Những cuộc tình trong đời · Rong chơi

CHUYỆN TÌNH BHUTAN (P6)

Chàng hướng dẫn viên vừa gọi Minh là Samten, người mà cả đoàn du khách đều gọi vui là “bạn thân của Minh”. Quen nhau sau lần đi quán bar, Samten thể hiện sự thân thiết với Minh suốt hành trình sau đó. Hễ đang lảng vảng rảnh việc mà thấy Minh, cậu chàng lại chạy đến lả lướt làm hề, ghép đôi Minh với Sonam. Nghe Samten nói về việc lên đồi, Minh tỏ ra… đề phòng. Rồi cô nhanh chóng lấy lại thế chủ động:

  • Tụi mình đi với nhau nhé? Minh đưa đi!

Samten bị bất ngờ nên bật cười lớn. Từ đám đông gần cửa xe, Minh thấy Sonam cũng đang cười với vẻ mặt rất khoái. Anh vẫn không bỏ qua một chi tiết nào của Minh dù đang tập trung hỗ trợ các du khách lớn tuổi.

Từ đèo Dochula về đến khách sạn, chuyến xe như ôn lại giúp Minh những hình ảnh đã khiến cô mê mệt của đất nước này. Sườn núi loáng thoáng những ngôi làng nhỏ, nhà cửa nhỏ nhắn làm bằng gỗ. Thỉnh thoảng, khi khung cảnh thanh bình và êm ả đó đã trôi qua rồi lặp lại quá nhiều lần, Minh lại cảm giác như mình sẽ gặp một nhân vật cổ trang nào đó bước ra từ một con dốc men xuống sườn đồi. Đáp lại Minh, đồi núi thỉnh thoảng lại hiện ra một cô sơn nữ nền nã trong bộ quốc phục Kira, thong thả bước đi. Ở đây, rau củ ngàn đời vẫn được trồng theo phương thức hữu cơ, lại không được giết mổ động vật, chặt một cây rừng phải trồng lại 3 cây, mọi thứ cứ tự nhiên sinh sôi và đầy lên như thế. Con người đâu phải làm gì giục giã để có được nhiều hơn. Bhutan không chấp nhận công dân đến từ nước khác. Người đến Bhutan phải có lời mời từ chính phủ hoặc người dân trong nước, với visa tối đa 90 ngày. Với khách du lịch, đất nước này quy định mỗi du khách phải chi tiêu tối thiểu 250USD/ngày. Bhutan kiên trì theo đuổi tiêu chí du lịch với dịch vụ tối ưu và ảnh hưởng tối thiểu đến sự sống bản địa. Khi Minh sắp trôi vào cảm giác ghen tị quen thuộc, thì Sonam nhắn:

  • Samten nói chưa rõ lắm phải không? Tối nay, anh mời em lên một đỉnh đồi rất đẹp để nhìn Bhutan về đêm. Hi vọng anh đúng khi tin rằng em sẽ rất thích trải nghiệm đó.

Minh vô thức mỉm cười. Sonam luôn vậy. Mỗi lần đề nghị một điều gì đó hơi đường đột, anh lại dùng format tin nhắn chỉn chu đó.

  • Dĩ nhiên rồi, em sẽ là một du khách thiện chí. Cám ơn anh!

Minh rất thích ngắm nhìn Sonam khi anh làm việc. Đi cùng nhau một chuyến du lịch như vậy có lẽ là một cơ hội tuyệt vời nhất để tiếp cận phiên bản đáng yêu nhất của Sonam. Anh giỏi nghề. Rất nhiều anh chị có kinh nghiệm du lịch trong đoàn gật gù khen ngợi khi nhắc về anh. Ở Sonam có một con người Bhutan điển hình khiến Minh ngưỡng mộ. Một người rất bản địa, rất hiểu và yêu văn hoá, vùng đất và đất nước mình. Nhưng ngược lại cũng đầy cởi mở, phóng khoáng, hiện đại. Ở Sonam có một chuyến du hành vào chiều sâu của Bhutan. Đó là một chiều kích khác để đi vào một nền văn hoá – khác với chiều kích thông thường của không gian và thời gian – một điều mà chỉ khi tiếp cận anh thật gần, trò chuyện thật sâu người ta mới có cơ hội chạm đến. Minh tin, trải nghiệm Bhutan lần này trong cô phần lớn đến từ con đường này, “con đường Sonam”.

