Những người quanh Trâm

DUNG và ĐẠI HỌC (1)

Tụi mình chơi với nhau từ ngày đầu tiên của thời đại học. Hai đứa học chung cấp 3, chọn học cùng trường, cùng khoa Đại học nên chọn ở chung phòng trọ với nhau.

Ngày hẹn nhau xuống nhận phòng trọ, mình kéo cái vali đồ đạc từ Tân Phú xuống ngồi chờ ở quán cà phê ngay trước cổng trường ĐH KHXH&NV. Với một con bé lên Sài Gòn học đại học thì cái buổi sáng bắt xe ôm đến ngôi trường thần thánh đã từng đào tạo biết bao nhiêu idol – là một buổi sáng siêu thần thánh. Vậy mà sau một chuyến đi dài gần 20 cây số, chú xe ôm thả mình xuống một cái dốc chợ nhếch nhác, nói: “đến rồi con”.

Ngơ ngác hỏi các chị tiểu thương “đường vào trường ĐH KHXH&NV”, mình lại được chỉ sâu vào trong chợ, “em đi xuống đường này, cuối đường là thấy”.

Mình như mếu, hỏi lại như muốn được nghe một lời đính chính:

  • Dạ trường ĐH KHXH&NV đó ạ!
  • Thì đây, cưng cứ đi vô đường này! – chị tiểu thương chắc chắn
  • Dạ… còn xa không chị? – mình lỳ lợm nghĩ có thể con đường này rất dài và ngôi trường ĐH KHXH&NV thì ở một đoạn hiện đại nào đó
  • Sát bên đích hà!

Phép ẩn dụ của người đàn bà tiểu thương làm mình tuột mood y chang cái vali đang ngon trớn chạy xuống cái dốc ngay bên hướng chị chỉ. Mình đổ dốc đi tầm 200m đã thấy một bức tường nham nhở ghi tấm biển “Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn”. Trước cổng trường là con đường nhựa rất nhỏ, nhếch nhác mấy tiệm bán sách lậu, mấy hàng ăn sáng nhìn không mấy gọi mời. Mình chọn ngồi ở quán cà phê bên hông cổng, ngồi chờ Dung. Đầu óc mình rỗng rang khi khung cảnh trước mắt quá khác với hình dung. Phép tưởng tượng về đời sống sinh viên bị cắt phụp khi bối cảnh thật hiện ra trước mắt. Mình quyết định không tưởng tượng nữa.

Dung xuất hiện. Nó leo xuống từ chiếc xe máy của ông bác họ. Hai đứa học chung cấp 3 nhưng không chơi gì với nhau. Hình như đây là lần đầu tụi mình giao tiếp trực tiếp. Nó rất hoạt bát, dắt mình về phòng trọ mà nó đã thuê từ trước. Nhà bác của Dung gần trường nên khi vào ở nhờ nhà bác những ngày đầu chờ nhập học, Dung nhận trách nhiệm qua trường thuê trọ cho hai đứa.

Đó là một xóm trọ khá nhếch nhác. Ngay mặt tiền khu trọ là một cái tạp hóa treo lùm xùm hàng hóa. Ngay bên tạp hóa là lối vào – một con đường đất trải đá dăm, vương vãi phân chó mèo, men theo bên hông căn nhà của ông chủ tạp hóa. Men theo hết chiều dài căn nhà sẽ thấy các ngã rẽ ngang dọc. Mỗi ngã rẽ là một dãy phòng, đều thuộc khuôn viên của “khu trọ tạp hóa” này.

Phòng trọ của tụi mình ở ngay vị trí cửa ngõ. Vừa đi hết con đường phân chó là đến. Phòng quay mặt ra chính diện. Bất kỳ một khách trọ nào muốn vào bên trong đều phải đi ngang qua phòng mình.

Tuy ở vị trí đắc địa, nhưng cái phòng trọ 10m vuông nọ cũng không khá khẩm hơn cái môi trường xung quanh nó là mấy. Từ lúc bước chân xuống làng đại học cho đến khi vào đến phòng trọ, mình chỉ thấy như lạc vào một hệ sinh thái của chợ tạm, thức ăn lưu động vỉa hè, tiệm sách lậu và mấy quán bi-a cà phê mở nhạc thị trường. Và giờ đây, căn phòng trọ nhỏ xíu như một chiếc hộp vuông màu xanh cũ kỹ, bên trên đậy lại bằng cái nắp bằng tôn, rất hờ hững. Bằng kinh nghiệm của một con dân miền Trung, mình đã nhìn lên mái nhà và nghĩ “chỉ cần một cơn bão cấp 6 cũng giật sập được mày!”.

Lúc này chỉ còn hai đứa, hai cái vali và một phòng trọ trống trơn, dơ hầy. Chẳng biết tính khí Dung thế nào, mình chỉ nhớ hồi cấp 3 mình sợ nó thí mồ vì nó style giỡn hớt, ồn ào còn mình suốt 3 năm cấp ba chỉ có ôm tiểu thuyết vào lớp cắm mặt đọc, thỉnh thoảng lấy trốn học làm niềm vui. Về phía Dung, sau này nó kể lại, khi mình đề nghị thuê phòng trọ ở chung, nó đã tưởng mình xạo nó. Hồi cấp ba nó thấy mình như vật thể lạ và đã từng có những suy diễn ma quái về mình. Ví dụ trong đợt đi thi học sinh giỏi văn, mình và Trang – con nhỏ học giỏi nhất đội tuyển – không có giải trong khi cả đội ai cũng có. Trước câu chuyện khó hiểu đó, Dung bèn nghĩ “hai cái đứa này nó cố tình chơi ngông bằng cách không có giải”. Tự nó thêu dệt lên bao giai thoại về mình, mà giai thoại nào cũng “hổng giống ai”.

