Ngày qua nhà mình · Phụ nữ ơi

AN ỦI

Từng có nhiều lần mình nhận được tin nhắn của bạn bè, nhắc nhở “nhắn tin an ủi B, S đi”. Đó là lúc một người bạn của mình đang có chuyện đau lòng và bạn bè muốn mình góp lời an ủi.

Nhưng có lúc, mình chỉ im lặng.

Có lần, một người anh họ của mình ly hôn, mẹ mình đã sốt ruột nói như trách rằng tại sao mình còn chưa gọi điện an ủi. Hoặc giả có gọi, mình cũng chỉ hỏi thăm rồi im lặng lắng nghe. Đến khi “check” lại, mẹ có thể thất vọng khi biết mình đã không nói câu A, câu B nào đó với người đang đau khổ.

Nơi làm việc của mình những ngày quán xá đóng cửa…

Mỗi lần nghe một chuyện buồn, lòng mình vướng víu rất nhiều về cơn đau người thân đang chịu. Nhưng lại không có sự giục giã phải lập tức gọi điện hỏi han, động viên. Có những người bạn lâm bệnh, mình không vội vã đến thăm. Có lúc, biết chắc chồng đang có chuyện buồn, mình vẫn chỉ im lặng và giữ lấy những chuyện trò thường nhật…

Chúng ta đôi khi rất áp lực chuyện phải lập tức lên tiếng, lập tức góp lời sẻ chia, an ủi khi bạn bè gặp chuyện. Gọi là áp lực, bởi cũng có những tình huống ta không biết phải xuất hiện làm sao, phải nói thế nào, nhưng vẫn phải kịp thời lên tiếng. Thậm chí, nếu lỡ tình huống khó quá mà phải trì hoãn, thì lòng lại dằn vặt, để rồi sau đó dễ bù đắp bằng những cử chỉ vá víu, gượng gạo.

Tất cả, cũng chỉ vì thương nhau.

Thế nhưng, ta có thể nhẹ nhõm hơn nếu lắng nghe cả sự vồn vã lẫn ngập ngừng từ bên trong mình. Khi bạn bị thúc giục, có lẽ là bạn đang cần hành động. Nhưng, những lúc còn ngập ngừng, thì cũng cần ghi nhận rằng bên trong bạn đang đòi hỏi một nhịp dừng. Một trực giác nào đó đang mách bảo bạn rằng cơn đau đó bạn chưa thật hiểu, con người bị thương đó bạn chưa tìm được lối để đến gần. Bạn đang cần tìm cách làm sao để lần chạm mặt ấy không làm người ta đau hơn, không nhắc nhớ thô bạo về cái đả thương vừa mới, thậm chí là không để người ta phải xao nhãng khỏi cơn đau để tiếp nhận một tiếng nói bên ngoài, dù là tiếng nói an ủi.

Chắc bạn cũng từng trải qua những khoảnh khắc chật chội niềm đau, đến mức, muốn nhận lời ủi an là phải tém gọn một mé cơn đau để có chỗ cho một sự lắng nghe. Hay nếu là một bệnh nhân từng lưu viện, hẳn bạn từng hiểu c giục giã phải vào vai “chủ nhà” khi có người đến thăm.

Mà trong cơn đau đó, ta đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng tiếp khách…

Hơn nữa, lời hỏi thăm hay cuộc thăm nom đó làm sao tránh khỏi việc nói về cuộc đau, về tác nhân, quá trình và tình trạng… Mà kẻ mang vết thương đâu chắc đã sẵn sàng nhớ về cuộc sát thương…


Kẻ đau luôn cần một khoảng thời gian để đi vào cơn đau, một mình, chú tâm. Vào đến “nơi” rồi, họ mới thong thả ngồi xuống đón nhận. Điều này, ở một số người còn biểu hiện cực đoan đến mức họ chỉ có thể về nỗi buồn của mình khi nó đã thực sự qua đi, khi họ đã hiểu trọn vẹn để kể về nó như một câu chuyện kể.

Mọi sự cởi mở không đúng lúc đều có thể gây xao nhãng, làm hành trình nhọc nhằn hơn. Mọi sự nâng đỡ không đúng lúc có thể làm cuộc đau trở nên vô ích. Bởi ta đã nhón mất phần đau, và người thì đau chưa đủ để thỉnh được bài học của riêng mình.

Vậy nên, có những lúc ta cần lặng im, đứng xa nhìn lại, hay thậm chí ngoảnh mặt làm ngơ đi, để người thân đi hết đường đau của họ. Đó là cách duy nhất để ta hiện diện bên người: im ắng, rỗng rang và tĩnh lặng…

Trải qua những thăng trầm nhỏ nhoi của đời này, mình cũng từng cảm kích đến tận cùng, với những lời chia sẻ không được nói ra…

3 bình luận về “AN ỦI

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s