Tối hôm đó họ hẹn nhau lúc 21g ở sảnh khách sạn. Là Minh chủ động hẹn tại sảnh. Minh muốn Sonam đứng ở một không gian rộng như thế, để khi bước xuống, cô có một tầm nhìn đủ xa để thấy anh trước khi bước lại gần bên anh.

Minh không biết rằng, chính việc thấy nhau ở một khoảng cách xa như vậy cũng khiến Sonam ngơ ngác khi Minh vừa xuất hiện vào đêm hôm đó. Minh mặc một chiếc áo cổ lọ dài tay, ôm sát phần thân trên mảnh mai, kèm một chiếc váy jean dài. Chân mang đôi giày oxford quen thuộc. Mái tóc ngày thường hay xoã bồng bềnh với những lọn xoăn nhỏ xíu ôm lấy khuôn mặt, hoặc buộc lên gọn gàng, nhưng hôm nay được búi hờ hững, để rơi những sợi tơ thấp thoáng. Minh đẹp như một quý cô. Một phiên bản trẻ trung nhưng cũng có gì đó u huyền – một nỗi u huyền hiện đại. Khi người đối diện vừa thoáng cảm giác xa vời trước vẻ nền nã có phần đài cát đó, Minh đã kịp nở một nụ cười rạng rỡ.

  • Samten bỏ rơi tụi mình rồi à? – Minh hỏi, giọng vui vẻ như đoạn hội thoại hài hước ban chiều vẫn đang tiếp diễn.
  • Đâu dễ thế, hắn đang chờ em ngoài xe đó!

Sonam chỉ tay về phía trước khách sạn. Ngoài xe, Samten đang ngồi ở ghế lái, bên cạnh là một cô gái khá trẻ dường như là người yêu anh. Cô bé cũng nồng nhiệt và tự nhiên như đã quen Minh từ lâu. Minh vừa ngồi vào xe, cô bé đã quay xuống bắt chuyện:

  • Minh này, chị có biết là chị rất đẹp không?

Minh cười tươi, không giấu vẻ sung sướng pha chút tự hào:

  • Thật vui vì hình như chị rất phù hợp với thẩm mỹ người Bhutan!

Cả xe cùng cười. Samten có vẻ không thành thạo lắm với những nội dung có tính… thực tế, hoặc vì đã được người yêu phát ngôn hộ, nên ảnh chỉ cười hưởng ứng chứ không buông lời chòng ghẹo Sonam và Minh như thường lệ. Khi xe lái đến đoạn đường đèo thấp thoáng cung điện Punakha Dzong ở phía xa xa, Samten quay xuống hất cằm với Sonam, nói giọng nghiêm túc trong một vẻ mặt rất hài:

  • Làm việc đi ông anh!

Sonam phì cười. Anh chỉ về phía cung điện, giải thích với Minh rằng Samten vừa đề nghị anh nói chuyện với cô về Punakha Dzong – nơi mà đoàn của Minh sẽ đến tham quan vào ngày mai. Đó là cung điện thứ 2 được xây dựng ở đất nước này, từ thế kỷ 17. Giữa đêm tối, Minh chỉ thấy một khu nhà rực rỡ ánh đèn trên nền đen của đêm tối. Và lời kể của Sonam vẽ lên trong trí tưởng tượng của cô một khu nhà hình tháp được xây dựng theo kiến trúc Dzong nổi tiếng thế giới, đặt giữa một mặt đất bằng phẳng, xung quanh là núi rừng. Punakha Dzong là cung điện duy nhất của Bhutan không nằm trên những vách núi hiểm trở. Nơi đây từng là kinh đô của Bhutan. Đến năm 1955, nhà vua cho dời đô về Thimphu thì Punakha trở thành trung tâm hành chính của Punakha. Và trong tiếng Bhutan, nó còn có một tên gọi được dịch nghĩa thành “Cung điện Hạnh Phúc”.