Tự dưng bị cuộc đời xếp vào một căn phòng nhỏ với một con nhỏ chơi ngông, bà Dung chợt huyên thuyên nói đủ thứ như để khỏa lấp khoảng trống. Mình nghe bả nói một lượt là tạm nắm tình hình đối phương, bèn tự giác vào vai trụ cột. Mình nói: “Dù là phòng trọ nhưng mình cần đầu tư những đồ đạc cơ bản để sau này khỏi phải sửa đổi lắt nhắt, đừng mua mấy đồ xài tạm”.

Thống nhất xong, hai đứa ra chợ mua một cái bếp ga xịn thay vì bếp ga mini, mua rổ rá xoong nồi, kệ sách, tủ quần áo, giấy dán tường. Mình đi hỏi thuê một ông thợ vào khoan tường, bắt hai cái kệ sách của hai đứa lên, rồi khoan mấy cái giá treo đồ. Tụi mình dán tường, sắp xếp khu vực bếp, trang trí kệ sách bằng mấy khung hình kỷ niệm thời phổ thông, xếp đồ đạc vào tủ. Làm hết phần việc đó, căn phòng nhếch nhác ban sáng đã trở thành một cái tổ nhỏ ấm cúng.

Hai đứa thời đó

Ngày hôm đó tuy bận như rất nhiều cảm xúc. Dung không mấy năng động khi vào việc, vì nó bắt đầu thấy… thảm. Thỉnh thoảng đang sắp xếp đồ đạc nó lại ngồi thụp xuống đất, mặt mếu máo. Mình lúc đó không nghĩ ngợi được gì, không biết làm sao thích nghi và sẽ gắn bó với cái nơi quá khác biệt này bằng cách nào. Tụi mình tuy lớn lên ở nông thôn nhưng chưa bao giờ phải sống trong một môi trường nửa quê nửa tỉnh, tạm bợ, lôi thôi như thế.

Lúc chạy đi ra con đường nhựa phía trước để kiếm ông thợ khoan, mình đã gọi điện cho Tùng. Tùng khi ấy còn ở nhà vì ĐH Cảnh sát nhập học trễ. Qua điện thoại, mình miêu tả cho Tùng mọi thứ. Tùng hướng dẫn mình làm việc gì trước việc gì sau. Trong cuộc điện thoại nếu chen vào một giao tiếp nào đó với người đi đường (mình vừa đi vừa hỏi đường), mình lại tả cho Tùng hình dung cái người mình vừa gặp, đoạn đường mình đang đi qua. Nhiều lúc tả xong một đoạn thấy sao cái chỗ mình vào học sao nó loang lổ, nhếch nhác quá, mình bèn tủi thân khóc. Nhưng hễ về phòng, mình lại bình thản chỉ đạo ông thợ và cả Dung làm việc a việc b.

Chiều đó trời mưa to. Từ đó đến nay mình chưa từng thấy Sài Gòn có một mùa mưa nào dữ dội và đều đặn như năm đó. Mưa tầm tã trên mái tôn, rồi như vây lấy tụi mình bằng cái âm thanh ầm ào từ các mái tôn liên tiếp của các dãy trọ xung quanh. Chỉ cần hé cửa là thấy con đường phân chó dơ hầy chạy giữa hai bức tường, mấy con chó lớn của chủ nhà ướt mem nằm trước hiên (trước phòng mình chính là khoảng hiên sinh hoạt của nhà chủ). Thức ăn thừa vương vãi. Mình rùng mình, đóng sập cửa.
Và khi cơn mưa lên đỉnh điểm, Dung ngồi bó gối giữa nhà, khóc lớn tiếng như thi gan với mưa. Lâu lắm rồi mình mới thấy một người lớn khóc nghiêm túc đến vậy. Nó cứ ngồi đó, hu hu hu hu.

(Còn nữa)

P2: https://www.facebook.com/102605108013846/posts/211324147141941/?d=n

2 bình luận về “DUNG và ĐẠI HỌC (1)

  1. Em đọc hết cả 2 phần của chị, nghe vui ghê. Em học ĐH KHXH&NV Hà Nội (Khóa 2015 – 2019) – thì ra cùng trường với chị, cơ mà đại học em được ở nhà dì nên các cảnh sống trọ thời sinh viên em không có trải nghiệm.
    Nhưng mà đến trọ mấy đứa bạn thì chao ôi, em cũng phát sợ. Ẩm thấp, tối tăm vào những ngày trời nồm nữa thì đúng là ăn đủ combo rồi.
    Nhưng mà chúng nó ở ngoài có những trải nghiệm đi chơi đêm – cái này và nhiều cái em không có 😀

    Đã thích bởi 1 người

  2. Cảm ơn em. Sống trọ vui tới nóc em ơi. Nhưng thỉnh thoảng cũng rất thèm được bảo bọc, thèm có cô dì chú bác mắng la cho mình đỡ lưu lạc.
    Ơ mà vậy là em có kết bạn với chị trên Facebook sao?

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s