Mình gặp Nghĩa ở quán cà phê gần nhà. Anh ngang qua Bảo Lộc trong chuyến 60 ngày xuyên Việt một mình. Tụi mình quen nhau từ 8 năm trước, qua một dự án công việc, rồi chỉ giữ liên lạc qua mạng. Nhưng lần này gặp Nghĩa, mình được biết anh đang gặp khủng hoảng hôn nhân.
Vừa gặp nhau, mình đã phải tiếp một cuộc điện thoại công việc. Nội dung cuộc gọi xoay quanh việc hỗ trợ một bạn nữ bị bạo hành gia đình. Mình vừa cúp máy, Nghĩa hỏi:
– Em tiếp xúc nhiều với chuyện tình yêu hôn nhân vậy, em có từng thấy một người phụ nữ nào đã ngoại tình mà quay về yêu chồng không?
– Em chưa nhớ ra, nhưng chắc là có chứ. – mình nói
– Anh thử khảo sát rồi. Đàn ông thì có, nhưng phụ nữ mà đã yêu người khác thì thường là đi luôn.

Cuộc trò chuyện cũng “vào chủ đề”. Nghĩa kể, khủng hoảng hôn nhân của anh bắt đầu từ việc anh phát hiện vợ ngoại tình. Chị Thư vợ anh là một nhân viên ngân hàng xinh đẹp. Anh vốn là một nhà thiết kế đồ họa khá giỏi, đã mở doanh nghiệp từ 10 năm trước và khá thành công.
Mọi thứ rất ổn. Một ngày, anh bắt gặp vợ đang khá thân mật với một người quen trong quán cà phê. Trong cuộc trò chuyện vợ chồng sau đó, vợ anh vừa khóc vừa thừa nhận rằng mình đang có tình cảm bên ngoài. Thư thề là chưa đi quá giới hạn, cũng không làm gì có lỗi với gia đình ngoài một vài lần gặp gỡ, ăn uống, cà phê. Phần còn lại diễn ra qua những tin nhắn quan tâm, nhắc nhở. Anh kia tên Thắng, đang ly thân. Sau rất nhiều cuộc trò chuyện cởi mở với chồng, Thư trung thực nói rằng chị cũng từng khao khát được ở bên Thắng. Nhưng vì quá yêu thương gia đình và trân trọng chồng, nên chị dùng lý trí để ngăn mình lại.
Nghĩa kể đến đó thì cô chủ quán bưng nước đến bàn tụi mình. Khi yên tĩnh trở lại, anh nói bằng một giọng trung dung và có phần vui vẻ hơn:
⁃ Tụi anh ly thân 6 tháng, đến nay là được 3 tháng rồi. Anh nhờ Thư lo giúp phần chăm con để đi chuyến này. Anh mơ ước xuyên Việt lâu rồi nhưng không sắp xếp được công việc và gia đình.
⁃ Rồi vợ chồng anh tính sẽ thế nào?
⁃ Anh không trách hay giận Thư. Mình cũng hiểu là cảm xúc thì đâu thể phán xét. Nhưng nguyên tắc của anh là phải sống thật lòng. Nếu Thư yêu người khác thì anh không giữ, anh cũng không muốn Thư ở lại với anh vì trách nhiệm.
⁃ Vậy nếu sau thời gian ly thân mà cảm xúc của chị Thư với người kia vẫn còn thì anh chị sẽ ly hôn sao?
Nghĩa gật đầu. Anh tiếp tục nói về sự trung thực trong hôn nhân. Theo anh, giới hạn của sự phóng khoáng chính là sự trung thực. Đã là vợ chồng thì phải thành thật về cảm xúc. Mà một khi đã yêu người khác thì phải chấp nhận ly hôn.
Mình im lặng vì chưa tìm được ngôn từ để diễn đạt. Nhưng dường như nhận ra sự không đồng tình của mình, Nghĩa nói như phân trần:
⁃ Anh buồn lắm chứ. Thực sự anh rất sốc. Thư cũng phải công nhận rằng tụi anh vẫn đang khá ổn, có thể cũng hơi ít gắn bó hơn giai đoạn mặn nồng nhất, nhưng vẫn là một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Nhưng tình cảm mà em, có những thứ nó ra đi thì mình phải chấp nhận.
⁃ Anh có từng thích ai khác ngoài vợ anh không? – mình hỏi
Có, nhưng anh khác. Với đàn ông chín chắn thì việc rung động với người khác giới cũng chỉ như cảm xúc với một bức tranh hay một bản nhạc hay thôi, rồi nó cũng tự qua khi mình không cố làm gì bất chính.
