Phụ nữ ơi

“MẬT NGÔN” CỦA ĐÀN BÀ

Tôi có người bạn trai hài hước. Kết hôn muộn, anh cũng kịp yêu… năm, bảy cô, làm “anh kết nghĩa” với năm, bảy cô nữa trước khi có vợ. Tình trường vào loại “không phải dạng vừa”, thăng trầm, điêu đứng vào phụ nữ không ít phen, nhưng đến lúc “rửa tay gác kiếm”, anh chỉ đúc kết chắc nịch: “Phụ nữ trên đời chắc có vài tỷ mô típ, nhưng lại có chung một “căn bệnh” kinh điển là… có vấn đề với nghĩa của từ”.

Anh đến nhà rước nàng vào buổi sáng hẹn hò. Nàng xuất hiện trước cửa với gương mặt nhăn nhở, đầu bù tóc rối “gắn” trên bộ đồ ngủ, kỳ kèo: “Anh lên phòng chờ em chút!”. Vừa nối gót vào đến phòng, anh đã thấy nàng vò đầu bứt tóc trước những cánh cửa tủ mở toang: “Em không có đồ mặc!”.

Trước mặt, chiếc tủ rộng hơn 2 mét treo chật kín quần áo. Cả một ngăn xếp bên trên đựng những chiếc áo đầm còn gắn mác. Riêng “hạng mục” chưa – mặc – lần – nào đã chia làm mấy ngăn, nào áo, nào quần, nào váy. Để hỗ trợ tinh thần người yêu, anh nhiệt tình tiến đến trước chiếc tủ, nhưng chỉ nhìn hai lượt khắp chỗ vải vóc đủ màu ấy, anh đã… tẩu hoả. Chữ “không” còn có nghĩa khác trong trường hợp này chăng?

Qua chuyện ấy, anh đã liều minh đúc kết: “cảm thức về cái nghèo” như đã trở thành một nỗi ám thị với đàn bà khắp xứ, thể hiện rõ nhất ở trang phục. Lúc nào nàng cũng thấy mình thiếu quần áo. Càng “thiếu” càng mua. Mà càng những lúc có nhiều quần áo mới, nàng càng cảm thấy mình… chẳng có gì để mặc. Nhưng, cuộc đời lập tức “dạy” anh rằng, vấn đề chẳng phải ở quần áo.

Cô tác giả ở gần một trung tâm thương mại nào đó

Đưa nhau đi ăn sáng, anh lướt qua con phố ăn uống quen thuộc với các loại hủ tíu, phở, bún…; nồng nhiệt mời mọc: “Em thích ăn gì thì anh sẽ ghé lại chỗ đó nhé!”. Nàng hồ hởi: “Quán nào cũng được anh ạ! Thời tiết này ăn món gì cũng ngon!”. Sẵn một quán bún bò Huế bên tay phải, anh vừa hạ tốc độ, vừa tiếp tục câu chuyện: “Bún bò nhé!”. Nàng cuống quýt: “Món khác đi anh, gì cũng được, trừ bún bò”. Bắt đầu thấy… hơi lạ lạ, anh nhìn sang bên kia đường: “Bánh cuốn nóng?”. “Em vừa ăn bánh cuốn hôm qua”, nàng từ chối. “Phở?”. “Món phở hơi nặng nề với em lúc này”. Anh sốt ruột: “Hay là em ráng nghĩ thử em thích ăn gì đi!”. Nàng tiếp tục… dễ tính: “Giờ em ăn món gì cũng được!”. Anh hoang mang tột độ. Rồi sau một hồi “trừ” món này, “trừ” món kia, “cặp đôi dễ tính” cũng xác định được món cơm tấm là có thể chấp nhận được.

Rắc rối trên đây có thể nói là… nỗi khổ thường nhật với đàn ông. Mà với kinh nghiệm mười mấy năm luyện phim khắp Đông Tây kim cổ, tôi có thể khẳng định, đó còn là rắc rối mang tính quốc tế. Mà, nếu anh chàng ưa lý luận nào đó vội vàng kết luận “phụ nữ ưa khái quát hoá, ưa đi từ cái bao quát đến cái cụ thể, từ… ‘gì cũng được’ đến ‘cái duy nhất được’”; thì anh ta sẽ lại lập tức… sai bét.

Trong một chuyến công tác, đến công đoạn mua quà cho người vợ, anh lướt qua hàng khăn, quyết chọn một chiếc thật hạp để làm quà cho nàng. Lựa tới lựa lui vẫn thấy không ổn, anh nảy ra một sáng kiến, chụp cả hàng khăn, gửi ảnh về để nàng chọn giúp. Sau một hồi phỏng vấn người mua hàng để có đủ thông tin, nàng quyết: “Anh xem chọn giữa chiếc màu hồng với màu tím nhé, em thích hai màu đó”. Được lời như cởi tấm lòng, anh chọn bừa chiếc màu tím. Đằng nào thì với anh, màu nào cũng đẹp, lại còn được nàng chỉ dẫn cụ thể đến thế.

Thế mà, cô vợ nhận quà lại chẳng hào hứng như anh tưởng. Gượng gạo cười cười, nói mấy chữ cảm ơn chồng xong, nàng như chẳng giấu nổi ấm ức: “Thế còn chiếc khăn màu hồng, nó không đẹp như trong hình hả anh?”. Anh hồn nhiên: “Nó đẹp chứ!”. Nàng chẳng cố gắng nữa, mặt buồn xo: “Vậy anh không thích nó hả?”. Lúc này anh chợt vỡ lẽ, lòng ngùn ngụt tự trách mình trong thời khắc quyết định ấy, đã ngờ nghệch không hiểu nàng cần “cả hồng lẫn tím”.

