Những cuộc tình trong đời · Rong chơi

CHUYỆN TÌNH BHUTAN (P5)

Nơi Minh đang có mặt là một không gian đậm đặc sự giao thoa lối sống giữa Bhutan với thế giới. Nó tách biệt hoàn toàn với không khí cư dân xung quanh, giống một điều gì đó bên lề xã hội. Và cũng không giống mấy với chính nó ở những đất nước khác, kể cả Việt Nam.

Quán bia, nhạc giải trí, đèn mờ là những điều vừa bước vào đất nước này chỉ chừng 10 năm. Và mọi thứ chỉ dừng ở mức độ… sơ khai. Không gian đơn sơ. Tiện nghi đơn giản. Chỉ có sự tận hưởng của con người là thực sự đầy đặn. Ngồi đó, Minh không thấy mình bị đào thải với những gì nhìn thấy bằng mắt, với những bố trí không đủ chỉn chu và có phần nửa mùa so với thẩm mỹ của cô… Ngược lại, Minh miên man trong không khí dễ chịu và trạng thái thăng hoa, sự giải phóng cơ thể đầy hồn nhiên và vui vẻ tột bực của những người xung quanh.

Cuộc vui tưởng chừng bất tận. Những cô gái nhảy ăn mặc kín đáo với bộ Kira – quốc phục dành cho phụ nữ của Bhutan và chơi hết mình. Những vị khách lần lượt chiếm sân khấu với những điệu nhảy làm kích hoạt mọi cơ thể đang tồn tại ở đó. Đến đúng 12g đêm, khi cảnh sát xuất hiện và đề nghị giải tán theo giờ giới nghiêm, cuộc chơi mới kết thúc.

Sáng hôm sau, đoàn của Minh đến đèo Dochula của thủ đô Thimphu. Minh đã chờ đợi chuyến đi này ngay từ ngày đầu có ý định đến Bhutan. Ở đó, đoàn sẽ dừng chân ở một cổng trời với độ cao tuyệt vời để ngắm dãy Himalaya – cái tên đã giữ lấy của Minh quá nhiều câu chuyện thần thoại và cả những giai thoại khoa học, hư hư thực thực.

Chiếc xe phải vượt qua đoạn đường dài 4-5 giờ đồng hồ mới đến lưng đèo Dochula. Vừa bước chân xuống, Minh đã nghe hơi ẩm táp vào mặt. Cái lạnh xộc đến cùng sương gió mịt mù. Minh không thấy cái gì cao và sâu hơn nữa. Chỉ toàn sương và sương. Nhiệt độ không quá thấp, nhưng có lẽ hiệu ứng thị giác khiến Minh lạnh buốt. Cô biết mọi hình dung về dãy Himalaya đã dừng lại trong tưởng tượng. Mọi người trong đoàn háo hức tản ra, đến thăm và check in ở một đài tưởng niệm nổi tiếng gần đó.

Minh đi lang thang trong sương mù. Đó là một trải nghiệm đặc biệt, khi biết chắc mình đang bước đi giữa nơi đông người nhưng thực tế lại mịt mờ như đang lạc vào cõi khác. Quẩn quanh một hồi, Minh nhìn thấy một quán cà phê ngay bên lưng núi. Cô rẽ ngay vào đó để trốn lạnh và tìm một tách cà phê nóng.

Nằm ở bìa trái của khu cổng trời, quán khá rộng với tông màu trầm ấm. Bàn ghế và nội thất đều bằng gỗ, phết màu nâu trầm, và trên tường là những tấm hình trang trí đầy màu sắc Bhutan. Minh chọn ngồi ở khu phòng kín, với những bức tường kính nhìn ra biển sương mà có lẽ ngày thường là thung lũng. Bên ngoài quán được bố trí vài bộ bàn để hành khách có thể nghỉ chân tuỳ ý. Nhưng vì đó là một khoảng hiên khá rộng ngay bên vách núi, nên nếu bất cẩn, người ta có thể trượt chân xuống vùng mịt mờ sâu hoắm…

  • Em đang nghĩ về Yeti à?

