
Từ lúc lục đục đóng gói những món đồ hay dùng để chất lên xe, mình đã thấy bà Lài qua đứng ngó chừng. Bà Lài là cô hàng xóm thần thánh đã xuất hiện trong đời mình từ khi mình mới sinh ra. Tất cả những hành lý quan trọng nhất đã xếp gọn từ đêm trước. Nhưng những thứ gói ghém lúc này “rất dễ sót, quên, vô khách sạn không có mà dùng”. Vì vậy, bà Lài qua đứng dòm phụ bà Ba, nhắc tới nhắc lui, rồi cầm hết cái này đến cái kia lên check: “cái ni có đem hân con?”.

Chuyến này, tụi mình tự lái xe vào Sài Gòn với đứa nhỏ 21 tháng tuổi. Chuyến về quê gần một tháng trời đã cho cả nhà quá nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Buổi sáng ra đứng sau cốp xe để kiểm tra hành lý lần nữa, Cà Na cứ nhiệt tình bai bai bà Lài với bà Ngoại, còn ra vẻ bịn rịn. Mặc kệ phụ huynh cứ luôn miệng nói “tháng sau con về nữaaa”
Trên xe là đồ ăn, 2 bộ đồ ngủ, 2 cái khăn, tã sữa cho con, cà phê trái cây cho ba mẹ. “Đủ rồi!”, Tùng nói lên vậy trước khi đóng cửa xe lại đặng bai bai hai bà một cách nghiêm túc. Và 3 đứa lên đường.
Đường cao tốc vào Quảng Ngãi vắng teo. Ngay trạm thu phí vào cao tốc, cô nhân viên hỏi xin cho một người đi nhờ vào Quảng Ngãi. Tùng dòm lại trong xe thấy chỗ ngồi chỉ vừa đủ cho hai mẹ con, còn nhiêu đều đã chất đồ đạc. Mình vội nói với chồng từ chối chị ấy, nói chị thông cảm vì mùa dịch nên cũng hạn chế nhiều…
Từ chối vị đồng hương cuối cùng mình gặp ở đất nhà, núi đồi với ruộng đồng sau đó cũng trở nên mùi mẫn. Cà Na tự chơi với quả bóng nhỏ màu xanh, thử nhét bóng vô hết chỗ này đến chỗ kia, còn nhét vô cái giỏ mây đầy ắp của mẹ rồi tìm cách đậy nắp lại. Còn mình, ngồi bên cửa sổ, nhìn ra những bạt ngàn đồng ruộng kề chân núi. Thỉnh thoảng, bên cánh đồng sát bờ cao tốc, một con đường bê tông len giữa đồng dẫn vào xóm làng nào đó. Giữa đường trơ trọi cái cổng làng màu vàng xưa cũ với dáng nét kinh điển, viết: Làng (gì đó), xã Phú Ninh. Phú Ninh là quê cha của mình, nhưng nó là huyện. Xã Phú Ninh có thật không? Hay mình nhìn nhầm…

Cứ thế mà trôi qua không biết bao nhiêu là trập trùng. Dưng mà nghe chồng hỏi:
- Đừng có đòi về đó nha!
Lão chồng sắm cái kính chiếu hậu trước mặt như thể chỉ để ngó chừng vợ. Không có một vẻ mặt nào của mình phía sau mà qua mắt được lão. Mình hùa theo:
- Ờ, đi hết cao tốc rồi về lại bằng đường đông dân cư á.
Tụi mình quyết vào Sài Gòn sau hơn 20 ngày Duy Xuyên chịu hạn chế vì dịch bệnh. Ngày tụi mình đi cũng là ngày hết hạn chế. Ghé lại quán cà phê quen, thấy mấy đứa nhân viên đã rộn ràng với khách khứa. Hai chục ngày trước đó, ngày nào ghé vào để mua cà phê mang đi, mình cũng như thấy một thước phim quay chậm nơi cái quán vốn vô cùng sinh động, cả chủ lẫn nhân viên đều như đang chờ một cái gì đó… Và sáng hôm qua, đoạn slow motion đó đã được tua nhanh, khí thế vô cùng.