Vào trung tâm thương mại, sẵn đang trò chuyện về nhan sắc phụ nữ, hai vợ chồng bắt đầu lấy ví dụ từ bất kỳ cô gái nào đi ngang mình. Trung tâm ngày cuối tuần dập dìu khách. Cô nào cũng chỉn chu, xinh xắn. Câu chuyện nhan sắc đã kết thúc. Sau khi đi chung thang máy với một cô gái trẻ đẹp, vợ quay sang hỏi chồng: “Anh thấy cô gái lúc nãy có xinh không?”. Vừa đúng sở trường, anh chồng thật thà gật đầu. Rồi chỉ vài câu hỏi của vợ, anh bắt đầu huyên thuyên về vóc dáng, da dẻ, nét mặt của người “bạn đường” chớp nhoáng mà… oan nghiệt. Nghe xong, vợ im re.

Trên đoạn đường về đầy im lặng, thỉnh thoảng, vợ lại tự trào mấy câu: “Nếu mà em không sinh hai đứa nó, dễ bây giờ em cũng chưa tới năm mươi ký đâu ha?”. Vừa đối phó với cái “nếu mà” không có thật trong cả quá khứ lẫn hiện tại ấy, anh lại nghe vợ tiếp: “Hoặc nếu em chỉ sinh con Ni rồi ngưng, đừng sinh thêm thằng Tý; chắc em không rạn da dữ vậy đâu?”. Lòng tràn đầy ân hận vì phút nông nổi cách đó chưa xa, anh chống chế mấy câu về “vẻ đẹp trong sự gắn bó, thân thuộc, trong sự đồng hành”, ý muốn nói đến nhan sắc vô giá của người phụ nữ đang ở cạnh mình. Chị lập tức ngửa bài: “Thế rồi anh vẫn thấy những cô gái trẻ thon thả, tươi tắn, mịn màng ngoài kia mới là xinh đẹp đó!”.

Thật rõ ràng! Vậy ra câu hỏi vừa rồi chẳng phải để hỏi về nhan sắc của một cô gái chỉ lướt qua mắt hai vợ chồng trong vài phút, dù trong câu chữ mười mươi là vậy. Rồi thì, bất kể là nói về nhan sắc của đồng nghiệp, bạn học, hay minh tinh; anh cũng không được phép… trả lời đúng trọng tâm nữa. Mà… trọng tâm thật sự ở đâu thì chắc có trời mới biết!

Những mẩu chuyện ấy chẳng của riêng ai. Ngay cả việc đặt tên riêng cho mỗi “chàng” và “nàng” trên kia cũng có thể là một sự bất công với… các nạn nhân khác tên còn lại. Chuyện “mật ngôn của đàn bà” còn lắm tầng cao siêu, nhưng chỉ riêng ở mức độ giao tiếp thông thường, với những trao đổi cơ bản, phe không – phải – đàn – bà đã đủ điêu đứng. Thà lâm nguy trong đang nói chuyện triết học, đằng này, ngay cả chuyện có – không, đẹp – xấu, hoặc “trắc nghiệm” đơn giản chọn một trong vòng 10 món ăn mỗi sáng, cũng kiểu… hỏi xoáy đáp xoay; thì quả là… hết đường sống.

Có anh vừa vượt “ải tử” đã phải kêu ca, chỉ thiếu nước ngửa cổ lên trời mà nói: “Thà nàng dùng ngoại ngữ thì còn biết đường mà tra từ điển, đằng này…”. Đã vậy, lắm nàng xem việc “đánh tráo ngữ nghĩa” như chuyện đương nhiên, rồi quy tội đối phương khô khan, không tâm lý, hay tệ hơn là… thiếu thiện chí. Đáng yêu, hấp dẫn; hay phiền phức, mệt mỏi từ một người phụ nữ hầu như cũng xoay quanh điểm này, nhất là khi đàn ông trên thế giới cũng có… vài tỷ loại, với những trí thông minh khác nhau. Thôi thì, mỗi loại ngôn ngữ trên thế giới này đều có chừng vài chục đến vài trăm cuốn từ điển. Nhân loại đã cất công đến thế với việc giải nghĩa từng từ ngữ, chị em cũng nên lưu ý giùm!

4 bình luận về ““MẬT NGÔN” CỦA ĐÀN BÀ

  1. anh giai trong bài tình trường không mỏng nhưng mà vẫn hơi gà. Ví dụ như với cái vụ hồng hay tím, một khi đã hỏi và đã nhận được câu trả lời như thế rồi thì nên mua cả 2 cái. Lúc về tặng một cái thôi, có lẽ là cái hồng, còn cái còn lại giấu vào chỗ nào đấy mà chị gái thường xuyên động đến mà không nghĩ đến ấy, để chị gái tự tìm thấy. Cẩn thận thì gói bọc đàng hoàng lại chứ không lại trông như cái nùi giẻ. Và viết sẵn cái thiếp để vào để không bị hiểu nhầm là anh giai giấu đi còn tặng đứa khác. Rồi đợi chị gái ngúng nguẩy vì mua mỗi 1 cái khăn chứ không phải 2 cái, người gì mà khô khan thiếu tinh tế thì tìm cách dẫn dụ để chị gái tự tìm ra chiếc đã giấu. Chứ mua một lúc 2 cái xong về đưa cùng lúc thì chị gái cũng sẽ chẳng hài lòng đâu.

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s