Nuôi con

Kỷ niệm mặt trăng

Gần 3 tuổi Na mới biết nói. Trước khi biết nói thì tuyệt đối không “ba”, “mẹ” hay bi bô bập bẹ. Chỉ nói tiếng nước ngoài.

Nhiều khi thấy con nói tiếng ngoại quốc một cách quá nhất quán, mình cũng nghĩ hay là con đang nói một thứ tiếng của nước nào đó thật. Nhưng gửi clip cho bạn bè năm châu, ai cũng bảo không phải thứ tiếng họ biết, “nhưng sao nó nói nghiêm túc quá”.

Hồi Na nói tiếng ngoài hành tinh, nhiều người khuyên mình nói tiếng Việt nhiều lên và bắt con nói tiếng Việt, đừng cho con nói tiếng bậy bạ kia nữa.

Nhưng mình không bắt con nói tiếng Việt, cũng không ngăn con nói tiếng của con. Mình tin đó là ngôn ngữ của con trong giai đoạn đó, con nói gì mình cũng đón nhận, và mình tương tác theo cách hiểu của mình. Mình nói tiếng Việt với con thường xuyên như mọi bà mẹ vẫn nói, đôi lúc cũng phụ hoạ theo ngôn ngữ của con. Vì nó vui. Logic của giao tiếp là vậy mà, mình sẽ bật ra những gì có trong mình và trong quán tính của mình, đâu thể vì một mục đích nào đó mà uốn nắn.

Hai tuổi Na vẫn chưa gọi ba, mẹ. Ai cũng sốt ruột trừ ông Tùng và mình. Mình quan sát các biểu hiệu khác thì thấy con ổn, ngôn ngữ cơ thể rất tốt, và cực kỳ nhạy cảm về cảm xúc, nắm bắt tình huống, giao tiếp bằng mắt và tương tác cảm xúc tốt.

Tầm hơn 2 tuổi, Na bắt đầu hỏi “ai zậy”, và tuyệt đối chỉ hỏi ai zậy, nhìn gì cũng hỏi ai zậy, không nói gì thêm.

Cuối năm ngoái, trước khi chuyển lên Bảo Lộc, mình đưa Na đi khám ở một bác sĩ chuyên về rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Bác đánh giá Na giống như mình đã đánh giá, tức là mọi thứ bình thường, giao tiếp ở mức tốt (biết tương tác cảm xúc, nhạy cảm với các tình huống) nhưng đang chậm nói. Bác khuyên cho con đi học nói để đẩy nhanh việc tập nói của con.

Mình không cho con đi học vì cảm nhận rõ con đang phát triển bình thường theo lộ trình của riêng con. Và quan trọng nhất là mạch giao tiếp ở nhà đang ổn, giai đoạn đó mình có điều kiện hơn trong việc gần gũi và chuyện trò, hỗ trợ con.

Cả nhà chuyển lên Bảo Lộc. Buổi chiều đầu tiên, tụi mình ngồi ngoài hiên ăn uống, ngắm cảnh. Na ngước nhìn lên trời và hỏi:

  • Ai dẫy???

Mình nói:

  • Mặt trăng đó con!

Tự dưng Na lặp lại:

  • Mặt trăng

Đó là lần đầu tiên con lặp lại lời người khác. Dù trước đó từng có nhiều người tiếp xúc và cố dạy con nói những từ đơn giản như “ba”, “má” nhưng con tuyệt nhiên không bắt chước bao giờ. “Mặt trăng” chính là từ đầu tiên con bắt chước, trong cái buổi chiều đầu tiên của cả nhà ở vùng đất mới.

Từ đó, con bắt đầu lặp lại những từ con quan tâm. Đến 37 tháng đi học, con giao tiếp tốt với các bạn. Vốn có nhu cầu giao tiếp cao và hay biểu hiện cảm xúc nên con học nói khá nhanh và giao tiếp rất sâu bằng ngôn ngữ.

Mình luôn nhớ kỷ niệm này khi nhìn lên mặt trăng. Thật kỳ lạ và cũng thật lãng mạn. Mặt trăng chính là nhân vật đầu tiên xuất hiện trong tiếng mẹ đẻ của Na, và trong giao tiếp đồng ngôn ngữ của mẹ con mình ❤️

4 bình luận về “Kỷ niệm mặt trăng

Bình luận về bài viết này