  • Em nghe nói khi xây dzong, người Bhutan không sử dụng các bản vẽ thiết kế, mà chỉ xây theo sự hướng dẫn của một người có uy tín nào đó? – Minh hỏi
  • Đúng vậy, truyền thống Bhutan thường chỉ xây pháo đài với sự hướng dẫn của vị Lạt Ma cao cấp.

Xe đã đi rất xa khỏi Punakha Dzong, trong khi tâm trí Minh đang trôi dạt về những bài viết về kiến trúc Phật giáo ở những vùng đất dọc Himalaya, đặc biệt là ở Bhutan và Tây Tạng. Ở đó, dzong (pháo đài) là một hệ kiến trúc “thương hiệu” của vùng đất mà cô đang có mặt. Thường được xây bên vách núi hiểm trở, nhưng các dzong luôn được xây dựng khá đồ sộ, với đầy đủ sân, đền và các khu nhà công năng – thường là trung tâm tôn giáo, hành chính… với tỉ lệ không gian ngang bằng giữa khu hành chính và khu tôn giáo. Kiến trúc dzong ở Bhutan trở nên đặc biệt với tường dày xây bằng gạch đá sơn trắng với hình dáng dốc đứng, nghiêng vào bên trong…

Tầm 30 phút kể từ lúc nhìn thấy Punakha Dzong, chiếc xe đỗ phịch lại trên một đỉnh đồi. Minh nghe cái thoáng đãng khôn cùng dìu dặt quanh mình ngay từ khi bước xuống xe. Sự thay đổi không khí khiến Minh choáng ngợp đến mức cô không nghe rõ Samten đang nói gì, dù cả ba người họ đang cùng cười rất vui vẻ.

  • Minh, em thấy Punakha Dzong không?

Sonam nói khi đang đứng ở đuôi xe. Xung quanh rất tối. Vừa nghe anh hỏi, Minh đã biết vùng sáng dưới thung sâu kia chính là Punakha Dzong nhìn từ trên cao.

  • Chỗ trời sao dưới thấp kia đúng không? – Minh ới gọi, cô nói lớn hơn bình thường rất nhiều vì cảm giác đang đứng ở một nơi rất rộng rãi và lộng gió.
  • Đúng đấy, ngoài Punakha Dzong, không còn gì sáng hơn chúng ta đêm nay! – Samten nói bằng một giọng hài hước không lẫn vào đâu được. Mọi người cùng cười lớn. Minh như muốn tan chảy trong bầu khí quyển này. Giữa bầu trời đêm. Trên cao lộng gió. Với những người bạn tuyệt vời. Và những tràng cười bất tận.

Đến khi Sonam trải bạt trên một mặt đất bằng phẳng, bày một vài món đồ khô ra, Minh mới biết cuộc chơi đêm nay đã được chuẩn bị khá chu đáo. Mọi người phối hợp với nhau khá thành thạo, Minh chỉ việc ngồi ngay ngắn xuống đó, bên cạnh Sonam, và cùng họ nhìn xuống thung lũng nơi có Punakha Dzong, chuyện trò.

  • Cả thế giới này gọi Bhutan là đất nước hạnh phúc. Em cũng thấy vậy. Nhưng liệu mọi người có bao giờ hoài nghi về hạnh phúc của mình không? – Minh hỏi. Cô biết mình đang sử dụng đặc ân của sự thân thiết mà những người bên cạnh đã ban cho.

Họ không nhìn nhau. Ba người còn lại vẫn bình thản nhìn xuống thung lũng sau khi đã kể rất nhiều câu chuyện chân thật bằng một nhịp điệu chậm rãi. Dường như Minh đã uống đến lon thứ 3, cô nhận ra điều đó khi cảm thấy muốn nói sâu vào một vấn đề – điều mà bình thường cô chỉ dừng lại trong ý nghĩ.

