Phụ nữ ơi

Sự kết nối giữa con người sao tuyệt vọng đến thế?

Trò chuyện với mình hôm đó là một trái tim đang yếu mệt vì bị tổn thương. Cô gái đó vốn không lạ với gánh nặng và áp lực. Nhưng đến hôm nay, việc bị phán xét bởi chính người thân mới làm cô không chịu nổi.

Cô hỏi mình: “m đã cố gắng để chinh phục giấc mơ và đã làm được. Nhưng sao người thân thiết nhất giờ trở nên xa lạ. Sao sự kết nối giữa con người lại tuyệt vọng đến thế?”

Mình thấy như đối diện với chính mình cách đây chưa lâu, cùng một câu hỏi đó, không sai một từ nào. Sự kết nối của con người sao lại tuyệt vọng đến thế?

Ai cũng có thể vấp vào điều tiếng, thị phi. Khi đã đủ lớn rồi, điều tiếng từ người ngoài không còn làm mình quan tâm nữa. Nhưng đến khi nó đến từ chính bạn thân hay người thân của mình – nó vẫn đau đớn vô cùng. Đau đớn nhất là khi bất đồng đó không phải là câu chuyện đúng/sai trắng/đen để một lời giải thích là giải quyết được. Nó đôi khi là chênh lệch vời vợi giữa hai hành trình, khi một bên đã đi quá xa, đã trải qua quá nhiều thác ghềnh để có thể ngồi lại mà kể cho bằng hết mọi thăng trầm, chỉ để người kia hiểu cho trọn vẹn mọi góc độ của họ bây giờ.

Lời giải thích đó là KHÔNG THỂ. Nhưng đối diện với sự phán xét và cả hiểu lầm của người thân, ta dễ cảm thấy mọi thành công mình đang có bây giờ đều là vô nghĩa. Nó vô nghĩa ở chỗ nó không đắp đổi được khoảng cách mà ta đã có những người thân thiết. Vậy thành công để làm gì, cực khổ gian truân vượt lên bao khó khăn kia – là để làm gì?

Nhưng, vấn đề có phải là “những thành công mà ta đang có” đâu? Thành công và trải nghiệm không thể làm ta xa nhau. Vấn đề nằm ở chính sự kết nối vốn dĩ hết sức tuyệt vọng giữa con người. Nó tuyệt vọng là vì bản chất mỗi con người đều đi trên một lộ trình đơn độc. Dù là bạn đời, là người yêu, là bạn tri kỷ – họ vẫn đang đi một lộ trình rất khác ta. Những người càng gần sẽ càng chia sẻ được nhiều thứ vì họ có những con đường tương đối giống nhau. Nhưng sẽ có những chuyện chỉ xảy ra trên hành trình của bạn, có những trải nghiệm chỉ có thể có trong quá khứ của bạn – thì người kia không tài nào hiểu nổi. Họ sẽ chỉ có thể dùng hiểu biết của họ, trải nghiệm của họ để đánh giá mà thôi.

Mình hay nói về tình yêu vô điều kiện. Điều này nghe thật lý thuyết và không tưởng. Nhưng rồi ai cũng sẽ thấy, cho đến tận cùng, điều mà người thân có thể làm cho nhau là một tình yêu vô điều kiện. Yêu mà không cần biết đúng sai, bởi ta luôn biết người kia có lý do để làm như thế, sống như thế. Và bởi, thế gian này đã quá nhiều lý lẽ và những tiêu chuẩn đúng/sai – người thương của ta chẳng cần thêm một ánh mắt của sai đúng như vậy nữa khi quay về bên tình thân của mình.

Mình đã nói với cô gái đó, trên đời có 2 loại cuộc sống êm đềm: MỘT là sống lớt phớt và không vượt qua một giới hạn nào cả nên thấy mọi thứ đều đẹp đẽ và dễ thương. Và HAI là đã “đắc đạo”, đã nhìn thấy hết mọi mặt trái cuộc đời để thấu hiểu và bao dung, và thấy chuyện gì trên đời cũng có thể điềm tĩnh đón nhận và thấu hiểu được.

