Cánh cửa sau phòng mở ra gian tiểu cảnh có mái tranh, rào trúc, ao sen, có cái bếp gốm bên cạnh một khay trình đủ đầy ly tách, đặt trên chiếc chõng tre, như sẵn sàng cho một tuần trà. Trên tường, vài kệ gỗ dài chưng đầy kín những bộ tách trà xưa cổ. Giáp vòng dưới sàn là chum sành đựng nước mưa giữa mùa dành để pha trà, hứng từ… hai năm trước. Tất cả hình ảnh như chốn ẩn dật của một bậc cao niên bị… “vướng bùa trà” ấy, lại thuộc trú xứ của một người phụ nữ 7X, giữa Sài Gòn.
𝐓𝐫𝐮́ 𝐱𝐮̛́ 𝐜𝐮̉𝐚 𝐭𝐚̂𝐦 𝐡𝐨̂̀𝐧
Nghệ nhân trà Viên Trân đón tôi trước cánh cổng hẹp, giữa buổi chợ chiều đông đúc bên cầu Phú Xuân 2. Theo chân chị, tôi lách vào cổng, con đường nhỏ xíu dẫn vào một khu đất xanh cây, bao quanh một ngôi biệt thự Pháp tịch mặc, cổ kính. Chủ nhà trở ra đóng cổng. Cả khu đất im lìm. Khu chợ trước nhà thoắt như đã vãn. Dẫn đến cánh cửa khép kín ở gian nhà chính, chị khẽ dặn tôi đứng chờ, rồi vòng vào nhà bằng cửa phụ. Tôi đứng trước hàng hiên xưa cũ, tần ngần nhìn qua khoảnh sân thoáng đãng trước hai gian nhà phụ, rồi chọn bước về cánh trái. Chẳng biết là “hưởng ứng” hay “khước từ”, tôi vừa bước xuống bực tam cấp dẫn ra sân, đàn dơi từ đâu đó trên mái nhà đập cánh bay tứ tán, tiếng chíu chít gieo xuống giữa không trung.
“Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay”(*)
Vừa chớm mơ màng thì cánh cửa chính mở ra, tôi thấy Viên Trân đứng đó, cười hiền:
– Ở đây hoài, làm sao dứt khỏi trà được, phải không?
Câu hỏi ấy tưởng chỉ để gợi chuyện, rốt cuộc lại gói ghém mọi cơ duyên của một nữ nghệ nhân bao năm nhặt nhạnh từng mẩu dấu tích rời rạc, mà tìm hiểu, khuếch trương văn hoá Trà Việt.

Được xây từ năm 1927, ngôi nhà cổ nhất nhì Nhà Bè này được thiết kế bởi ông Lâm Ngọc Hườn, ông sơ của Viên Trân – một kiến trúc sư của hoàng gia Cao Miên (cũ) – khi ông đưa người con trai lớn Lâm Ngọc Hiếu về khai hoang, mở làng, lập chợ ở vùng Phú Xuân Hội xưa. Thuở Viên Trân vừa học nói thì ông cố Lâm Ngọc Hiếu đã gần 90 tuổi. Tuổi thơ chị bàng bạc trong bầu khí quyển uy nghiêm xưa cũ, bên cụ cố vừa uyên bác chuyện Đông chuyện Tây, vừa hết mực trân trọng những giá trị cổ truyền của người Việt.
Nhà rộng, cổng cao, tường thành khép kín, mỗi lần có người ra vào, thế giới bên ngoài lại hiện ra trước mắt Viên Trân qua khung cửa hẹp, chóng vánh, xa lạ, rồi vụt khép. Sáng sáng, cô bé Trương Kim Phụng (tên thật của Viên Trân) lại ngồi trước hiên nhà, chờ ông cầm cái ca nước, đi rửa mặt quanh các gốc hoa, rồi quấn lấy ông bên chiếu trà. Rồi giữa lúc kèm cặp cô chắt cố đọc sách, học chữ Nho, hay bàn chuyện làm trà, uống trà, cụ cố thường ngắt đoá hoa đúng mùa bỏ vào bình trà vừa ngấm nước.
