khổ cái là mấy anh nam hay vướng vào QRTD vì tự “gieo” ý trong suy nghĩ, đến khi gặt thì gặt bằng lời nói. Kiểu như đang vào bạn nhậu mà nhìn cô đồng nghiệp mới mặc áo body, nói: “quào, bưởi mà xưa nay tưởng quýt nha” là được xem là QRTD rồi. Còn nếu trước đó hai người đã suồng sã vậy với nhau, đã chọc ghẹo chán chê, đã nói tiếu lâm mặn các kiểu – thì lúc này, chuyện bưởi hay quýt đã trở thành lỗi mối quan hệ, chứ không phải lỗi về giới nữa rồi. Nếu căn cứ vào đó mà quy cho anh kia tội QRTD thì cũng thiếu công bằng, là bỏ sót tội phạm :))) Nhưng mà, dù gì đó cũng là chuyện của hai người, nếu không ai khóc than mà xã hội nhào vô quy tội thì xã hội mới là kẻ quấy rối.
Mình nói dài dòng vậy để phân tích cho một ý rằng: nếu muốn xem xét lời nói của anh shark này, cần phải soi chiếu trong hoàn cảnh giao tiếp trước đó. Có thể cuộc trò chuyện trước đó đã gieo sẵn một ý nào đó tương tự mà tất cả mọi người đều vui vẻ, và diễn biến đó thì không được lên sóng. Đến khi anh shark đó “gặt ý” thì nó trơ trọi trên sóng, khán khả hết hồn, nhưng người trong cuộc thì tỉnh rụi. Nếu vậy, thì nó là lỗi văn hoá, không còn là lỗi của riêng một người đàn ông.
Điều đáng sợ nhất trong các phong trào bênh vực phụ nữ là biến phụ nữ thành nạn nhân, thành đối tượng luôn cần được bảo vệ. Việc cứ mặc định phụ nữ là nạn nhân rồi nhào vô đòi quyền phụ nữ ở mọi tình huống là thiếu công bằng, là can thiệp thô bạo vào diễn biến giao tiếp. Đúng là về thể trạng và định kiến xã hội, PN có những khó khăn riêng để phát triển. Nhưng, trong từng trắc trở (kể cả trắc trở trong giao tiếp với nam giới), họ cần tự vệ, cần chủ động xác định ranh giới trước khi được xã hội nhào vô bảo vệ.
Trong khuôn khổ của một mối quan hệ, phụ nữ cần bình đẳng với nam giới ở chỗ: họ phải thể hiện hết quan điểm và tự vệ hết sức trong logic mà họ đã có với mối quan hệ đó – trước khi kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội. Bởi chính họ mới biết ranh giới, biết mình đang tham gia trò chuyện theo logic nào, đã gieo những gì, và khi vụ gặt có vấn đề thì nên giải quyết ở đâu, chứ không phải cứ nhào vô giải quyết bằng nữ quyền, bình đẳng giới cho mọi trục trặc. Là hỏng.
Chốt lại, là phụ nữ, khi thấy chướng tai gai mắt thì cần lên tiếng, cần khước từ. Không nên để hành vi chòng ghẹo, QRTD ban đầu trở thành “lỗi mối quan hệ” mãi về sau, để sau đó người nam muốn nói quýt bưởi gì mình cũng phải cam. Hãy chủ động đẩy lùi những lời lẽ kiểu vậy bằng cách nhìn thẳng vào mặt tên đồng nghiệp khi hắn nói chuyện xằng bậy. Trong giao tiếp hàng ngày có hẳn một “văn hoá” quấy rối, chị em vẫn sống trong nó, tiếp tay cho nó mà không biết, đến khi có một sự vụ lại góp lời buộc tội đàn ông, vậy là không đủ công bằng.
Thứ hai, những gì vượt khỏi khả năng giải quyết của một người thì mới cần xã hội hỗ trợ. Và việc cần hỗ trợ trước nhất là hỗ trợ chị em nhận thức được sức mạnh trong mình, khả năng tự vệ của mình, để tự vệ ngay từ những lời nói thô thiển đầu tiên. Chứ nếu chỉ nghĩ mình có các hội nhóm và KOLs trên mạng bảo vệ nên cứ thế im ỉm cho đến khi tức nước vỡ bờ rồi mới đi đánh trống kêu oan, thì uổng một mớ đoạn đời rồi.
Cuối cùng, nếu trong mọi chuyện ta chỉ chăm chăm tấn công đàn ông nhân danh bảo vệ phụ nữ như một ám ảnh nữ quyền – thì khi đó, chính ta mới là kẻ coi thường phụ nữ.
mình thấy hầu hết những người nói về vụ này đều không thực sự biết họ đang nói về cái gì. Hoặc là sa vào cố xác định xem lỗi thuộc về ai (vì cái đấy dường như là điều trực quan dễ thấy nhất, hóa ra lại gây tranh cãi nhiều nhất), hoặc cố gắng xác lập một chuẩn mực thông qua sự soi chiếu trên một trường hợp duy nhất, hoặc lấy một trường hợp duy nhất ra để đánh giá một chuẩn mực.
Vụ phốt này là kết quả của một chuỗi lố, mỗi chỗ một ít thành ra nó đi quá xa. Thay vì nói vậy, ông Phú có thể nói rằng anh nhìn em là thấy tin tưởng rồi, anh có thể đầu tư cho em mà không cần nói thêm về mô hình kinh doanh. Bạn CEO kia cũng có thể phản ứng mềm mại mà khéo léo hơn (có thể đã có nhưng đã bị biên tập bỏ đi do yếu tố thời lượng chăng ?) và bằng cách đó, cô ấy sẽ nhận được sự tôn trọng lớn hơn từ công chúng và từ chính nhà đầu tư. Khâu biên tập và duyệt nội dung của Đài thì rõ ràng là dở rồi.
Mình nghĩ là dù đàn ông hay đàn bà hay đàn gà đàn lợn, đừng nghĩ cứ khen là tốt. Của cho không bằng cách cho mà. Có thể vì mình đã có tiền sử làm trong lĩnh vực phụ nữ, nên mình thấy cách ứng xử như vậy, dù là ở chỗ 2 người hay ở chỗ đông người đều là gờn gợn. Gờn gợn không phải vì nó QRTD mà vì nó thể hiện định kiến giới ở trong tiềm thức của cả người nói lẫn người nghe. Định kiến được xây nên bằng cả một quá trình thì sẽ cần cả một quá trình để thay đổi nó. Đôi khi xới xáo lên một chút cũng tốt.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Mình cũng có cảm giác giống vậy, ở cả dư luận và ở câu chuyện cụ thể đó.
ThíchThích