Cô gái ấy không thể là kiểu người thứ nhất, vì cô đã lỡ vươn lên và phá vỡ bao nhiêu giới hạn để thành công theo cách của cổ. Cô chỉ còn cách trở thành người thứ hai. Vậy đây chính là giai đoạn của đổ vỡ, khi hành trình của cô va vào những giới hạn của người thân. Họ đứng trong giới hạn của bản thân họ, và dĩ nhiên họ không thể hiểu nổi những điều cô đang làm, đang theo đuổi…

Không ai có lỗi trong chuyện này cả. Họ chỉ đang đối diện với khoảng cách rất bản chất của loài người. Mình nói, trên đời có rất nhiều tầng nấc của tình bạn. Có bạn – bạn thân – bạn đời – bạn tri kỷ – và bạn đạo. “Bạn đạo” (hay bạn đường) là từ mình tạm dùng để mô tả một tình bạn mà mà rất hiếm người trên đời này cần có, và càng hiếm người có được. Đó là kiểu người sẽ chia sẻ cùng ta những nhận thức về cuộc đời, một người biết bỏ qua mọi loại giới hạn và giữ một trái tim đầy hiếu kỳ và rộng mở để đón nhận cùng ta những nhận thức trong ngần về cuộc sống.

Không phải ai cũng cần “bạn đạo”, bởi nếu chỉ sống theo lập trình với những nhu cầu sinh lý của con người thì mọi thứ rất dễ ổn thoả. Nhưng nếu đã trót sống trong trạng thái chủ động và tỉnh thức – ta sẽ thấy những tầng nấc tình bạn bên dưới không chia sẻ nổi cùng ta một phần lớn câu chuyện cuộc đời. Ta sẽ nảy sinh nhu cầu có “bạn đạo”. Điều đáng sợ nhất là mọi người không phân biệt được những tầng nấc này thì sẽ thấy tuyệt vọng nếu bạn thân/bạn tri kỷ/ hay bạn đời của họ sao lại không hiểu nổi họ…

Còn một khi đã hiểu về hành trình của mình, hiểu về tầng nấc của từng mối quan hệ, ta sẽ rất nhẹ nhàng với từng trục trặc, khúc mắc. Ta sẽ biết đâu là giới hạn của một cuộc tình, đâu kỳ vọng sẽ đem đến đau khổ. Và đâu là sự cô đơn mà ta cần ôm lấy cho hành trình không thể khác được của mình…

Mình nói, rồi khi trái tim đã cân bằng lại sau tổn thương này, cô ấy cũng sẽ lại yêu thương người thân kia giống như mình đang yêu Cà Na – yêu mà không cần con sẽ chia sẻ cùng mình nhận thức về cuộc đời. Và mình biết, người con gái ấy sẽ lại mạnh mẽ bước tới, sẽ dần làm vững chắc từng hành trang tình cảm mà cô có trong đời, mỗi thứ ở đúng vị trí của nó, còn cô – sẽ cứ thế điềm nhiên bước đi trên hành trình đẹp đẽ của mình…

2 bình luận về “Sự kết nối giữa con người sao tuyệt vọng đến thế?

  1. mình thề là mình không hề cố ý rình rập để đọc và like ngay sau khi post được publish đâu. Nhưng dù sao cũng lỡ rồi.

    Trong bài viết này của bạn tình cờ có những điều trùng với suy nghĩ của mình trong một bài viết nháp chưa được post lên. Có lẽ mình sẽ để nó lại đó chứ không cho thò mặt ra nữa, vì mình không thích lặp lại điều người khác đã nói rồi, nhất là khi mình không nghĩ ra được thêm cái gì mới mẻ cả.

    Mình để ý thấy rất nhiều bạn trẻ (trẻ hơn mình thôi chứ không phải là tuổi trẻ nói chung) thường dễ buồn, thất vọng, hụt hẫng khi những người xung quanh không hiểu mình. Mình thì mình nghĩ là trên đời này chẳng có luật nào buộc bất kì ai phải hiểu, auto hiểu, fully hiểu bất kì ai cả. Nên làm quen, sống chung với sự thật rằng người khác không hiểu mình là chuyện quá đỗi bình thường. Khi người ta phóng chiếu vào những kỳ vọng quá cao cũng là khi ta giương lên những tấm gương cong. Tất cả dẫn đến ta thấy nhau và thấy chính mình là những mảnh ghép rời rạc. Ta kì vọng ai đó phải là ai đó, ai đó phải làm gì đó nghĩa là ta đã đặt mình vào một tình thế dễ bị tổn thương một cách không đáng tiền rồi (vì còn có những tình thế dễ bị tổn thương rất đáng tiền nữa).

    Và ngay cả sự cô đơn thật ra cũng không hề tệ, nếu ta đừng quá kì vọng vào sự không cô đơn.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Có vẻ như phải cô đơn mới… hạp đạo lý đó :))) Nếu chưa cô đơn hình như sống chưa hết nấc thì phải 🌝
    Nhưng mình sẽ khoái hơn nếu bạn cố ý đọc và like ngay sau khi post được publish đó 🙂

    Thích

Bình luận về bài viết này