Là Sonam. Có lẽ anh đã xong phần việc tại cổng trời và các thành viên khác của đoàn đang đi chơi tự do. Anh làm Minh bật cười, vì lúc đó cô đang bị khung cảnh trầm ấm xung quanh làm liên tưởng đến một quán cà phê có tên là Trầm ở Phú Nhuận, Sài Gòn.

  • Ồ, anh cũng quan tâm Yeti à? – giọng Minh bất ngờ như vừa sực nhớ ra điều gì đó
  • Đó chắc là người quen chung duy nhất và lâu năm nhất giữa chúng ta – Sonam nói. Lần đầu tiên Minh thấy anh nói đùa với một vẻ hợm hĩnh buồn cười như thế.
  • Mà ngay cả với Yeti, anh cũng may mắn hơn em. Rốt cục nó cứu người hay ăn thịt người nhỉ? Mỗi câu chuyện cổ em đọc lại xây dựng một Yeti thật khác. Em từng ước giá mà em là cư dân của một ngôi làng nào đó ở bên dãy Himalaya này chỉ để biết được rốt cục người ở đây đang nói gì về nó…

Sonam cười lớn. Anh dường như quá ngỡ ngàng về sự phấn khích pha nét hờn dỗi của Minh. Minh… dỗi thật. Không phải dỗi Sonam, mà ấm ức vì sự cách trở của mình. Cô đã nghe huyền thoại về Yeti từ tấm bé, rồi lớn lên vẫn thấp thỏm và háo hức vô cùng với những lần giới khoa học “tìm thấy dấu chân/ADN của Yeti ở Himalaya”. Nền khoa học phương Tây cũng đầy hiếu kỳ với Yeti. Từ huyền thoại của các dân tộc sống gần dãy Himalaya, người ta tin rằng có một loài vật như thế thực sự đang tồn tại và có thể đang tiến đến bờ tuyệt chủng. Nó thuộc loài linh trưởng, ưu việt hơn vượn nhưng chưa tiến hoá bằng con người. Đã có rất nhiều bằng chứng lẫn những dấu hiệu hư hư thực thực về sự tồn tại Yeti. Cái tên huyền thoại này có hẳn một lược sử, ghi lại từng cột mốc về sự xuất hiện của nó trong khoa học: từ những lần nó được tìm thấy, được bắt gặp, và cả những lời phủ định sau đó về sự tồn tại của nó. Cuối cùng, Yeti tồn tại hay không tồn tại – Minh vẫn trôi dạt qua hai bờ huyền thoại – khoa học trong suốt quá trình dõi theo nó. Và ngay cả việc tiếp cận hình mẫu nguyên thuỷ của nó trong huyền thoại các dân tộc bản địa cũng là một điều nhọc nhằn khi các câu chuyện cổ mà Minh tiếp cận được mỗi lúc mỗi xây dựng nó theo chiều hướng khác. Nó không hề giống kiểu “con thỏ thì đi nhanh, con rùa thì đi chậm” rất nhất quán trong truyện cổ nước cô.

Trong khi đó, Sonam thì được lớn lên ở đây, được thuộc về chuỗi truyền miệng của huyền thoại kinh điển này. Minh chợt không hiểu nổi tại sao mình luôn là kẻ ngoài cuộc trong khi những người bình thản và tự tại thế kia lại được sống trong chúng – những điều hay ho ấy.

Sonam vịn vào một tay ghế của Minh, như thể anh đang giữ Minh lại ở một khoảng cách chính xác nhất để anh nhìn mặt cô được rõ nhất. Anh bật cười lần nữa, nói:

⁃ Chuyện đó quan trọng với em thật à?