Từ việc chọn nước pha trà, chọn từng thời khắc tàn nở khác nhau mà ngắt một đài hoa, như cũng trở thành một loại nghi thức – bởi sự cẩn trọng, nâng niu.

Sống triền miên trong những câu chuyện cầu kỳ, diễm lệ về trà Việt, cũng trong ngôi nhà đó, năm Viên Trân 16 tuổi, ông cố đột ngột qua đời; 32 tuổi, hôn nhân tan vỡ. Hai lần khung trời trống hoác, chị lại lặn vào những buổi chiều ngồi trong căn nhà cổ, uống trà. “Thời gian vẫn chữa lành hết thảy, tôi may mắn là luôn có một ngôi nhà im vắng để trở về.” – Viên Trân nói.
Ngôi nhà yên lặng, bao dung đó, tôi gọi là “trú xứ” của Viên Trân. Còn trà, là “trú xứ” của mọi niềm bi cảm lẫn mỹ cảm dào dạt trong người đàn bà này.
“𝐓𝐫𝐚̀ 𝐭𝐫𝐚̆𝐦 𝐧𝐚̆𝐦 𝐯𝐚̂̃𝐧 𝐭𝐡𝐞̂́/ 𝐁𝐚́𝐭 𝐧𝐠𝐚́𝐭 𝐦𝐮̀𝐢 𝐛𝐞̂̉ 𝐝𝐚̂𝐮”(**)
Chọn con đường kiên – quyết – làm – trà, Viên Trân như đi giữa thế giới của những câu hỏi: Việt Nam có văn hoá trà, có trà đạo không? Người miền Nam xưa có trà sen không?… Khi ấy (và cả bây giờ), Việt Nam không có một tài liệu nào nói về trà Việt. Một vài cuốn sách về trà được xuất bản, lại không nói về văn hoá trà thuần Việt. Trà đạo được truyền dạy ở khắp Sài Gòn lại là trà đạo Nhật Bản. Trà pháp vẫn được trình diễn ở các hội thảo về trà, là của… người Trung Quốc.
Phản đối những ngộ nhận, nhầm lẫm về trà Việt, Viên Trân không ngừng sưu tầm những dấu tích về văn hoá trà rải rác trong các bộ sách xưa. Lương của một cố vấn Văn hoá du lịch tỉnh Đồng Tháp, một giảng viên Văn hoá ẩm thực ở trường ĐH KHXH&NV TP HCM và ĐH Đồng Tháp, chỉ đủ để mua sách quý và… nguyên liệu làm trà. Trong những cuộc nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, văn hoá Nam bộ với Dư địa chí, Gia Định thành thông hội, Đại Nam hội điển sự lệ…, chị nán lại ở những chi tiết hiếm hoi về trà, để xác tín sự hiện diện của một loại hình văn hoá đã quen thuộc với người Việt đến mức… không ai buồn ghi chép lại. Từ những luận cứ ấy, chị tóm gọn câu chuyện dài của trà Việt: ““Đạo” trong trà Việt, là đạo tuỳ nghi – là tuỳ vào hoàn cảnh, mà chọn cách tự tại, tiêu dao, thưởng thức hết chất thanh nhã của chén trà.”

Trăn trở về những nhập nhằng giữa sự vay mượn và những giá trị có thật của trà Việt là điều mà chị – vị Hội trưởng Hội trà Việt Nam không ngừng mang theo trong từng cuộc hội thảo.
Trong một cuộc hội thảo về trà, chứng kiến màn trình diễn Trà pháp với những câu thiệu âm vang lịch sử… Trung Quốc, chị ấm ức nghĩ ra Bộ “Chiến trà Việt Nam”, xung phong trình diễn. Viên Trân vừa thao tác, vừa dõng dạc hô các câu thiệu mang đầy khí phách Việt: “Truyền hịch gần xa/ Đầu quân dưới trướng/ Khích lệ ba quân/Sĩ khí dâng trào/…” giữa dàn trống nhạc giòn giã, cả hội trường phấn khích vỗ tay.