⁃ Anh có thấy tất cả đang thiếu công bằng không? Tại sao anh thích người khác thì được xem là “rung động bình thường”, còn với vợ anh thì đó lại là chuyện nghiêm trọng?
Nghĩa phản biện yếu ớt. Còn mình thì đã tìm ra mạch để diễn đạt sự bất ổn mà mình cảm thấy trong lý lẽ của anh. Mọi người thường có xu hướng trầm trọng hóa tình yêu, hay đặt cảm xúc yêu đương ngang hàng với mối gắn bó vợ chồng, rồi cho hai bên “một mất một còn”, kiểu như: chọn cảm xúc hay chọn gia đình. Rồi để “giải” bài toán một mất một còn đó, họ lại tiếp tục đẩy nhau vào một cái bẫy có tên “trung thực với lòng mình”. Để nếu trong cơn trung thực, khổ chủ nhận ra mình có tình cảm thật sự với người mới thì xem như hôn nhân tiêu tùng. Một cuộc “một mất một còn” dở hơi vậy đó.
Trong khi đó, hôn nhân giống như một cái cây yêu đương đã được trồng vào đất, đã bén rễ, đã lớn lên, đơm hoa kết trái. Còn mọi cảm xúc, kể cả cảm xúc yêu đương, đều bắt đầu như những cơn gió lao xao. Chẳng ai biết được có bao nhiêu cơn gió sẽ thổi qua đời mình, nhưng dù có là bao nhiêu, dù đó là một cơn gió lớn và một trận lao xao tơi bời, thì việc của một cái cây vẫn là bám rễ thật sâu, trụ mình vào đất, vươn mình thật vững, rồi ung dung thôi…
⁃ Em làm anh suy nghĩ đấy! – Nghĩa nói – Nhưng trường hợp của anh thì chính Thư cũng không dứt khoát lựa chọn em ạ.
⁃ Chị ấy cũng đang trầm trọng hóa tình yêu, cũng đang rơi vào cái bẫy “thành thực với lòng mình”. Nhưng trong cơn trầm trọng, người ta chỉ thành thực với tình cảm mới, mà quên mất rằng những “trân trọng, yêu thương” với chồng con, với gia đình cũng là một sự thật cần thành thực nhìn nhận. Đã vậy, cảm xúc mới kia thì hay được ưu ái gọi tên là “tình yêu”. Còn tình cảm với chồng, với gia đình thì hay bị gọi là “trách nhiệm”. Rồi người ta “thành thực với lòng mình” theo kiểu chỉ ghi nhận cái gọi là tình yêu, và bỏ qua cái đã bị định nghĩa là “trách nhiệm”. Anh có thấy bất công không?
⁃ Ừm… – Nghĩa trầm ngâm, gần như không nói gì
⁃ Nếu xét về tình cảm, thì sự “trân trọng, yêu thương” với chồng và với gia đình cũng là một tình yêu thương, dù nó không cồn cào và điên cuồng cảm xúc như cái tình yêu mới đến kia. “Thành thực với lòng mình” là để nhận ra quả thực là mình có yêu người mới, nhưng cần phải thành thực thêm một nấc nữa, cần chuyển sự thành thực ấy sang nhiều góc độ khác nữa, để nhận ra sự yêu thương, trân trọng với chồng, với gia đình cũng là một sự thật. Sự thật ấy còn có phần to lớn hơn, tĩnh lặng hơn và sâu nặng hơn. Vậy nên cái mới – dù có lợi thế của sự sôi nổi ban đầu, vẫn chưa đủ sức cuốn ta khỏi cái gốc rễ mà ta thuộc về…
Nghĩa im lặng hồi lâu. Mình cũng im lặng như vừa nói xong một cảm giác mà mình đã có từ lâu về câu chuyện rất chung này.
⁃ Em hiểu sao về tình yêu và sự chung thủy? – anh hỏi. Đoạn này anh nói thêm rằng anh luôn xem mình như đứa em, nhưng mặt khác cũng xem mình như một người bạn nên anh thấy thoải mái khi nói và nghe mình nói về chuyện này.