Bạn gái của Samten nói như đang đung đưa nhẹ khi đang ngồi bên một bậc thềm:

  • Một cô bạn học của em ở Singapore cũng đã hỏi em câu này khi hai đứa trở nên thân thiết. Lúc đó em mới biết, sự hạnh phúc của người Bhutan vẫn là điều đó rất lạ lẫm và khó tin với mọi người.
  • Quả thật là những lần đầu xuất ngoại, anh rất kinh ngạc về sự hiện đại bên ngoài. Mọi người sống tiện nghi quá. Máy móc hỗ trợ con người rất nhiều. Mọi người chỉ cần đến công sở rồi về nhà, mọi thứ khác đã được chuyên môn hoá bằng những lực lượng khác trong xã hội. Từ việc nhà, việc làm vườn, cho đến đưa đón trẻ em… Con người không cần làm gì khác ngoài làm việc. Nếu đem so sánh thì Bhutan còn rất đơn sơ. Con người vẫn tự làm mọi thứ cho sự sống của mình… – Samten thêm vào
  • Nhưng quan trọng là hạnh phúc? Hạnh phúc hay tiện nghi, cái nào quan trọng hơn? Và liệu tiện nghi có sinh ra hạnh phúc không?

Minh nói những câu chữ không có sự sắp xếp, nó như bật trực tiếp từ suy nghĩ thành lời. Rồi bất chợt, khi mọi người chưa kịp đáp, cô đã tự cười:

  • Ồ, chẳng phải em mới là người biết những điều đó nhất sao. Chính em mới là người đến từ thế giới tiện nghi kia mà – Minh thừa nhận, dường như cô đã bắt đầu say dù tâm trí vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chỉ có nhu cầu được nói là trở nên mạnh mẽ khác thường.
  • Rất nhiều du khách đã thú thực với anh rằng họ sẽ không sống nổi ở Bhutan dù cho nó hạnh phúc đến mấy, vì nó không có những tiện nghi đã thành hơi thở của họ. Vậy, đất nước này chắc chắn sẽ không mang lại hạnh phúc cho những người chọn lấy một hơi thở như thế. Nó sẽ rất lạc hậu, đúng không? – Samten khá nghiêm túc và chân thành ở giây phút này.
  • Vâng, nhưng đâu mới là hơi thở mà con người thực sự cần cho sự sống của mình? Em đã tự hỏi như thế khi nhìn sự sống rạng rỡ ở nơi này. Một sự rạng rỡ như mọc lên tự nhiên từ mặt đất. Như cây cỏ bên đường. Nó không giống sự sống tráng lệ ở nơi mà em đang thuộc về. Nó khác nhau thế nào anh biết không? Nó khác nhau ở chỗ, ở thế giới của em, người ta phụ thuộc quá nhiều thứ để đến được với hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc trong ngoặc kép, để rồi nếu không có những điều kiện nào đó – tiện nghi chẳng hạn, thì họ sẽ bất hạnh.

Không ai nói gì. Đồi núi bây giờ im lặng như một nhịp ngừng bao dung. Minh cảm giác như mình đang leo lên một con dốc cùng những người bạn dẻo dai và mạnh khoẻ hơn mình. Nhưng họ luôn ở đó, bước cùng một nhịp độ với cô, sẵn sàng chờ đợi để cùng cô đi hết con đường.

  • Ở đó, người ta thậm chí còn có thể bất hạnh nếu không lấy được chồng. Nếu phải đổ vỡ hôn nhân. Nếu chẳng may mắc một chứng bệnh nào đó mà không sinh được con cái… Tất cả những tiện nghi đó đều có thể là một mối đe doạ. Để nếu rủi không có nó, họ sẽ bất hạnh – Minh dừng lại khi thấy cơn xúc động đã dâng lên khoé mắt. Mũi cô cay xè và cảm giác lồng ngực như muốn nổ tung. Cô lấy tay quẹt nước mắt.
  • Còn ở đây, niềm hạnh phúc mà mọi người đang có sẽ chỉ có thể dừng lại nếu sự sống không còn. Nó như cỏ cây, nó hoà vào những điều tự nhiên nhất, gần với lẽ sống con người nhất… – Minh cố nói hết mạch suy nghĩ đã dâng lên trong mình.

