Mình đây,
Khi trở lại với sự “so deep” quen thuộc của blog này, mình muốn kể mọi người nghe một chi tiết đã thực sự chạm vào trái tim mình và khiến mình rơi nước mắt rất rất nhiều. Đó là chi tiết trong phim Anne with an “E”.
Phòng khi các bạn chưa đọc Anne tóc đỏ và chưa coi phim Anne with an “E”, mình tóm tắt vầy nhé. (Phần này sẽ có spoil phim nên mn cân nhắc nha)
Anne là cô bé mồ côi từ lúc mới 3 tháng tuổi, phải sống rất vất vả khi phải ở nhờ nhà người khác. Anne từng chăm một lúc 3 cặp sinh đôi , tức 6 đứa trẻ, khi cô chỉ đang tuổi tiểu học và chứng kiến nhiều chuyện đau xót mà một đứa trẻ không bao giờ đáng phải chứng kiến. Vậy nên khi được gia đình Cuthbert nhận nuôi, Anne vô cùng vui mừng.

Năm ấy Anne 13 tuổi. 13 tuổi lần đầu Anne có một người muốn nuôi mình. Lần đầu tiên Anne có gia đình dù cô đã không ngừng mơ ước suốt 13 năm qua. Cô bé nâng niu cảm giác đó và tìm đủ mọi ngôn từ để diễn tả sự trọng đại của sự kiện này trên đường về nhà Cuthbert. Nhưng về đến nhà, cô vỡ mộng một cách đau đớn khi được biết nhà Cuttbert thực ra muốn một đứa trẻ khác, việc đón Anne chỉ là nhầm lẫn. Đời Anne chưa bao giờ bi kịch như thế. Chính sự thật đó mới là một đòn đau chí mạng nhất đời Anne, vì nó càng chỉ ra rằng thế giới này không ai muốn cô cả.
Thế nhưng sau một vài diễn biến, ông bà Cuthbert cũng chấp nhận nuôi Anne. Được ở trong chái nhà xanh với tư cách là đứa trẻ được nhận nuôi, Anne hạnh phúc tột bực. Cô bé cực kỳ giàu trí tưởng tượng với óc quan sát, khả năng miêu tả và tài sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời. Cô nhìn đâu cũng thấy cái đẹp, ánh sáng và tình yêu. Cô liên tục dùng những từ đao to búa lớn để diễn tả sự hạnh phúc của mình, và thực sự hân thưởng niềm hạnh phúc ấy từ việc phụ bà Marila Cuthbert làm bếp cho tới việc đi ngang một cành cây rung rinh. Tất cả đều làm cô hạnh phúc.

Thế nhưng, một tai nạn bất ngờ ập tới. Bà Marila bị mất chiếc cài tóc thạch anh tím mà bà cực kỳ trân quý. Bà được biết Anne là người cuối cùng cầm vào chiếc cài tóc ấy, mà tự ý cầm chứ không xin phép. Bà rất giận và tra hỏi Anne liệu có phải cô đã làm mất nó. Vì quá sợ bà Marila sẽ không nuôi mình nữa, Anne bèn bịa ra một câu chuyện hợp lý cho thấy cô đã đánh mất cái cài để nhận tội. Dù sự thật không phải như thế.
Nghe xong, bà Marila quá giận và bế tắc. Bà vốn đã quá khốn khổ với Anne. Anne là cô bé quá mộng mơ và “lệch chuẩn” so với sự mực thước của bà. Cô liên tục gây rắc rối. Đã vậy, gần cả cuộc đời bà Marila chỉ sống đơn thân, chưa từng bị một đứa trẻ nào phá vỡ giới hạn. Marila đã nuôi Anne vì lòng thương xót, bà đã bắt đầu yêu cô dù vẫn lên bờ xuống ruộng với những rắc rối của cô, nhưng chuyện chiếc cài đã đi quá giới hạn của bà. Bà quyết đem Anne trả lại trại trẻ mồ côi.
Việc trả Anne do Mathew Cuttbert đảm nhiệm. Mathew là anh trai bà Marila – một người anh tốt bụng nhưng lầm lì, ít nói. Hai anh em đã lớn lên và già đi bên nhau cho đến khi Anne xuất hiện. Mathew cực kỳ thương Anne và việc trả Anne với ông là cực hình.
Nhưng khi trở về trại trẻ mồ côi vào buổi tờ mờ sáng, Anne đã quá kinh khiếp những ám ảnh cũ về nơi này, nên tìm cách trốn đi. Cô lăn lộn để ra được bến tàu, đối phó với kẻ gian để tiếp tục hành trình của mình. Lúc ấy, khán giả không biết Anne đang định đi đâu…
Trong một diễn biến khác. Bà Marila vô tình phát hiện chiếc cài tóc mắc trong kẹt ghế. Bà bàng hoàng nhận ra sai lầm chí mạng mình vừa mắc phải và lập tức kể cho Mathew. Nghe xong, Mathew tức tốc đuổi theo Anne.