Khi quyết đi bằng ô tô để hạn chế rủi ro dịch bệnh, mình đã sẵn sàng cho một chuyến đi dài. Đây là lần đầu Cà Na đi xa bằng đường bộ nên mọi thứ gần như phụ thuộc vào con. Xuất phát từ 9g sáng, mình book phòng ở Phú Yên, nhưng cũng sẵn lòng dừng ở đâu đó gần hơn nếu con mệt hoặc chán.
11h30, Tùng rời khỏi quốc lộ đoạn cuối Đức Phổ (Quảng Ngãi), vào biển Châu Me để ăn trưa. Bữa trưa này được gợi ý bởi Xuân, nhưng vừa cập bến Châu Me, một ngăn cảm xúc trong mình như vỡ tung theo mớ sóng biển đang đập vào chân núi trước mặt. Đây chính là bãi biển mình từng đến, 4 năm trước, một mình. Hồi đó, mình đi một chuyến công tác dài và gấp, đến Quảng Ngãi để làm ký sự về những ruộng muối đang chết mòn vì hạn. Một chuyến đi cực kỳ lý thú. Mình ở khách sạn một mình, đêm đầu lên cơn sợ người, phải bắt taxi giữa đêm về nhà một anh đồng nghiệp báo địa phương, ngủ với vợ con anh.
Đợt đó anh đồng nghiệp của mình đang nằm viện vì một căn bệnh xương khớp, nhưng đêm hôm phải quán xuyến 3 đầu cầu: mình, tài xế taxi, và vợ anh… để cả ba người xa lạ dìu được nhau qua đêm tối. Mình nhớ, từ khách sạn chạy về nhà anh khá xa, lại phải vào một con hẻm không số vùng nông thôn. Anh taxi dò dẫm đưa mình tới thì đã thấy chị vợ cầm đèn pin đứng chờ trước ngõ. Giữa khoảnh sân tối om, hai chị em thử gọi tên nhau rồi hú hồn thấy đúng người mình đang kiếm. Chị liền dắt mình vào cái giường bên cạnh gian chính của căn nhà ba gian. Đêm vẫn tối kịt và im lìm, nhưng cảm giác ấm cúng làm mình nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Mình ngủ một mạch đến chừng 4g sáng, khi nghe vợ anh lục đục soạn đồ đi ép dầu. Chẳng biết mình còn ngủ hay thức, nhưng trước khi đi, chị cũng chào nhẹ: “Bé ngủ đi, chị đi ép dầu rồi chút nữa chị về mình đi ăn sáng!”.
Mình chỉ ngủ lại nhà chị một đêm đầu tiên. Những ngày sau, vì đã có thời gian chuẩn bị vào ban ngày nên mình cảm giác đỡ sợ, có thể tự tin ngủ một mình ở khách sạn. Và anh taxi đêm đó, cứ đến chiều lại ghé khách sạn chở mình ra biển “ăn đặc sản”. Anh đưa mình đến quán anh quen, một cái quán tạm bợ nhưng có vẻ lâu đời bên bờ biển, dặn mình mấy món “phải ăn”, rồi rời đi. Mình ngồi lại, vừa ăn vừa tám chuyện với chị chủ quán, rồi ngó ra chân núi giữa một bãi biển cong cong. Và nhắn gì đó cho Tùng, cho sếp…
Lúc đó, mình không biết đó là biển Châu Me.