Minh gật. Trong cái gật đầu của cô, “chuyện đó” là tất cả mọi chuyện, tất cả mọi sự may mắn đang có ở riêng nơi này, chứ không riêng câu chuyện về một loài linh trưởng hư ảo. Thực ra, trước khi Sonam xuất hiện, Minh không hề nghĩ về Yeti. Lúc đó cô đang chìm vào không khí của một quán cà phê có view nhìn về Himalaya, cô ghì tưởng tượng đó vào tâm trí để nhìn biển sương kia bằng cái nhìn của một kẻ đã háo hức đến ngắm dãy núi vi diệu bậc nhất thế giới này. Cô đã nhớ đến Trầm, một quán cà phê cô từng đến năm, bảy lần với người yêu cũ, và ghé lại đôi ba lần với đứa bạn thân nhất. Ở đó, họ chỉ ngồi yên, thỉnh thoảng nói một câu chuyện vô thưởng vô phạt. Đến khi nhớ lại rằng mình đang ngồi ở đây, vào lúc này, Minh lại trôi vào một phát hiện khá thú vị. Cảnh quan, nhà cửa, màu sắc của Bhutan đều có gì đó rất phương đông, nhưng tinh thần toả ra từ con người lại rất Tây. Nhẹ nhõm nhưng chú tâm, và cung cách phục vụ lại cực kỳ chuyên nghiệp. Họ cởi mở vừa đủ, kết nối vừa đủ, nhưng lại tạo cảm giác có thể trao đi vô tận những ân cần…

  • Vậy em có thể may mắn ngay lúc này mà. Trước mặt em là một người Bhutan đấy, em biết gì về Yeti nào? Anh sẽ “Bhutan hoá” những huyền thoại đó rồi gửi lại cho em! – Sonam hào hứng
  • Nhiều lắm, toàn là những mô tả rời rạc em đã đọc ở nơi này nơi kia. Có vẻ như những người dân sống dọc Himalaya ở đâu đó Nepal, Tây Tạng và cả Bhutan đã từng thấy nhiều dấu chân khổng lồ trên tuyết. Cũng có một vài người nào đó trong các khu làng biệt lập đã chạm trán Yeti khi đi lấy củi trong rừng sâu, ở những vùng tuyết trắng hoang vu. Nó cao lớn, người phủ đầy một lớp lông dày và dài, bước đi thẳng. Nó không biết ngoái nhìn, chỉ lừng lững đi thẳng về phía trước. Em rất thích đọc truyện phiêu lưu nên rất hay gặp nó, hễ nơi nào có một khu rừng giá lạnh thì nơi đó sẽ xuất hiện Yeti. Trong ký ức của em luôn có một con vật cao tầm 2 mét rưỡi, người trắng muốt một lớp lông dày và hay cứu những đứa trẻ lạc trong rừng, mang nó ra đặt ở bìa rừng. Nhưng ngược lại, những câu chuyện đậm màu sắc Himalaya hơn thì lại nhắc về Yeti đầy sợ hãi. Có người từng được cho rằng đã bị Yeti ăn thịt. Nên những câu chuyện cổ có vẻ như đến từ Bhutan, luôn kể về người phát hiện dấu chân Yeti với những miêu tả đầy sợ hãi. Các câu chuyện truyền miệng của các nhà sư Phật giáo Tây Tạng cũng kể về một con thú có hình dạng như Yeti, đi lang thang trong hình dáng của một người đàn ông cao lớn, vừa đi vừa giết gia súc và tạo ra những âm thanh rùng rợn như những tiếng huýt sáo vít vào gió rừng…
  • Ồ – Sonam có vẻ ngạc nhiên
  • Mới đây thôi, vào những năm 2010, vẫn còn những đoàn thám hiểm Himalaya để tìm kiếm Yeti. Và có những người rất hiện đại kể về việc họ đã tìm thấy hoá thạch, hoặc lông, hoặc dấu chân của nó. Khoảng 2013, em nhớ, vì lúc đó em đang chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ 22 của mình thì được đứa bạn thân gửi cho một bài báo nước ngoài. Trong đó, giới khoa học khẳng định người tuyết Yeti là có thật, là một loài người lai. Nó là kết quả lai giữa một cá thể nữ của loài người Homo sapien và một loài linh trưởng. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những chuyện kể từ đất nước của anh. Người ta kể rằng nhà truyền thống của người Bhutan luôn làm những ô cửa ra vào có trần rất thấp, nhưng ngưỡng cửa lại cao. Kể cả người thấp nhất bước vào nhà cũng phải cúi đầu thấp xuống và nhấc chân lên rất cao. Họ làm vậy để ngăn Yeti vào nhà. Yeti của người Bhutan là loài cao lớn không biết cúi đầu, cũng không thể nhấc cao đôi chân của mình.