Mathew trải qua nhiều khổ nạn trong cuộc sấp ngửa đuổi theo bé con mà ông quá yêu và xót. Cuối cùng, hai bác cháu gặp nhau ở ga tàu. Anne đang đọc thơ cho hành khách đợi tàu để xin từng bạc lẻ mua vé tàu đi tiếp. Nhìn thấy Mathew – một người mình yêu kính như cha – Anne càng đọc to hơn làm như không để ông bước vào hành trình của mình. Mathew đau khổ chạy lại chỗ Anne và gọi tên cô trìu mến. Anne quay phắt đi và tiếp tục đọc thơ thật dõng dạc, phục vụ khách của mình…
Khi Mathew kéo Anne đi, cô đã vùng rất mạnh để thoát ra, và nói:
- Cháu tưởng mình đã có hai bác là gia đình. Nhưng từ nay, cháu đã quyết định cháu sẽ là gia đình của chính cháu!
Tất cả diễn biến trên này mình kể hoàn toàn bằng trí nhớ nên có thể có sai lệch về tiểu tiết. Chi tiết Anne bị bà Marila trả lại trại mồ côi là sáng tạo của phim Anne with an “E”, không có trong nguyên tác tiểu thuyết Anne tóc đỏ.
Phút hai bác cháu gặp nhau, mình đã rưng rưng nhưng tới khi Anne bật ra câu trên, mình cũng khóc oà theo con bé. Lời đau đớn ấy cũng chính là ánh sáng. Ánh sáng phát ra từ một trái tim tan vỡ, nhưng từ khi có ánh sáng kia thì con tim sẽ không thể tan vỡ thêm một lần nào nữa. Bởi Anne đã chọn trông cậy vào nơi xứng đáng tin cậy nhất và duy nhất: chính mình.
Mình khóc nhiều lần khi nhớ về chi tiết này. Không biết các bạn có hình dung rằng chính mình cũng nhiều sai lầm, tan vỡ, đau thương, sợ hãi… Nhưng mình chưa từng chia sẻ những cảm giác to lớn kia với bất kỳ ai, khi nó chưa kết thúc. Những người thân nhất của mình sẽ biết đến chúng trước tiên, nhưng chỉ biết khi mình đã vượt qua rồi. Một chấp niệm khổng lồ nào đó đã khiến mình không thể chia sẻ với ai về một nỗi đau còn đang đau…
Các bạn gửi thư chia sẻ chuyện riêng với mình thường hay hỏi mình sẽ làm gì khi bối rối? Có phải mình cũng tâm sự với một chị Hạnh Dung khác? Mình chỉ gửi mặt cười và nói nhây kiểu lâu quá không bối rối nên không nhớ mình làm gì lúc đó.
Nhưng thực ra, mình cũng có những lần lướt Messenger và cả danh bạ điện thoại để tìm một gương mặt. Mình có những lúc quay quắt với rất nhiều câu hỏi và những mảnh vỡ cần có người gọi tên. Nhưng tất cả những lần ấy, mình đều nhận ra mình không có ai cả.
Đây hoàn toàn không phải là vấn đề về mối quan hệ hay tính bí mật. Quanh mình rất nhiều người sáng suốt, khiêm cung và bao dung để lắng nghe mọi chuyện điên rồ nhất của mình. Nhưng vấn đề là cảm trạng của mình ngay lúc ấy. Mình không thể chia sẻ với ai và không kỳ vọng ai bước vào câu chuyện đó dù là với tâm thế lắng nghe. Không một ai cả. Hoặc nếu có, hẳn phải là Phật hay Chúa thì mình mới có thể ngồi xuống vừa khóc vừa kể cho ngài nghe. Và rồi Phật hay Chúa đó còn là ai nữa, nếu không phải là chính mình: ngồi một mình và tự phơi bày nắm tơ vò hay những mảnh vỡ đó…
Và mình từ bé đã hiểu thế nào là “chính mình sẽ tự làm bờ vai cho mình”. Tất cả những câu chuyện to lớn nhất mình từng đi qua, mình đều đi qua một mình. Dù rằng, tất cả những chuyện đẹp đẽ và thiêng liêng nhất mình từng đi qua, mình đã đi qua với chồng, với con. Những thơ mộng mình đã đi qua với từng đứa bạn thân như ruột thịt. Những điều ấm áp nhất, mình đã đi qua với gia đình mình, anh chị mình…
Nhưng, những chuyện lớn lao nhất đời, những cuộc tan vỡ chí mạng để rồi nhận lấy một thứ ánh sáng tuyệt diệu kia – mình chỉ có một mình.
Vậy nên, khi Anne bật ra câu nói đó, mình cũng được gọi tên một loại sức mạnh mà mình đã, đang và sẽ có trong đời này. Chuyện này không có buồn/vui. Chuyện này là câu chuyện sức mạnh.
Khuya nay mình xong việc thì quyết định nằm nán lại trên gác để gõ mấy dòng này. Vì mình chợt nghĩ hình ảnh của Anne có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều người đang cảm thấy bơ vơ.
Dù bạn đang thấy mình thiếu ai trong đời, thì hãy thử chọn lấy chính mình làm người quan trọng ấy cho mình trước nhất, nhé ❤️
Mình tin rằng, mọi mối quan hệ không phải vì thiếu nhau mà đến. Mà vì đã tròn trịa và đủ đầy từng bên, nên mới đến và cùng nhau làm nên hạnh phúc. Vậy nên trước khi trở về chái nhà xanh làm nên một gia đình đích thực đầy lãng mạn và thơ mộng với ông bà Cuthbert, biên kịch đã để Anne tự xác quyết rằng cô đã đủ đầy – đủ đầy trong cả cảm giác về một gia đình, một nơi trú náu mà Anne chưa từng có theo cách hiểu của thế giới này!