Nói chuyện “sĩ khí” Việt, nhưng người phụ nữ ấy lại bị “bỏ bùa” bởi cái thú tao nhã, cầu kỳ, và rất mực… “đàn bà con gái” của chuyện làm trà.
Ngày trước, ước mơ phục chế trà sen của người miền Nam đã từng dậy lên trong chị qua lời kể của ông cố. Nhưng, chính câu chuyện diễm tuyệt về trà Sen của vua Tự Đức, với hình ảnh sợi tóc của nàng cung nữ buộc giữ nắm trà trong đoá sen giữa trời chiều, mới mê hoặc và dẫn lối, khiến Viên Trân quyết viết tiếp câu chuyện của trà sen miền Nam một thời vang bóng.
Để có được món trà sen miền Nam giới thiệu bao năm nay, chị phải mất một thời gian dài để khám phá ra “luật chơi” vi tế của thức uống kiêu kỳ này. “Sen ướp trà phải được hái một ngày trước khi nở, tiếp tục rộng nước khi về nhà. Việc lấy gạo, làm trà phải tiến hành vào đúng 3g sáng hôm sau, khi hương sen vẫn nguyên vẹn giữa đoá hoa vừa nở”. Vốn là loại trà ướp hương cầu kỳ bậc nhất, mỗi ký trà cần ướp ba đợt với ít nhất 1500 bông, có khi giữa chừng đứt lứa bông sen, vì mưa, hoặc vì hoa ra quá nhỏ, không đủ thơm – thì đành gác lại, chờ lứa khác.
Nghe Viên Trân nói về trà sen, trà hoa mộc, hoa sứ…, mới thấy chén trà xứ mình nặng trĩu cả nhọc nhằn lẫn thanh tao của người phụ nữ Việt bao đời. Đã vậy, có chị, đâu bữa trà nào thiếu những thức thơm thảo, tinh tuý của cây trái Việt như cao ổi, bánh sen tán tự làm. Và luyến lưu trong khói nước giữa cuộc trà, luôn là diệu âm của những lời bình trà chất ngất mỹ cảm. Một lần, kết tuần trà sen để chuyển sang trà hoa mộc, chị vừa nhấp một ngụm, vừa thủng thỉnh: “Trà mộc thanh khiết, dịu dàng. Hương trà thơm như mùi tóc vừa tắm gội và đẹp như mảnh khăn lụa mỏng phất phơ trước gió…”.
“𝐆𝐢𝐨̣𝐧𝐠 𝐭𝐢̀𝐧𝐡” 𝐜𝐮̉𝐚 𝐕𝐢𝐞̂𝐧 𝐓𝐫𝐚̂𝐧
Nhưng, trong tất cả những câu chuyện công phu, thanh nhã, linh hồn của trà Việt lại nằm ở bạn trà, người đối ẩm, kẻ đồng vọng – ở cái “giọng tình” từng thấy trong Kiều: “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”
Cái trà quán Viên Trân mở ra, kiên quyết giữ lấy, rồi mang đi khắp Sài Gòn cũng bởi vì niềm tha thiết ấy. Khởi đầu bằng An Viên trà thất ở địa chỉ 170 Pasteur năm 2002, ngoài việc giới thiệu những món trà Việt Nam thuần khiết, còn gợi ý một lối uống trà đầy tự tại, tiêu dao bằng khung cảnh thanh bình với cầu đá, hoa sen, trà quán của Viên Trân đã… dọn quán đến 3 lần trước khi về Trà Đạo Việt ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Từ trà quán ấy, câu chuyện trà Việt đã nhân rộng bao lần. Ở đó, có giáo sư Trần Văn Khê cứ lặng lẽ ghé đến hàng tháng, rồi trong hàng chục buổi toạ đàm về văn hoá Việt Nam tổ chức cùng chủ nhân trà thất, lại nâng niu từng khoảnh khắc của một cốc trà đầy, luận về từng sợi hương trà thoảng qua. Có nhà văn Nhật Chiêu gật gù tấm tắc với những câu chuyện trà, chuyện lịch sử, rồi thỉnh thoảng góp vào một câu thơ. Có anh bạn trẻ lẳng lặng lên đường rồi bất ngờ mang về tặng chủ nhân một bó lá trà cổ, dài hơn hai gang tay hái ở khu rừng nào đó trên đỉnh Phanxipang. Có cả lời hẹn cùng phục chế món trà lạ của nhà Tây Sơn từ một người bạn trà gốc Bình Định. Thế giới nhỏ bé ấy, cuộc chơi ấy đã bao lần toan dừng lại bởi khoảng cách giữa người làm văn hoá và thói quen uống trà của thị dân, nhưng vì bao cơ duyên, vẫn gượng dậy, đi tiếp.
