Chiều nay mình tám chuyện với một đứa bạn ở Nhật để hỏi về… vụ án mạng ở Osaka mà nạn nhân là một thanh niên VN. Vụ việc đó cồn cào trên cộng đồng mạng hổm giờ nhưng mình không dám xem, mình yếu bóng vía nên rất sợ cảm giác đau thương đó. Sau khi hỏi Th., nó kể cho mình nghe diễn biến vụ việc rồi sốt sắng nói thêm: “hôm qua còn có vụ chấn động hơn nè”.
Xong rồi nó kể: “Có đứa kia cầm dao lên tàu tốc hành đâm người, 9 người bị thương luôn. Xong tàu phải dừng rồi cảnh sát tới. Xong nó chạy trốn chạy vô siêu thị tiện lợi người dính đầy máu bắt chuyện với nhân viên siêu thị kêu: “từ bây giờ tivi sẽ chiếu 1 vụ bê bối mà tui là người gây ra, mà… nãy giờ tui chạy trốn tui… mệt quá”. Xong họ gọi báo cảnh sát cái nó bị bắt. Hôm nay nghe nói nó khai: nó ghét tất cả những người hạnh phúc trên đời này nên nó đâm những người nhìn mặt có vẻ hạnh phúc nhất”.
Tối, Th. xem thời sự rồi chụp màn hình cho mình kèm lời nhắn: “Đây là cái đứa đi giết người hạnh phúc nè. Nó nói: “Từ 6 năm trước nhìn những phụ nữ hạnh phúc tôi đã nảy sinh cảm giác muốn giết họ. Tôi đã nghĩ tại sao mình như cứt ri còn họ có thể trông mạnh mẽ, hạnh phúc như vậy”.

Mình nghe mà thấy buồn tê tái. Nếu bạo lực vì thù hận, vì xấu tính, vì muốn hãm hại cho đến chết một cá nhân nào đó – mình thấy chẳng có gì để bàn, giống như phim mà có nhân vật phản diện là mình thấy chẳng có gì để coi rồi đó. Nhưng trong lời kể và hành động của người đàn ông đó là một câu chuyện nằm ngoài mọi sự kiểm soát của con người. Có lẽ (và gần như 99%) cậu ấy có vấn đề rất nặng về sức khoẻ tinh thần. Cậu ấy hẳn đã rất khổ sở và đã giấu vào trong mình chắc là hàng ngàn “cái chết” trước khi gây ra một chuyện như thế. Mình nghĩ tới thôi đã thấy rùng mình, thốt lên với Th.: tội nghiệp nó quá!
Mình chột dạ khi nghĩ đến những nạn nhân, họ đã làm gì ngoài việc “có một vẻ mặt hạnh phúc”? Nhưng dưới lăng kính biến dạng của một con người đang méo mó về tinh thần, một gương mặt hạnh phúc cũng trở nên rất vấn đề, nó đòi hỏi một cách xử lý, một sự tiêu diệt hợp lý một cách điên cuồng… Ôi càng nghĩ vào sâu càng thấy buồn tan nát.
Nhưng, cái tê tái hơn hết thảy nó nằm ở đây nè. Ở chỗ, cuộc đời này thiếu gì những bạo lực kiểu như thế, ở cấp độ ít khủng khiếp hơn nhưng lại phổ biến hơn rất nhiều. Ai cũng có một vấn đề, một sự hạn hẹp, một kỳ vọng nào đó – rồi ta soi nó lên người khác. Một ví dụ đơn giản nhất là mình đôi lúc “muốn dẹp cái tính hay lo của ông chồng mình đi”, trong khi, ổng hay lo thì có liên quan gì mình?
Chuyện tưởng chừng chẳng liên quan nhưng lại rất liên quan. Ở chỗ, người ta thường quên mất bản chất của mối quan hệ, mà luôn nhân danh thước đo của mình để đòi chỉnh sửa (hoặc tiêu diệt) người khác. Nếu là vợ chồng thì bản chất là yêu thương, hợp tác, và chung sống hoà bình dựa trên nguyên tắc đó. Nếu là đồng nghiệp thì phối hợp công việc và đánh giá nhau trên tiêu chí công việc. Nếu là bạn bè thì nhìn vào sự nhiệt tình của nhau, sự đối đãi của nhau mà sống. Túm lại, chẳng có mối quan hệ nào cho thấy người này có quyền sửa người kia, đòi hỏi người kia phải “không được hay lo, không được hạnh phúc, hay không được dễ dãi…”. Đó là lý do mà thời còn làm phóng viên, tui bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ăn mặc chuyên nghiệp, cứ mặc đầm vintage xách giỏ vintage đi làm. Ai muốn ý kiến gì mời bàn về bài vở. Ở một môi trường cho phép tự do ăn mặc thì mọi sự đòi hỏi tui “ăn mặc chuyên nghiệp” là một đòi hỏi không chuyên nghiệp, tui từ chối cái thước đo đó.