Sonam vẫn im lặng từ khi câu chuyện hạnh phúc được khởi lên. Anh ngồi như bất động, nhìn xuống thung lũng. Lúc này, chỉ có bạn gái của Samten lên tiếng:

  • Minh này, chị có gặp bất hạnh vì chưa lấy chồng không?
  • Không, nhưng chị phải chống chọi với nỗi bất hạnh của những người yêu thương chị – Minh đáp
  • Ở Bhutan không có áp lực này. Tình yêu đơn giản là tình yêu thôi. Mọi người trách nhiệm với nhau bằng chính tình yêu chân thật đó. Hẳn là, đâu ai muốn sống cùng một người đã hết yêu mình đúng không? Vì thế Bhutan không xem hôn nhân là một sự ràng buộc ghê gớm. Nó vẫn rất quý giá trong lòng mỗi người. Nhưng nó vẫn chỉ là một lựa chọn, ở đây, chị có thể chọn có gia đình hoặc không, không sao cả. Chị vẫn sống được với tình yêu, đến hết đời. – cô bé nói – Chắc chị cũng đoán được, cả em, Samten và anh Sonam đều không có ý định kết hôn.

Samten dường như vẫn đang dừng lại ở mạch chuyện trước đó. Phải vài giây sau khi bạn gái dứt lời, anh mới lên tiếng:

  • Thật lòng anh thấy dễ hiểu hơn với cuộc sống ở Bhutan. Đúng là người dân còn nghèo về vật chất. Nhưng họ không áp lực cơm áo. Không ai bị bỏ lại phía sau. Mọi người chỉ đi làm đủ ăn rồi quay về chăm chút cho đời sống của mình. Không ai phải đóng tiền điện nước. Đi học, đi chữa bệnh thì miễn phí. Mọi người đủ tình yêu và đạo đức để trân trọng sự sống, trân trọng cộng đồng…

Im lặng lại phủ xuống. Bạn gái của Samten là người có năng lượng trẻ trung, năng động dù bên trong cũng đầy chiêm nghiệm. Khi 4 người im lặng đã đủ lâu, cô bé đứng dậy, nói giọng vui vẻ:

  • Samten này, hình như em để quên điện thoại trong xe rồi.

Samten đứng dậy đưa bạn gái lại xe. Đỉnh đồi lúc này chỉ còn Minh và một Sonam vẫn ngồi yên trong sự im lặng khác thường. Minh không có ý định bắt chuyện. Cô muốn ngồi yên đó. Đó có thể là những phút giây không thể có lại trong đời. Tất cả, những con người này, niềm hạnh phúc trác tuyệt kia, đều có thể sẽ trở thành một viễn ảnh mờ mịt khi Minh trở về thế giới bên kia. Minh như đang ngồi đó, với tất cả những nỗi buồn đã lần lượt đến trong đời cô vào lúc này hay lúc khác. Tất cả, như đang cùng cô ngồi xuống đêm nay.

  • Minh, em có hạnh phúc không?

Sonam quay sang Minh và hỏi. Câu hỏi như đã bước ra từ một vùng im lặng nào đó mà Minh chưa kịp ý thức được giữa cô và anh. Nhưng ngay khoảnh khắc này, Minh biết đã có một vùng im lặng như thế, chìm sâu dưới tất cả chuyện trò giữa hai người.

  • Em nhớ trong một lần dừng xe, khi em chơi với con mèo hoang ở đó, anh đã lại gần và nói với tụi em: “Đến mèo và chó ở đây còn hạnh phúc, sao chúng ta lại không?”. Lúc đó em và mọi người khá ngạc nhiên, rồi xem đó như một slogan khi đi chơi ở Bhutan…

Minh biết đó là một tâm sự rất thật lòng. Câu nói đó của Sonam đã gây ấn tượng rất mạnh với cô. Nhưng, tâm sự ấy chưa thật phù hợp với câu hỏi của Sonam. Đó là lần đầu tiên cô nhận ra mình đang né tránh khi trò chuyện với anh.

  • Anh muốn cưới em…

Sonam nói.


(Còn nữa)

Minhtramsworld

Chuyện_tình_Bhutan

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s