  • Ồ, em biết về Yeti nhiều ngang ngửa Kunzang Choden đấy! – Sonam bật ra lời khen
  • Kungzang Choden? Lại một người quen chung nào đó của chúng ta à? – Minh ngơ ngác
  • Ôi không – Sonam bật cười lớn – Có thể là không đâu. Đó là một nữ tác giả người Bhutan đã có hẳn một cuốn sách có tên “Chuyện kể về Yeti của người Bhutan”. Cô ấy đã đi gặp những người lớn tuổi ở những khu địa phương hẻo lánh dọc Himalaya, nơi sinh ra nhân vật huyền thoại có sức khuynh đảo cả giới khoa học này để chép lại những câu chuyện về nó.
  • Ồ, sao em không biết cuốn sách này nhỉ?
  • Anh không chắc là nó có nổi tiếng ra ngoài Bhutan không. Nhưng nếu em có ký ức sâu đậm về những Người Tuyết hay cứu trẻ em ra khỏi rừng già, thì em hãy giữ lấy nó. Yeti đâu cần phải ăn thịt người. Còn với ký ức của một đứa trẻ Bhutan, anh có nghe nói về một vị vua đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm đi tìm kiếm Người Tuyết. Trong chuyện kể này, người ta có thuật lại lời nhà vua căn dặn binh lính là nếu chạm mặt Người Tuyết, hãy cúi xuống thật thấp để tránh tầm nhìn của nó. Có vẻ dân gian Bhutan khá nhất quán trong việc mô tả một hình dáng cao lớn lừng lững, sức mạnh đáng sợ, nhưng lại khá thiếu linh hoạt.
  • Em cũng có nghe chuyện này – Minh vẫn chăm chú
  • Anh đồ rằng em không có gì phải ganh tỵ với người Bhutan đâu, em rất Bhutan! – Sonam bật cười, rồi tiếp tục kể tiếp với giọng điềm tĩnh – Yeti mà em nói, người Bhutan gọi là Migoi. Nó dường như xuất hiện trong hầu hết truyền thuyết Bhutan, theo anh là ít nhất 50% truyền thuyết Bhutan có một nhân vật là Migoi. Cũng giống như em, tuổi thơ anh cũng có một con vật cao lớn, đi giật lùi, lặng lẽ nhưng cực kỳ thông minh. Và quan trọng là, cách đây chừng 20 năm, chính phủ Bhutan đã thành lập một khu bảo tồn rộng hơn 250 dặm vuông để bảo vệ Migoi.
  • Bảo tồn? Tức là nó phải có thật? – Minh thốt lên
  • Ít nhất là có thật với người Bhutan – Sonam từ tốn – Anh không biết những người Bhutan khác nghĩ gì, nhưng anh đồng cảm với ý tưởng rằng bất kỳ điều gì có thể đang tồn tại trong rừng đều đủ quý giá để bảo vệ. Nhưng qủa thật động thái bảo tồn này cũng nói lên khá nhiều điều về cách mà chính phủ và người dân Bhutan tin về Migoi. Có vẻ như nó là một sinh vật có thật …

Câu chuyện về Migoi – Yeti chỉ dừng lại khi Sonam nhận ra đã đến giờ quay về thành phố. Minh lững thững bước ra khỏi quán sau khi chủ động tạm biệt để Sonam đi nhanh hơn ra xe. Minh nhớ Sài Gòn, lần đầu tiên nỗi nhớ về thế giới bên ngoài Bhutan trở nên hiu hắt đến thế. Minh biết mình sẽ không còn có thể trở về như cái cách mình đã ra đi. Cô chợt chạnh lòng khi nghĩ đến thế giới con người ngoài kia với một niềm thương xót mãnh liệt. Những con người cũng chỉ biết đi thẳng, không nhấc chân cao, cũng không cúi gập người để nhìn thấy gì khác ngoài tầm nhìn cố định đã đóng khung tự bao đời…

  • Minh, tối nay hãy thật xinh đẹp khi lên đồi nhé!

Một hướng dẫn viên khá thân với Sonam vừa ới gọi Minh. Dường như đã có một kế hoạch về buổi đêm trên đồi núi nào đó mà Minh chưa được biết…

(Còn nữa)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s