13 năm làm trà cho Viên Trân những tri âm, những kẻ đồng bệnh kỳ lạ mà mỗi lần nghĩ đến, lại… thầm mừng cho trà Việt. Một trong những lần khó khăn nhất của trà quán, khi tiền mặt bằng mỗi tháng một vượt khỏi doanh thu, chủ nhân đang sửa soạn đóng cửa thì nhận được một cuộc gọi của bạn trà ở tận đất Bắc. Đó là anh Dương Thanh Hà, một người làm kinh doanh yêu trà đến mức bỏ tiền mua một khu rừng ở Hải Dương, thuê nhân công trồng trà rồi quanh năm chỉ cho sấy mười mấy ký, gửi vào cho Viên Trân bán. Lấy cớ muốn giữ lại nơi tiêu thụ trà của mình, anh Hà kiên quyết đòi chia một phần tiền nhà, rồi tình nguyện san sẻ cùng chị gánh nặng ấy từ bấy đến nay. Trong câu chuyện ơn nghĩa đó, họ ngầm quy ước với nhau rằng, bỏ qua lỗ lãi, quán trà luôn cần ở đó, giữa Sài Gòn, chỉ để hiện hữu, và phát toả mà thôi.
Mà, “giọng tình” đáng trân quý nhất, là một dáng hình vẫn lặng lẽ theo chị, làm hết mọi phần nặng nhọc trong mọi cuộc giao lưu, mọi buổi hội thảo. Ở trà thất tại Sài Gòn, hay một gian hàng trà nhỏ nhắn giữa những điểm giao lưu văn hoá, người ta thường thấy người đàn ông say sưa thổi tiêu, bên một Viên Trân đang thảnh thơi gảy đàn nguyệt. Đó là tri kỷ chị may mắn gặp được sau lần đổ vỡ, là “bóng tùng của đời Viên Trân”.

Chị trở về Sài Gòn, cái xứ nhác trông ồn ào, tạp nhạp, chừng như… chẳng liên quan gì đến trà. Nhưng, Sài Gòn là nơi cho chị những buổi chiều tối ngồi sửa soạn bàn trà bên con lộ hoa lệ bậc nhất, đốt nén trầm, chờ đợi tri âm. Những cuộc gặp gỡ ấy, có những người may mắn trưởng thành bên chiếu trà, thơ của cha ông, để có một thời mà nhắc lại. Mà cũng có những “kẻ xa lạ”, như tôi, thậm chí còn lớn lên với trà sữa trân châu, với trà chanh hoá chất vỉa hè. Có điều, câu chuyện về trà luôn có đâu đó trong tiềm thức từng người con Việt, như một kiểu “ký ức tập thể”, ai cũng có phần…
() 𝙏𝙧𝒊́𝙘𝙝 𝙗𝒂̀𝙞 𝙩𝙝𝒐̛ 𝙑𝒂̣𝙣 𝙡𝒚́ 𝙩𝒊̀𝙣𝙝 𝙘𝒖̉𝙖 𝙣𝙝𝒂̀ 𝙩𝙝𝒐̛ 𝙃𝙪𝙮 𝘾𝒂̣̂𝙣 (*) 𝙏𝙝𝒐̛ 𝙑𝙞𝒆̂𝙣 𝙏𝙧𝐚̂𝙣
Xin gửi bài viết cũ vào blog này, ngày nhớ chị ❤