Vậy mà, khi vô tình gặp lại Châu Me, chuyến đi năm ấy chỉ còn hiện ra bởi dư vị buồn. Đó là cái buồn man mác của những ngày một mình khi linh hồn mình chưa đủ trưởng thành cho sự cô độc đó. Dù vui đến mấy, vẫn có một niềm man mác dai dẳng chìm sâu trong lòng. Dù mình không hề hay biết, nhưng khi chạm vào ký ức, nỗi buồn đó lại được kích hoạt trước tiên…
Mình nhắc lại với chồng về chuyến đi cũ. Anh nói anh cũng nhớ về chuyến đi đó, nhưng không biết lần đó em buồn. Mình chợt nói:
– Có khi đến tận lúc này, khi nhớ lại bằng cái nhìn hiện tại thì em mới thấy nó buồn, chứ lúc đó chắc chỉ thấy vuiii…
Vả lại, bãi biển đẹp quá. Ngay đoạn vòng cung có chân núi kia là nơi Xuân từng đứng chụp hình. Một tấm hình đẹp đến nao lòng. Có lẽ cái nao lòng đó đang hiện lên trong mình, chứ không phải chỉ là cảm xúc về chuyến công tác xưa…
Chủ quán mang ra 3 con ghẹ to, chắc nịch, một dĩa ốc gừng, một phần sò lụa hấp và một tô cháo nhum. Tất cả đều tươi ngon. Cà Na đang đi lòng vòng tìm cách làm quen với các bạn trong quán. Có cả thảy 5 bạn, đều đã lớn hơn con vài tuổi. Tụi mình vừa ăn, vừa ngắm con đứng thăm dò rồi làm quen với các bạn. Mình rất thích ngắm con những lần như thế. Chỉ ngắm, không mảy may có ý định giúp đỡ, hay chạy lại xin bọn trẻ cho con chơi chung. Và khi có đủ thời gian, con luôn hòa nhập gọn hơ và dạy cho ba mẹ một bài học về… sự hòa đồng :))) Bọn trẻ luôn bày tỏ như những sinh thể vô ngã tuyệt trần…
Nhưng lần này, Cà Na đã không đủ thời gian để tiếp cận. Mấy em bé bờ biển đã được ba mẹ gọi về ngủ trưa. Khi bữa trưa đã vãn, mình thấy con chạy ra mép quán, nơi gần nhất với bờ biển, để gió thổi tung tóc rồi vung tay hứng biển, vừa vung tay vừa reo: “quoaaaaooo, quoaaaaooo”. Như kiểu từ lúc bước chân xuống xe, đến giờ mình mới thấy bạn đó nha biển, ồ quaooo.
Rời biển Châu Me ngay giờ ngủ trưa của con. Tùng bơm phao ngủ cho hai mẹ con nằm ở ghế sau. Chuyến đi lặng xuống một nốt bình yên thật dài khi nghe con chìm vào giấc ngủ trên ngực mẹ. Mình nằm đó, nói mấy câu chuyện vu vơ với người đàn ông đang ôm vô lăng. Đang vui vẻ thì ông Tùng nói:
– Đây là lần đầu tao thấy vợ tao thức từ Quảng Nam vô tới Bình Định đó mọi người.
Thật, xưa giờ hễ leo lên xe chút xíu là mình ngủ chẳng biết trời trăng. Lần này làm mẹ nên khác 😀


Con ngủ hơn hai tiếng. Qua Phú Yên một đoạn thì con thức. Tụi mình ghé lại resort bên bờ biển Tuy Hòa như dự định. Vừa vào nhận phòng, em Cà đã rón rén chạy ra vừa. Mẹ gật đầu một cái là mấy bước chân nhỏ xíu kia liền chạy nhanh hơn, đi khắp bãi cỏ, cầu tre, vừa đi vừa quaooooo, quaoooo rất nhẹ.
Mình cứ thế đi chầm chậm theo sau. Thầm nghĩ không hiểu sao mình sinh ra cái đứa biết tận hưởng đến thế…
(Mình viết mấy dòng này khi đang rời Tuy Hoà. Còn Cà Na thì vừa đi khỏi resort vừa bye bye từ chú cắt cỏ đến chú công nhân, cô quản lý)