⁃ Ngày xưa em rất ngại từ “chung thủy” vì nghĩ nó khiên cưỡng và không cần thiết nếu người ta thực sự có tình yêu. Nhưng khi trải nghiệm hôn nhân thì em cũng trân trọng giá trị của sự chung thủy. Chung thủy là một nhận thức và ý chí để mình theo đuổi điều mà mình cho là giá trị (đến mức mình quyết định lựa chọn, và tham gia tạo ra nó). Chắc chắn, quyết định ấy xuất phát từ tình yêu đẹp đẽ ở buổi đầu, nhưng qua thời gian, nó có lúc sẽ được phát triển dựa vào những giá trị khác. Việc nuôi dưỡng nó bao gồm cả việc vượt qua các thử thách, cám dỗ để chú tâm tương tác và trưởng thành cùng nó. Và tình yêu ngoài vợ ngoài chồng chính là một thử thách với lòng chung thủy. Nếu anh nảy sinh tình cảm với một cô gái khác – thì đó chưa phải là thiếu chung thủy. Chỉ khi anh tiếp tục hành động để tạo dựng một mối quan hệ thỏa mãn cảm xúc yêu đương đó – thì sự thiếu chung thủy mới bắt đầu. Nhưng thử thách chính là cái mà mình phải vượt qua, chứ thử thách đâu phải là một đối trọng sẽ đương nhiên hủy diệt hành trình (hôn nhân) của mình. Trừ khi hôn nhân ấy tự diệt. Còn không, thì dù là đàn ông hay phụ nữ, cảm xúc yêu đương vẫn có thể đến, có thể sôi nổi khát khao, rồi nó lại lắng xuống hoặc qua đi, nếu họ có một cái cây đủ vững để trụ vào, và điềm nhiên sống tiếp.
⁃ Ừm, Thực ra anh cũng từng không thích sự chung thủy vì nghĩ nó khiên cưỡng. Anh không muốn dùng sự chung thủy để giữ chân người ta.
⁃ Anh đâu cần phải giữ chân, mà cũng không cần phải mở tung cửa ra bảo người ta phải chọn đi, ở lại hay ra đi. Bây giờ, vợ anh đang gặp thử thách, và càng thử thách khi chính anh cũng sẵn sàng rút lui. Chị ấy đang trầm trọng hóa tình yêu, gặp anh cũng ghen nên càng trầm trọng hóa cái tình yêu ấy. Trong khi, cái mà anh chị có với nhau là một cái cây đã bám rễ thật sâu, đã có hoa có lá. Lẽ ra anh phải bình tĩnh hơn, vững chãi hơn, để chị ấy yên tâm mà đối diện với cảm xúc của mình, rồi vượt qua. Đằng này anh cũng chộn rộn đòi “thoát vai”, rồi vào vai người trưởng thành cao thượng. Anh đẩy chị ấy vào tình huống giả mang tên là “thành thực với lòng mình”. Trong khi chuyện có khỉ gì đâu. Lỡ yêu anh Thắng, thì mai mốt cũng có thể yêu anh Chiến, anh Vinh anh Quang… Ba cái tình yêu đó là tín hiệu cho thấy bên trong anh chị vẫn đang trống chỗ, đang available, mình tiếp tục làm đầy cùng nhau thôi. Còn cái mà anh chị có với nhau mới thực sự *ghê gốm* kìa.
⁃ Lần đầu tiên có người nói anh ghen đó, vì thực ra anh đâu có ghen hờn gì đâu. Sao… nghe như em đang chê anh!
⁃ Chê!!! – mình chẳng nể nang gì nữa
Anh bật cười, làm sáng cả một cuộc trò chuyện. Mình nói tiếp:
⁃ Em thấy anh yêu chị Thư quá trời. Gia đình anh chị cũng quá sức tuyệt vời luôn. Vậy giờ anh chỉ cần đứng vững như bàn thạch cho chị Thư thấy anh là Nghĩa đây, anh là chồng của em đây nè, sóng gió cỡ gì thì anh cũng đứng đây, cũng nắm tay cho em trụ vào. Vậy người ta mới vượt qua thử thách được chứ. Rồi anh cứ đứng đó xem có bị mất gì đâu, ngay cả khi đến cuối cùng chị Thư chọn bỏ theo tình mới, thì anh cũng đã đứng đó đến cùng như một người bạn đời thật tâm và hết lòng. Chứ tự dưng đòi ly thân, rồi chạy mất tiêu. Thiệt là sĩ diện!
Anh Nghĩa cười quá trời. Mình thở phào. Không phải vì chuyện của anh. Mà vì chính mình cũng được giải tỏa khi nói thật nhiều về một tình huống hôn nhân quá đỗi phổ biến này. Yêu một ai đó cũng là chuyện trọng đại chứ. Nhưng trọng đại ở mức độ cảm xúc, thì có gì đâu so với những mối gắn bó thiết thân mà mình đã chọn nuôi nấng suốt đời, nhất là khi mình vẫn trân quý nó, vẫn thấy nó đầy sức sống. Với người còn lại thì chạnh lòng hay ghen tuông cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cần nhìn rộng ra khỏi những hơn ghen, thiệt hơn, để đừng bỏ rơi nhau giữa cuồng phong thử thách. Một người “phải gió”, thì người khỏe mạnh còn lại cứ đứng yên mà làm trụ cột. Đừng có vội vàng phải gió theo, rồi trúng gió cả đôi, phí mất một cuộc tình đời.