Vậy đó, mối quan hệ nào cũng có một “cam kết ngầm”, còn lại mọi thứ khác đều chỉ là kỳ vọng, và sẽ thảm hại nếu kỳ vọng đó trở thành một thước đo khiến ta muốn xử lý người đối diện…
Nhưng mà, cái ác thường sinh ra từ đó. Cái ác là khi người ta gây tổn hại và thương tích cho người khác nhân danh một thước đo gì đó bên trong mình. Mình sẽ rất tàn nhẫn với chồng mình nếu dội lên anh ấy những phán xét như là “anh phải bỏ cái tính hay lo của anh đi”, đó là một cấp độ nhẹ. Cao hơn chút, là người ta nghĩ mình có quyền xử đẹp một người, bôi nhọ và rêu rao, hay thậm chí đập tơi bời một người nào đó, chỉ vì theo họ là người đó có những vấn đề xấu xí nào đó…
Trong khi đó, cái thước đo đó phản ánh bản thân mình trước tiên. Nó phản ánh nỗi sợ và cả sức chịu đựng của mình. Nếu mình không chịu nổi ông chồng hay lo, mình ly dị. Nếu mình thấy một đứa bạn không ổn, mình nghỉ chơi. Còn cái đứa khổ sở trên chuyến tàu cao tốc ở Nhật Bản kia, nếu nó thấy cái bọn kia hạnh phúc thấy ghét thì nó đừng có đi tàu chung, hoặc nó đừng có nhìn. Mọi mối quan hệ đều có một giới hạn rất tuyệt vời để kết thúc: ly dị, nghỉ chơi, unfollow, unfriend, block, nghỉ việc, đuổi việc… (sao tui viết mấy từ này tui thấy đáng yêu ghê). Còn lại, mọi sự “trừng phạt” đều nhảm. Khi đó, nhẹ thì là “kém văn minh”, là “hãm”, còn nặng thì cũng dễ gây tội ác..
Mình chém gió với Th. về vấn đề này cả một buổi chiều tối. Xong nó nói, xưa nó cũng thích một người vì những thể hiện đẹp đẽ của họ, nhưng sau nó trưởng thành rồi nó không khoái style đó nữa thì với nó người đó bình thường, hết thần tượng. Nhưng đó là do tự nó trưởng thành và hết khoái, và bản thân nó không hãm nên mới không quay sang chê người kia “sao cả đời cũng chỉ đẹp đẽ mà không… trưởng thành đi”. Chứ nếu chuyện theo hướng ngược lại, tự người kia bộc lộ những khía cạnh không đẹp đẽ như nó nghĩ, có khi nó lại tan nát rồi nổi điên lên đòi người ta phải trả giá cho phần đẹp đẽ mà nó tưởng xưa giờ…
Nếu nhìn bằng con mắt của Chúa hay Phật, chắc Chúa và Phật thấy con người đáng yêu lắm, mọi sự ngu ngơ tàn nhẫn của con người chắc cũng đáng yêu trước mắt Chúa Phật, dù cũng có cái đáng khen có cái đáng phạt. Nhưng là con người với nhau, mọi sự ngu ngơ tàn nhẫn nó có thể gây ra nhiều chuyện quá ghê gớm với sức chịu đựng của con người. Nên khi nào thấy bực một đứa nào đó quá, thì hãy thử nói với nó, biết đâu nó cũng cần thông tin đó để biết mà thay đổi. Mà nếu không có gì thay đổi mà mình thấy không chịu đựng nổi, thì hãy tuỳ theo mqh mà làm theo cái combo đáng yêu tui gợi ý trên kia nha. Ly dị, nghỉ chơi, unfollow, unfriend, block, nghỉ việc, đuổi việc… nó đi. Chứ ai mà biết đời nó thực sự ra sao đâu mà đòi phán xét với cả phán xử. Nhaaaa!