***
Hôm đó, anh Nghĩa và mình đều có nhu cầu ngồi một mình để tiếp tục gặm nhấm những cảm giác từ câu chuyện này. Mình đuổi anh Nghĩa đi trước. Anh lại giục mình về trước đi. Cuối cùng thì mình đuổi ảnh thành công, lấy lý do là anh cần đi trải nghiệm thêm mấy quán cà phê khác ở Bảo Lộc chứ. Trước khi đi, anh đồng ý cho mình đổi tên anh để viết bài này cho báo Phụ Nữ. Nhưng khi mình chạm vào đề tài này thì chữ nghĩa cứ tuôn ra thành một bài blog như vầy. Và nó dài lê thê.
Trời ơi, nói/viết gì mà hay quá quá quá là hay, tui ưng cái bụng dễ sợ luôn. Hồi 18 tuổi, bạn trai mình thích một cô gái khác, mình đã nhiệt tình ra vẻ cao thượng mà đẩy thêm vào. Sau này trải qua nhiều, mới hiểu thêm. Hồi mới lấy chồng, có lần mình đi chơi với bạn, hai cặp, nhưng mình và anh nọ là hai nửa của hai cặp đã kết hôn, cả tối vui vẻ, uống nhiều, về khuya ảnh nắm tay mình dưới gầm bàn, mình để yên 2 phút mới rút tay ra. Thực sự là có rung động, tới mức cặp còn lại còn nhận xét hai đứa mày trông như một cặp nhưng cả hai đều đã có gia đình, nhắc lại hai lần. Anh kia kìm chế bằng cách bỏ về sớm và từ chối xuất hiện ở bất cứ buổi tiệc nào có mình suốt thời gian sau đó. Còn mình thì cũng nghĩ về anh ta suốt mấy tháng. Rồi thì qua, rồi thì quên mất tiêu luôn :), vẫn chưa từng gặp lại ảnh, nhưng vẫn thích cái rung động lúc đó, nhất là sau mấy năm trời chỉ yêu có mỗi bạn chồng.
ThíchĐã thích bởi 1 người
“Thực sự là có rung động”, lời thú nhận dễ thương quá chừng. Thực sự có những cái “2 phút” nó là cả một đời rung động luôn, nhưng thời gian vật lý thì chỉ cần 2 phút đó thôi, mà cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tình yêu lẫn trách nhiệm với chồng hay với gia đình gì cả. Mà 2 phút đó mình đâu có tự tạo nên được, muốn có cũng không được, muốn cản cũng không xong. Mà phải thừa nhận là, nó đẹp vô đối. Mình thấy lý tưởng nhất là khi vợ chồng bầu bạn với nhau được tới mức có thể chia sẻ với nhau những điều đẹp đẽ như vậy đó. Đẹp có khác gì khi mình cao hứng làm được 1 bài thơ hay xuất thần đâu.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Rung động với bài viết thực sự ạ :x. Em như là hiểu hơn về tình yêu, thêm một tầng nghĩa khác nữa. Em đã chứng kiến 2 cuộc rung động và cách giải quyết cũng rất khác nhau. Giờ đây khi chị nói về một cái gốc rễ thật vững thì em mới hiểu vì sao gia đình đó đi qua được cuộc suýt bể dâu và vẫn cùng nhau đi đến tận bây giờ. Cũng là rung động. Và gia đình còn lại thì chật vật sống với nhau với lý do vì con nhưng, ngột ngạt và đầy trách móc đối phương. Có lẽ em sẽ tự có suy nghĩ riêng của em nữa nhưng qua hôm nay sẽ là một ghi chú mới cho cái gốc rễ của chính mình. Em cảm ơn chị Trâm thật nhiều nhé.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cảm ơn em đã chia sẻ. Cảm xúc thì vô tội. Nhưng hành động thì có. Đôi khi người ta ám ảnh vì hành động thiếu chung thủy của đối phương mà mang theo nó suốt đời. Nhưng chị nghĩ khi đã chọn ở lại trong mqh thì cần nuôi dưỡng những giá trị của nó, và hóa giải những vấn đề của nó để lớn lên cùng nhau, chứ trách móc và cắn đắng hoài thì bi kịch lắm, kể cả cho đứa con nữa.
ThíchThích